Thứ Sáu, 26/04/2024 11:01:15 GMT+7

Tin đăng lúc 07-07-2021

Lượt xem: 1827

Doanh nghiệp CNHT Đồng Nai tích cực chuyển đổi số để có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Đồng Nai là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, thu hút được nhiều tập đoàn đa quốc gia có công nghệ tiên tiến đến đầu tư. Mặc dù hiện còn nhiều doanh nghiệp (DN) mới tham gia vào nền kinh tế số ở giai đoạn đầu là đưa máy móc hiện đại vào sản xuất để giảm lao động, tăng công suất, chất lượng sản phẩm, số DN ứng dụng số hóa và chuyển đổi số ở cấp độ cao còn ít nhưng nhiều DN đã có kế hoạch để thực hiện từng bước nhằm theo kịp nhu cầu phát triển của thế giới.
Doanh nghiệp CNHT Đồng Nai tích cực chuyển đổi số để có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch để thực hiện từng bước chuyển đổi số nhằm theo kịp nhu cầu phát triển của thế giới (trong xưởng sản xuất của Fujitsu Việt Nam tại KCN Biên Hòa 2).

Những năm gần đây, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu, là yếu tố sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng, bùng phát toàn cầu như hiện nay, chuyển đổi số càng được các tổ chức, DN đẩy mạnh ứng dụng nhằm ứng phó các khó khăn do dịch bệnh gây ra; đồng thời tăng hiệu quả hoạt động cũng như tiết kiệm chi phí.

 

Tại Đồng Nai, để bắt kịp nhu cầu phát triển của thế giới, thời gian qua, tỉnh đã và đang thực hiện các bước trong chuyển đổi số ở hầu hết các các lĩnh vực từ quản lý nhà nước đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong quá trình thu hút đầu tư, tỉnh chú trọng ưu tiên những dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại, công nghệ sạch, những dự án công nghiệp có tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm cao, góp phần gia tăng chuỗi giá trị.

 

Với những cơ chế chính sách ưu đãi thông thoáng, tích cực cải cách và thuận lợi hoá thủ tục hành chính đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển, những năm gần đây, tỉnh Đồng Nai đã thu hút được nhiều tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư sản xuất như: Bosch, CP, Schaeffer, Hyosung, Meggitt, Ajinomoto, Hansol Technics, Oji Paper, Intops, CJ, Fujitsu, Changshin, SMC, Formosa, Forval, Kenda, Cargill,... Các tập đoàn này đều ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh, qua đó đã góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đang cung ứng sản phẩm đầu vào cho các tập đoàn này cũng chuyển đổi sang áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, bước vào giai đoạn đầu của chuyển đổi số.

 

Ông Yu Hie Min, Tổng giám đốc Công ty TNHH Platel Vina thuộc Tập đoàn Intops (Hàn Quốc) cho biết, để đáp ứng được yêu cầu của Tập đoàn Samsung, công ty mới đầu tư khoảng 30 triệu USD để xây dựng nhà xưởng sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) và Nhà máy này sẽ được ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất để sản phẩm làm ra đạt yêu cầu của đối tác mua hàng.

 

Tương tự, 5 năm trở lại đây, Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech (KCN Nhơn Trạch 2) - DN chuyên sản xuất ắc quy, pin, đã đầu tư đổi mới công nghệ, ưu tiên công nghiệp hỗ trợ để đẩy mạnh sản xuất. Những chiếc máy hiện đại được lập trình sẵn, công nhân chỉ cần điều khiển một số thao tác nhỏ để máy hoạt động. Tuy nhiên, để sử dụng được những máy móc này, đòi hỏi người lao động phải làm chủ công nghệ, nắm vững quy trình sản xuất và nhanh nhạy trong mọi tình huống phát sinh. Ông Maosheng Liu, Phó tổng giám đốc Công ty cho biết, việc áp dụng hệ thống máy móc hiện đại vào sản xuất vừa giúp DN tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, vừa là cơ hội cho người lao động được tiếp cận với các công nghệ tiên tiến của thế giới, tiến gần đến công nghệ 4.0 và nâng cao trình độ, năng suất lao động, tăng thêm thu nhập, giảm bớt sức lao động, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển của doanh nghiệp.

 

Bên cạnh các doanh nghiệp FDI thì tại Đồng Nai hiện nay cũng có nhiều DN CNHT Việt đã ký được hợp đồng với những khách hàng nước ngoài và ngày càng mở rộng sản xuất, xuất khẩu. So với các doanh nghiệp FDI thì DN có vốn đầu tư trong nước hưởng các ưu đãi chậm và ít hơn. Nhưng các DN Việt cũng đã dần nắm bắt được các cơ hội mang lại để phát triển. Mặc dù chỉ tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu thông qua việc hợp tác để gia công, sản xuất một vài công đoạn trong chuỗi sản xuất nhưng các DN Việt vẫn đang nỗ lực ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cấp sản phẩm sao cho có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.

 

Những năm gần đây, Công ty CP An Phú Thịnh (tại huyện Long Thành) đầu tư nhiều máy dệt sợi tự động nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất. Đặc thù của máy này có thể dệt tự động, sản phẩm làm ra đẹp và ít bị lỗi, đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng. Với những máy móc tiên tiến, hiện đại, công nhân chỉ cần điều khiển hoạt động qua máy, không mất nhiều sức lao động như trước đây, qua đó, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

 

Hay tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa), đây là DN hoạt động trên lĩnh vực CNHT, chuyên thiết kế sản xuất khuôn mẫu và sản phẩm nhựa. Sản phẩm do Công ty làm ra chủ yếu bán sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Ông Mai Khanh, Giám đốc Công ty cho biết, để tham gia được vào chuỗi cung ứng cho các DN Nhật Bản, Hàn Quốc, Vinastar đã phải đầu tư máy móc, nhà xưởng có công nghệ hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực đúng theo yêu cầu của đối tác. Và khi đã được những đối tác này tin tưởng đặt hàng thì đầu ra khá thuận lợi. Do vậy, DN muốn hàng hóa sản xuất ra bán được cho người tiêu dùng thì sản phẩm phải có chất lượng tốt, giá cạnh tranh và chuyển đổi số sẽ giúp DN đáp ứng các yêu cầu trên của khách hàng.

 

Cùng quan điểm này, ông Lê Trí Minh - Giám đốc Công ty TNHH Đại Á Thành, kiêm Chi hội trưởng Chi hội doanh nghiệp CNHT Đồng Nai cho rằng, các DN vừa và nhỏ tham gia vào chuyển đổi số rất khó khăn do thiếu vốn, nhân lực. Tuy nhiên, để sản phẩm làm ra có thể cung ứng cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, thì bắt buộc các DN Việt phải đầu tư máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất, đây là bước đầu của quá trình chuyển đổi số. Quá trình này được DN lựa chọn các máy móc, thiết bị đồng bộ để sau này kết nối ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ thuận lợi. Hiện trong Chi hội doanh nghiệp CNHT Đồng Nai có hơn 30 DN trên lĩnh vực CNHT, nhờ chịu đầu tư vào công nghệ nên hàng hóa của các DN này sản xuất ra chủ yếu bán cho doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai và các tỉnh, thành khác. Những DN Việt không ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ dễ bị thụt lùi, khó tìm được đầu ra cho sản phẩm ở cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu, ông Trí cho biết thêm.

 

Thực tế cho thấy, hiện nay, một số tập đoàn đa quốc gia đã đưa ra tiêu chí khi chọn DN cung ứng sản phẩm cho mình phải có nhà máy chuyển đổi số. Nhiều tập đoàn đa quốc gia khác tuy không đưa ra tiêu chí trên nhưng chuyển đổi số ở các DN đối tác cũng là công cụ để họ tin tưởng đặt hàng nhiều hơn. Như vậy, đối với các doanh nghiệp CNHT muốn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì việc tiến đến ứng dụng số hóa và chuyển đổi số chính là giải pháp tối ưu nhất.

 

Hiện nay, Đồng Nai có trên 660 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT, tập trung ở các nhóm ngành CNHT ngành dệt may, da giày, điện tử, cơ khí chế tạo…

 

Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, song ước tính giá trị sản xuất công nghiệp của ngành CNHT tỉnh Đồng Nai vẫn đạt trên 130 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 21 - 23% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

 

Minh Vũ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang