Chủ Nhật, 28/04/2024 20:34:33 GMT+7

Tin đăng lúc 27-10-2023

Lượt xem: 1215

Đà Nẵng chuẩn bị nhân lực cho phát triển công nghệ điện tử, bán dẫn

Nhằm thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 16/4/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông tiếp cận xu hướng của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa tổ chức Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn - Vấn đề đặt ra với thành phố Đà Nẵng”, với mục đích sẵn sàng đón đầu một cơ hội phát triển mới mà Đà Nẵng đã có nền tảng.
Đà Nẵng chuẩn bị nhân lực cho phát triển công nghệ điện tử, bán dẫn
Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn - Vấn đề đặt ra với thành phố Đà Nẵng”

Khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển công nghiệp, công nghệ cao

 

Nói đến Đà Nẵng, sẽ không khó để thấy rằng, đây là thành phố đang hội đủ các yếu tố về “Thiện thời – Địa lợi – Nhân hòa”, thế mạnh đó đã được Chính quyền và Nhân dân địa phương phát huy, khai thác, trong đó nổi bật là chiến lược đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, phát triển công nghiệp, công nghệ cao. Trong đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho ngành thông tin điện tử, bán dẫn đang trở lên cấp thiết.

 

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, trong lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm điện tử, Việt Nam hiện xếp vị trí thứ 9 trong số các quốc gia tham gia cung ứng chuỗi giá trị này. Ngành công nghiệp bán dẫn và vi mạch vẫn được xem là một trong những ngành công nghiệp “vàng”, mang lại doanh thu hàng trăm tỷ USD. Song thách thức lớn nhất hiện nay là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ quá trình nghiên cứu – thiết kế – sản xuất bán dẫn – vi mạch. Cũng như một số quốc gia  trên thế giới, xác định ngành công nghiệp bán dẫn và vi mạch ở tầm vóc “công nghiệp mũi nhọn”; ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần tới 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện nay chỉ đáp ứng chưa tới 20%.

 

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đa phần các trường đại học hiện nay chưa có một chương trình đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, bán dẫn mà chủ yếu là trên cơ sở các ngành liên quan. Nguyên nhân do chi phí đầu tư vào hệ thống phần mềm, phòng thí nghiệm để đào tạo quá lớn; Việt Nam vẫn còn hạn chế về đội ngũ chuyên gia thiết kế vi mạch, bán dẫn đáp ứng đúng tiêu chuẩn nhân sự có thể “truyền đạt, huấn luyện”. Năm 2022, kinh tế số của thành phố Đà Nẵng (gồm kinh tế ICT, kinh tế nền tảng, internet và kinh tế trong ngành, lĩnh vực khác) có đóng góp 19,76% GRDP. Đà Nẵng hiện có 2.450 doanh nghiệp công nghệ số (trung bình 2,3 doanh nghiệp công nghệ/1.000 dân, đứng thứ 2 toàn quốc (sau TP. Hồ Chí Minh), và gấp 3 lần trung bình toàn quốc); có 46.000 nhân lực công nghệ số.

 

Thành phố với chiến lược đào tạo nguồn nhân lực

 

Với mục tiêu hướng tới xây dựng “Thành phố thông minh”, nên từ nhiều năm qua, Đà Nẵng đã sớm xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ thông tin tập trung giai đoạn hướng tới 2025, trong đó có Khu Công viên Phần mềm Đà Nẵng; Khu Công nghệ Thông tin Đà Nẵng; Khu Công viên Phần mềm số 2; Khu Đô thị Công nghệ FPT Đà Nẵng… Do đó, Thành phố đã thay đổi cách tiếp cận bắt đầu từ “nhân lực” để triển khai phát triển nguồn lao động phục vụ ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn và tiến đến là tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn, vi mạch toàn câu. Chính vì vậy mà Đà Nẵng chủ động triển khai xây dựng “Đề án phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của Thành phố”, trong đó, sẽ đánh giá đầy đủ thực trạng về nguồn nhân lực, về mối tương quan giữa cung và cầu nguồn nhân lực, đối với doanh nghiệp trên lĩnh vực bán dẫn và vi mạch của Việt Nam, của Đà Nẵng, cũng như xu hướng (tuyển dụng nhân sự) của thế giới”. ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chia sẻ thêm.

 

Trao đổi với phóng viên tại Hội thảo, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho hay: “Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định 5 lĩnh vực ưu tiên nguồn lực phát triển; trong đó có 01 lĩnh vực liên quan trực tiếp đến triển khai chuyển đổi số (đó là: Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số) và 4 lĩnh vực còn lại, cơ bản là phát triển trên nền tảng và hạ tầng số (Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp)...

 

Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, đưa ra 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá rất cụ thể: “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số”. Để làm được điều đó, Đà Nẵng xác định ngành công nghiệp bán dẫn và vi mạch chính là động lực để tiếp tục phát triển, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, nhất là con người, trên tinh thần kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài. Trong đó, đề ra một số giải pháp, như: Đào tạo ngay nhóm kỹ sư hiện có, có chính sách cho sinh viên tham gia học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, thu hút chuyên gia. Bên cạnh đó, thành phố có chính sách đầu tư phát triển cho một số doanh nghiệp vi mạch hiện có, xúc tiến và thu hút doanh nghiệp lớn về công nghiệp bán dẫn và vi mạch, tạo sức lan toả lớn.

 

Những giải pháp căn cơ, cụ thể

 

 

Nhà máy sản xuất linh kiện van điện từ của Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng

 

Theo Chủ tịch Thành phố Lê Trung Chinh, ngày 16/8/2023, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch số 163/KH-UBND về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố đến năm 2030. Trong đó, xác định ưu tiên phát triển công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch; đồng thời xác định mục tiêu đến năm 2030: Kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP Thành phố; đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số với tối thiểu 7 Khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm. Dự kiến, mỗi năm có khoảng 750 sinh viên các chuyên ngành liên quan điện tử, vi mạch tốt nghiệp. Đà Nẵng hiện có các công ty hoạt động về thiết kế vi mạch như: Synopsys, Uniquify, ASavarti, Renesas, Synapse, FPTSemi, Sannei Hytechs… với khoảng 550 kỹ sư và chỉ tiêu tuyển sinh các chuyên ngành (liên quan đến vi mạch) đang ở mức khoảng 900 sinh viên”.

 

Các chuyên gia đến từ Synopsys, hay Marvell cũng đều có chung nhìn nhận: Đà Nẵng có được nền tảng rất tốt là nhiều trường đại học đã chủ động đào tạo những ngành có liên quan (điện tử, công nghệ thông tin), một số trường, bước đầu đã có đào tạo chuyên sâu. Trong khi đó, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng hiện có gần 30 môn học bao gồm từ công nghệ đến thiết kế vi mạch, bán dẫn được triển khai trong các chương trình đào tạo thuộc các Khoa: Điện tử Viễn thông; Công nghệ thông tin; Khoa học công nghệ và tiên tiến; Điện và Cơ khí… Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) có nhiều ngành đào tạo có các khối kiến thức liên quan đến công nghệ vi mạch như công nghệ kỹ thuật máy tính, hệ thống nhúng và IoT, công nghệ thông tin…; dự kiến chuẩn bị công bố chương trình đào tạo công nghệ vi mạch trong quý IV/2023”.

 

Tại Hội thảo, ông Trương Gia Bình khẳng định, FPT sẵn sàng đồng hành cùng Đà Nẵng để nâng cao chất lượng nhân sự ngành bán dẫn bằng cách đưa nhân lực vi mạch bán dẫn của Đà Nẵng ra nước ngoài làm việc; xúc tiến hợp tác, kêu gọi các đối tác của FPT trên thế giới trong lĩnh vực bán dẫn về đầu tư tại Đà Nẵng, tạo "bệ phóng" cho nhân sự trẻ Đà Nẵng tham gia vào sản xuất bán dẫn. FPT cam kết góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của Việt Nam và thế giới". Còn PGS.TS Nguyễn Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết: Đối với lĩnh vực vi mạch bán dẫn, Trường có 5 Khoa đang tổ chức đào tạo cho 7 ngành/chuyên ngành (gồm Kỹ thuật điện tử viễn thông; Kỹ thuật máy tính (Khoa Điện tử viễn thông); Công nghệ thông tin (Khoa Công nghệ thông tin); Điện tử viễn thông; Hệ thống nhúng và IoT (Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến); Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (Khoa Điện) và Kỹ thuật Cơ điện tử (Khoa Cơ khí), với gần 30 môn học có liên quan trong các khung chương trình. Tổng số sinh viên tốt nghiệp từ các ngành/chuyên ngành trên là khoảng 500 sinh viên mỗi năm.

 

Đào tạo nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn có môt đặc thù là trường đại học với doanh nghiệp phải đẩy mạnh hợp tác lẫn nhau, để hình thành các chương trình đào tạo (Accelerator). Khi nhà trường bắt tay với doanh nghiệp, Thành phố sẽ triển khai đào tạo giảng viên nguồn (tuyển chọn từ các trường đại học tại Đà Nẵng), hoặc triển khai chương trình tăng tốc (Accelerator program) cho các sinh viên xuất sắc tuyển chọn từ các sinh viên năm cuối, hoặc vừa mới ra trường. Hợp tác cũng cho phép Thành phố có những lớp đào tạo chung, xây dựng khu thực tập, triển khai dự án doanh nghiệp tại trường, nói chung là đa dạng loại hình, chương trình đào tạo (chính quy, tăng tốc, tập huấn)…

 

Với chiến lược đầu tư có định hướng, có trọng điểm và phù hợp với yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, trong đó chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho ngành Công nghiệp điện tử bán dẫn, vi mạch, chắc chắn Đà Nẵng sẽ là một trong những “Thành phố - Đô thị thông minh, hiện đại”, là trung tâm công nghệ cao của cả nước, vững vàng hội nhập với khoa học công nghệ tiên tiến trên phạm vi toàn cầu./.

 

Minh Hiếu


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang