Thứ Sáu, 26/04/2024 11:06:21 GMT+7

Tin đăng lúc 30-03-2022

Lượt xem: 1413

Đồng Nai: DN công nghiệp hỗ trợ đầu tư công nghệ hiện đại, giảm sức lao động

Hơn 30 năm qua, Đồng Nai đã thu hút được rất nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ô tô chính là một trong những ngành nghề nổi bật nhất.
Đồng Nai: DN công nghiệp hỗ trợ đầu tư công nghệ hiện đại, giảm sức lao động
Lắp ráp ô tô tại Mercedes-Benz Việt Nam

Đồng Nai là địa phương có ngành sản xuất CNHT thuộc loại lớn của cả nước. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 21,8 tỷ USD, trong đó có gần 14 tỷ USD thuộc về các doanh nghiệp (DN) CNHT. Các nhà máy sản xuất trong lĩnh vực CNHT luôn được ưu tiên đầu tư công nghệ hiện đại, chỉ cần diện tích nhỏ và sử dụng ít lao động nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có nhiều nhà máy sản xuất linh kiện, thiết bị hiện đại nhất khu vực ASEAN, châu Á - Thái Bình Dương. Đơn cử như: Tập đoàn Meggitt liên doanh (Anh) đầu tư nhà máy chuyên sản xuất các loại động cơ cho các hãng máy bay như: Boeing, Airbus. Tập đoàn Nok (Nhật Bản) đặt nhà máy sản xuất phốt chặn kín, gioăng, roong, vòng đệm… cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy, máy bay và các thiết bị động cơ chính xác khác ở Khu công nghiệp Amata. Các nhà máy này đều ứng dụng công nghệ 4.0 ở nhiều công đoạn trong sản xuất sản phẩm để xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Tuy mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2019, nhưng Công ty TNHH Action Composites Hightech Industries ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 đã trở thành nơi cung cấp một số linh kiện quan trọng cho các hãng ô tô nổi tiếng thế giới chuyên sản xuất những dòng xe ô tô hạng sang. Công ty được thành lập với liên doanh giữa Áo và Đài Loan để sản xuất ra những sản phẩm là cản gió, cánh gió sau, nắp động cơ, thanh cân bằng, mâm xe, nắp ca-pô… cho những mẫu xe ô tô cao cấp. Sản phẩm của công ty được làm từ nguyên liệu là sợi carbon composites (loại sợi chứa 90% nguyên tử carbon được kiểm soát chặt chẽ trong quá trình nhiệt phân sợi nguyên liệu ban đầu).

 

Ông Nguyễn Thanh Minh, Trưởng phòng Hành chính - nhân sự Công ty TNHH Action Composites Hightech Industries cho hay: “Công ty sử dụng nguyên liệu là sợi carbon để sản xuất các linh kiện cho những dòng xe cao cấp, vì đây là siêu vật liệu trong ngành chế tạo máy móc. Vật liệu này chủ yếu được các doanh nghiệp dùng để sản xuất linh kiện cho ngành hàng không vũ trụ, dầu khí và đặc biệt sản xuất các dòng siêu xe và một số ngành đặc thù khác vì đặc tính nhẹ, độ cứng cao, siêu bền, chịu được nhiệt độ cao và giãn nở chịu lực và nhiệt vượt trội”. Sản phẩm sản xuất từ sợi carbon có thể chịu lực gấp 5 lần và cứng gấp 2 lần so với thép nên được hầu hết các hãng hàng không, ô tô, ngành quân sự trên thế giới đặt hàng làm những linh kiện quan trọng cho tàu bay, tàu vũ trụ, thiết bị quân sự, siêu xe…

 

Ông Minh cho biết thêm, Công ty TNHH Action Composites Hightech Industries hiện có 700 lao động đang làm việc trong nhà máy và được ứng dụng công nghệ 4.0 ở nhiều khâu trong quản lý lao động, sản xuất hàng hóa. Mục tiêu của công ty là sẽ phát triển bền vững tại Việt Nam, tiếp tục mở rộng đầu tư vào các dây chuyền sản xuất để đưa ra thị trường những sản phẩm mới cho các dòng xe ô tô, xe máy cao cấp và hệ thống treo bằng vật liệu carbon. Giai đoạn 2022-2025, công ty sẽ mở thêm nhiều dây chuyền sản xuất và tuyển thêm khoảng 900 lao động.

 

DN sản xuất các linh kiện từ sợi carbon cho ngành ô tô, xe máy trên thế giới là ngành luôn có sự thay đổi và nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao. Điều đó buộc sản phẩm của các công ty, DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT ô tô phải liên tục thay đổi, nâng cao chất lượng, mẫu mã đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, các DN cũng cần phải chủ động nghiên cứu để đưa ra các dòng sản phẩm cao cấp để tìm thêm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần xây dựng thương hiệu trên toàn cầu. 

 

Trong 2 tháng đầu năm 2022, các DN CNHT ở Đồng Nai đã chi khoảng 281 triệu USD để nhập khẩu máy móc và dụng cụ phụ tùng phục vụ lắp ráp dây chuyền sản xuất mới hoặc thay đổi những máy móc cũ. Sau đại dịch, cùng với trạng thái “thích ứng an toàn”, mục tiêu hàng đầu của các nhà máy chính là sản xuất ổn định, tăng năng suất để có thể hoàn thành các đơn hàng đã ký với đối tác trong và nước ngoài.

 

Trong hai năm 2020 và 2021, dịch bệnh Covid-19 đã có những tác động vô cùng sâu sắc tới ngành nghề sản xuất CNHT. Nhưng các DN trên địa bàn Đồng Nai vẫn bỏ ra gần 1,6 tỷ USD/năm để nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại. Xu hướng của nhiều DN FDI trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là ứng dụng máy móc công nghệ để giảm bớt lao động nhưng vẫn đảm bảo công suất, chất lượng tăng cao nên doanh thu, lợi nhuận đem lại rất lớn. Đây cũng là mục tiêu của tỉnh trong thu hút dòng vốn FDI thời gian qua và những năm tới.

 

Với định hướng thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, Đồng Nai tiếp tục đón nhận được nhiều dự án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất những sản phẩm quan trọng cho ngành công nghiệp ô tô, hàng không vũ trụ, thiết bị cho các loại máy móc 4.0 trong những năm tới. Bởi vậy Các DN CNHT tại Đồng Nai đã và đang trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa toàn cầu.

 

Minh Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang