Thứ Bẩy, 04/05/2024 00:15:00 GMT+7

Tin đăng lúc 30-09-2023

Lượt xem: 1083

Đồ ăn vặt ở cổng trường liệu có an toàn?

Đồ ăn vặt được bán ở cổng trường đa phần không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe người sử dụng.
Đồ ăn vặt ở cổng trường liệu có an toàn?
Những chiếc xe hàng rong với đầy đủ các loại thức ăn, nước uống... không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, bao bì, rất khó kiểm chứng về nguồn gốc và an toàn thực phẩm

Tại Hà Nội, quanh khu vực các cổng trường học, không khó để bắt gặp những gánh hàng rong, xe đẩy, điểm bán hàng cố định có bày bán đủ các món ăn vặt, đồ chơi… Các món ăn vặt rất đa dạng từ thịt xiên nướng, xúc xích, viên tôm, viên bò, viên gà, viên cá, viên phô mai, bánh tráng, bánh ngô, khoai chiên… đến các loại đồ uống đóng chai, kem, kẹo mút, kẹo viên có màu xanh, đỏ, hình các con thú hay nhân vật trong phim hoạt hình...

 

Các loại thực phẩm này có giá rất rẻ chỉ từ 2.000 - 10.000 đồng/hộp, chiếc hoặc cốc. Điểm chung của các thực phẩm này là được chế biến ngay tại các cổng trường học trong thời tiết mùa hè nóng nực, khói bụi, thậm chí, nhiều hàng rong còn vô tư bày bán đồ ăn gần nơi tập kết rác thải, rất mất vệ sinh. Thế nhưng, những món ăn vặt “3 không” (không nguồn gốc, không xuất xứ, không hạn sử dụng) này vẫn cuốn hút được học sinh và trở thành mối lo của những bậc phụ huynh.

 

Vào giờ tan học cuối buổi chiều, tại cổng trường Tiểu học & THCS Tân Định (Hoàng Mai, Hà Nội), PV bắt gặp rất nhiều học sinh một tay cầm thứ tương ớt chưa chắc đã là tương ớt “thật” có màu đỏ nhợt nhạt, còn một tay cầm những xiên que cắm đủ các thứ được gọi là viên tôm, chả mực, xúc xích, nem chua rán,...

 

“Mấy đồ này ngon lắm mà rẻ. Rẻ nhất là 2 ngàn đồng/ xiên chả mực, còn lại là 6 - 7 ngàn/xiên. Bố mẹ vẫn cho em tiền tiêu vặt hàng ngày, mà tan học đói lắm ạ, nhìn cái gì cũng thèm”, Nguyễn Thùy Chi (trường THCS Tân Định) nói.

 

Khi được hỏi có biết những thứ đồ ăn vặt này có sạch sẽ đảm bảo không mà vẫn dám ăn, Chi nói không biết. Điều quan trọng không phải là những thứ này sạch hay bẩn với các bạn học sinh mà đơn giản vì đối với các bạn, thứ đồ ăn này “ngon và rẻ”.

 

Về vấn đề này, chị Lan Hương (Nguyễn Đức Cảnh, HN), phụ huynh có con học lớp 3 một trường Tiểu học quận Hai Bà Trưng chia sẻ: “Có lúc thấy trong cặp con có những gói nhỏ, không rõ bên trong có gì mà toàn chữ Trung Quốc, tôi hỏi thì bé nói được bạn cho. Sau đó, tôi mang vứt đi thì bé bảo, các bạn con thường xuyên mua ở cổng trường và ăn có sao đâu. Thế nên, để bảo vệ sức khỏe cho con, ngoài dặn dò con tránh xa những món đó, tôi cũng kiên quyết không cho tiền tiêu vặt. Đây có lẽ chỉ là biện pháp tạm thời, vì nhiều khi đi học cháu ăn cùng bạn bè lúc ấy rất khó quản lý”.

 

Để hạn chế tình trạng học sinh mua thực phẩm từ các quán hàng không bảo đảm an toàn, một số trường học trên địa bàn Hà Nội đã có quy định cấm ăn quà trước cổng trường, phổ biến đến học sinh và các bậc phụ huynh ngay từ đầu năm học, đồng thời thực hiện việc đóng cổng trường giờ ra chơi. Cùng với đó, các nhà trường cũng đã tăng cường tuyên truyền cho học sinh kiến thức về an toàn thực phẩm, nói không với các thực phẩm “bẩn”.

 

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng đã phối hợp kiểm tra, xử lý các điểm bán đồ ăn vặt tại cổng trường trên địa bàn. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, dẹp bỏ những hàng quán ăn vặt trước cổng trường vẫn là vấn đề nan giải.

 

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ dễ gây ra các nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm.

 

Việc sử dụng thực phẩm không an toàn có thể gây ra các triệu chứng cấp tính tức thời như: đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm… Về lâu dài, việc tiêu thụ các thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể và dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì… Đặc biệt, các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng… còn tồn dư trong các loại thực phẩm không nguồn gốc sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, sau đó tích tụ lại gây bệnh ung thư.

 

Chính vì vậy, rất cần những hành động cương quyết hơn từ phía các cơ quan chức năng về vấn đề này; thường xuyên kiểm tra, xử lý đối với các cá nhân buôn bán hàng rong vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và cố tình lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi bán hàng.

 

Có thể cấm vĩnh viễn những đối tượng bán hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, tác động tiêu cực đến sức khỏe của học sinh.

 

Đối với các nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho học sinh kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm; đưa vào nội quy, quy định cấm học sinh mua đồ ăn trước cổng trường. Đồng thời, có biện pháp kiểm soát, nhắc nhở, phối hợp với các bậc phụ huynh để xử lý học sinh vi phạm.

 

Với các bậc phụ huynh, để bảo vệ sức khỏe cho con, ngoài dặn dò con tránh xa những món ăn vặt ngoài cổng trường thì cha mẹ cũng không nên nuông chiều con và kiên quyết không cho con tiền tiêu vặt, không mua quà cho con ở cổng trường, tránh những hệ lụy xấu về sức khỏe cho con em mình.

 

An Nhi

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang