Thứ Hai, 29/04/2024 22:02:21 GMT+7

Tin đăng lúc 02-11-2023

Lượt xem: 306

Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam 2023 theo quy mô quốc tế

Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam 2023 được tổ chức từ ngày 9-12.11 với nhiều hoạt động hấp dẫn, có sự tham gia của các tổ chức quốc tế.
Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam 2023 theo quy mô quốc tế
Họp báo thông tin về Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023. Ảnh: Vũ Long

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề đang hoạt động, trong đó số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là 2.008, thu hút khoảng 1,58 triệu lao động với thu nhập bình quân khoảng 5–6 triệu đồng/người/tháng.

 

Nhiều làng tồn tại từ 500 đến 1.000 năm lại đây, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến, như lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, gốm sứ Bát Tràng…

 

Sáng 1.11, phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí thông tin về Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023, ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NNPTNT) - nhấn mạnh: Sự phát triển làng nghề góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ, sử dụng và phát huy các nguồn lực về lao động, vốn và các nguồn lực khác.

 

Tiếp nối thành công của Hội chợ Làng nghề Việt Nam những năm trước, năm 2023, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND TP.Hà Nội tổ chức Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam 2023 với quy mô quốc tế.

 

Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo tồn, giữ gìn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam, trong đó lấy các làng nghề của TP Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa sang các địa phương khác.

 

Qua đó, tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề; tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề; quảng bá, giới thiệu các làng nghề, phố nghề truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội và cả nước; góp phần từng bước thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển du lịch trong các làng nghề trong nhân dân để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn...

 

"Để triển khai việc tổ chức Festival, ngay từ đầu tháng 5, chúng tôi đã phát động Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023 cũng như liên lạc với các đối tác nước ngoài để thu hút sự tham dự của các tổ chức quốc tế" - ông Nguyễn Minh Tiến nói.

 

Khác với các năm trước, Festival năm nay sẽ có nhiều hoạt động nổi bật và ý nghĩa như: Lễ vinh danh các nghệ nhân, thợ giỏi; Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ; biểu diễn chương trình nghệ thuật văn hóa truyền thống; hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát triển làng nghề”.

 

Đặc biệt, hàng loạt các hoạt động hưởng ứng Festival do UBND TP Hà Nội chủ trì thực hiện như: Lễ rước Tổ nghề và tuần văn hóa du lịch – thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2023 với chủ đề “Vạn Phúc - sắc màu Hội nhập”; tuần lễ giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các tỉnh Nam Bộ; lễ hội mùa thu Hà Nội; hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2023; tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề ở Hà Nội như: Bát Tràng, Vạn Phúc, Đường Lâm…

 

Theo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang