Thứ Bẩy, 04/05/2024 08:23:04 GMT+7

Tin đăng lúc 21-06-2023

Lượt xem: 1488

Đà Nẵng: Tập trung phát triển doanh nghiệp công nghệ cao

Trong những năm qua, phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ cao (CNC) là một trong những định hướng chiến lược của TP. Đà Nẵng để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Đà Nẵng: Tập trung phát triển doanh nghiệp công nghệ cao
Khu CNC Đà Nẵng còn nhiều tiềm năng phát triển

Theo các con số thống kê, đến tháng 12/2022, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 6 khu công nghiệp, khu CNC, khu công nghệ thông tin tập trung và cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng. Các DN công nghệ cao tại thành phố đều tập trung trong khu CNC, nằm tại huyện Hòa Vang với diện tích hơn 1.128ha. Đây là một trong 3 khu CNC đa chức năng cấp quốc gia. Khu công nghệ này có 6 lĩnh vực ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư gồm: Công nghệ thông tin - truyền thông, phần mềm tin học; công nghệ vật liệu mới, năng lượng mới; tự động hóa và cơ khí chính xác; công nghệ môi trường, công nghệ phục vụ hóa dầu; công nghệ vi điện tử, cơ điện tử, quang điện tử và công nghệ sinh học.

 

Lũy kế đến nay, khu CNC và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã thu hút tổng cộng 507 dự án, trong đó 378 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư trên 28.000 tỷ đồng và 129 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với vốn đầu tư trên 1,8 tỷ USD. Khu CNC Đà Nẵng là một trong 3 khu CNC đa chức năng cấp quốc gia, là khu duy nhất ở miền Trung, đã được đầu tư hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh.

 

Đến năm 2022, Khu CNC Đà Nẵng đã hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn I, II và đang triển khai giai đoạn III, sẵn sàng đáp ứng mặt bằng sạch và đồng bộ để nhà đầu tư thuận lợi trong việc triển khai xây dựng dự án, nhà máy. Các khu CNC này sẽ giúp Đà Nẵng hiện thực hóa mục tiêu trở thành Thành phố thông minh trong việc thúc đẩy và tăng tốc các dịch vụ chính phủ điện tử và kinh tế số, bao gồm cả việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào năm 2030.

 

Để tập trung phát triển các Khu CNC, Đà Nẵng đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cho DN, đặc biệt là ưu đãi về thuế thu nhập DN. Theo đó, DN thực hiện dự án đầu tư mới, DN thực hiện dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với người lao động làm việc tại các DN trong Khu CNC sẽ được áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN 10% trong thời hạn 15 năm. Các DN sẽ được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Các dự án đầu tư mới có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 30 năm. Khu CNC Đà Nẵng còn ưu đãi về tiền thuê đất; DN còn hưởng các chính sách ưu đãi về hoàn trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng.

 

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định, ngành công nghiệp CNC là một trong 3 trụ cột trong phát triển kinh tế của Thành phố và chú trọng ưu tiên nguồn lực để phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn, trong đó có công nghiệp CNC gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.

 

 

Đà Nẵng tích cực tiếp cận các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu CNC khác để tìm kiếm cơ hội 

 

Trong những năm trở lại đây, cơ cấu vốn đầu tư của DN vào Đà Nẵng đã chuyển dịch mạnh vào lĩnh vực công nghiệp, thay vì thương mại, dịch vụ và du lịch như trước. Khi Khu CNC Đà Nẵng hình thành, nhiều dự án của DN nước ngoài được xây dựng thì cơ cấu vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ chỉ còn chiếm 30%, trong khi đó, lĩnh công nghiệp trở thành lực hút mới, khi chiếm trên 50%. Tính đến năm 2022, tổng vốn đăng ký đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng là 5.985 tỷ đồng với 26 dự án. Ngành công nghiệp có đóng góp quan trọng trong giải quyết việc làm cho người lao động, chiếm khoảng 30,5% việc làm toàn Thành phố giai đoạn 2011 - 2015, khoảng 26-27% trong giai đoạn 2016 - 2021.

 

Bên cạnh những thành quả đáng khích lệ đã giành được, việc thu hút phát triển DN CNC của Đà Nẵng cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Việc thu hút đầu tư vào các DN công nghiệp CNC chưa đạt kỳ vọng, trong khi tốc độ chuyển giao công nghệ trong các ngành công nghiệp còn chậm. Hiện tại, số lượng DN CNC trên địa bàn còn ít, phần lớn quy mô nhỏ và siêu nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp. Quy mô liên kết, hợp tác phát triển giữa các DN còn nhỏ lẻ, rời rạc, chưa hình thành các cụm liên kết ngành…

 

Theo các chuyên gia, lý do của những khó khăn, hạn chế này là bởi Đà Nẵng chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư mới có quy mô lớn vào ngành công nghiệp do hạn chế về quỹ đất trong các khu, cụm công nghiệp. Ngoài ra, khó khăn về nguồn vốn đầu tư cũng rất đáng kể. Việc triển khai đầu tư xây dựng một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp… bị chậm tiến độ do trình tự, thủ tục kéo dài và sự thiếu thống nhất.

 

Để giải quyết những khó khăn ấy, thành phố đã đặt ra nhiều giải pháp, mục tiêu. Ví dụ như, Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư vào TP. Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 3 tỷ USD, giai đoạn 2026 - 2030 là khoảng 4 tỷ USD. Trong đó, tỷ lệ DN sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường hướng đến CNC tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030. Cùng với đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh hạ tầng về giao thông, nhà ga, sân bay, cảng biển, Đà Nẵng cũng tiến những bước vững chắc để đưa CNC trở thành trụ cột phát triển kinh tế.

 

Phương Lê


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang