Thứ Hai, 29/04/2024 14:18:45 GMT+7

Tin đăng lúc 14-06-2023

Lượt xem: 888

Cục Công Thương địa phương: 20 năm phát huy nội lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Trong 20 năm hình thành và phát triển, Cục Công Thương địa phương đã luôn tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, thống nhất phương châm hành động là: “Bắc cầu đi tới thành công” nhằm thể hiện sự nhất quán, kiên định trong đường lối phát triển công nghiệp (CN) của Đảng và Nhà nước. Cục đã thể hiện rõ nhiệm vụ là cầu nối giữa Bộ Công Thương với các địa phương nhằm triển khai nhiệm vụ chung của Ngành và chung tay vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước.
Cục Công Thương địa phương: 20 năm phát huy nội lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
Hội nghị Tổng kết công tác nhiệm vụ năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023 của Cục Công Thương địa phương

Quyết định thành lập Cục CTĐP và định hướng hoạt động (giai đoạn 2003 – 2017)

 

Trong khoảng thời gian từ năm 2002 trở về trước, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) chưa có một cơ quan quản lý nhà nước riêng để giúp Bộ trưởng thực hiện công tác theo dõi, quản lý và phát triển CN ở các địa phương trong phạm vi cả nước. Trước đòi hỏi của thực tế ấy, Lãnh đạo Bộ nhận thấy nhu cầu cần thiết phải thành lập một đơn vị chuyên trách quản lý, hỗ trợ phát triển CN ở các tỉnh, thành phố, đồng thời làm nhiệm vụ cầu nối giữa Bộ và các địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ.

 

Vì vậy, ngày 28/5/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp, trong đó, lần đầu tiên Cục Công nghiệp địa phương (CNĐP) xuất hiện trong cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương. Trên cơ sở đó, ngày 04/7/2003, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 115/2003/QĐ-BCN quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục CNĐP. Đây được xem là thời điểm Cục CNĐP ra đời và ngày 04/7/2003 cũng được xem là ngày thành lập Cục.

 

Sự kiện quan trọng nhất đối với ngành Công Thương trong khoảng thời gian này là việc Quốc hội khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 01/2007/QH12 hợp nhất Bộ CN với Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương vào ngày 31/7/2007. Tiếp đó, ngày 30/01/2008, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 0799/QĐ-BCT quy định cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục CNĐP. Theo đó Cục thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về CN – TTCN, hoạt động khuyến công, khu - cụm - điểm CN; doanh nghiệp CN nhỏ và vừa ở các địa phương trong cả nước; cùng với 21 nhiệm vụ, quyền hạn và 07 đơn vị trực thuộc.

 

Đặc biệt, để giúp Cục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động khuyến công, Lãnh đạo Bộ đã đồng ý cho Cục thành lập Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục hiện nay. Trong giai đoạn này, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục đã tăng lên rất nhiều so với quá trình trước đó, biên chế công chức năm 2008, là 40 công chức; đến năm 2017, là 50 công chức và 35 viên chức.

 

Giai đoạn từ 2017 đến nay

 

Tại Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, Cục CNĐP chính thức được đổi tên thành Cục Công Thương địa phương (Cục CTĐP). Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục CTĐP cũng được bổ sung thêm nội dung theo dõi, tổng hợp tình hình phát triển thương mại tại các địa phương trong phạm vi cả nước. Cụ thể, Cục CTĐP thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với lĩnh vực: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) bao gồm làng nghề TTCN); khuyến công; cụm công nghiệp (CCN); doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa; tổng hợp chung tình hình phát triển CN và thương mại tại các địa phương trong cả nước.

 

 

Các đơn vị nhận Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021

 

Với nhiệm vụ của một đơn vị đầu mối theo dõi hoạt động quản lý nhà nước về CN - TTCN và thương mại của các địa phương, Cục CTĐP đã xác định đây là một trong những nhiệm vụ then chốt, có vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ, mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển CN, thương mại của Bộ và các địa phương. Bởi vậy, ngay từ những năm đầu thành lập, Cục CTĐP đã thường xuyên phối hợp tốt với các các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ, đặc biệt là các Sở Công Thương để triển khai các nhiệm vụ.

 

Trên cơ sở đó, Cục CTĐP đã kịp thời đề xuất, tham mưu, kiến nghị để Lãnh đạo Bộ có những giải pháp chỉ đạo thúc đẩy phát triển CN, thương mại đối với các địa phương; nắm vững tình hình, điều kiện sản xuất CN từng vùng, những địa phương còn gặp nhiều khó khăn, giúp Bộ tìm giải pháp tháo gỡ. Hàng năm, Cục CTĐP còn tổ chức các Hội nghị ngành Công Thương tại 3 khu vực và các hội nghị chuyên đề, nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của vùng, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh được các tỉnh, thành phố nhìn nhận, đánh giá cao về tính cần thiết, tính hiệu quả và thành công của các hội nghị.

 

Trong 20 năm qua, có thể khẳng định, công tác khuyến công đã xác lập những bước đi quan trọng trong quá trình CNH, HĐH, nhất là tại khu vực nông thôn; góp phần giải phóng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội; khai thác các điều kiện thuận lợi của từng vùng, từng địa phương cho phát triển lực lượng sản xuất; phát huy cao nội lực của các doanh nghiệp (DN), cơ sở CN nông thôn (CNNT) trên cơ sở có sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước; ứng dụng nhanh các thành tựu KHCN tiên tiến trong sản xuất CN - TTCN.

 

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công ở Trung ương và địa phương đã từng bước được hoàn thiện, bám sát thực tiễn, đưa công tác khuyến công đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn, các vùng có điều kiện KT-XH khó khăn. Tổ chức hệ thống khuyến công toàn quốc đã không ngừng được củng cố, trưởng thành, kết nối thống nhất từ Trung ương đến địa phương và hoạt động ngày càng hiệu quả. Đến nay, ngoài Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 trực thuộc Cục CTĐP, 63/63 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên cả nước có đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ về khuyến công với tổng số trên 1.300 cán bộ, viên chức. Ngoài ra còn có các tổ chức dịch vụ khuyến công khác, như: Viện, Trường, Hiệp hội... tham gia và thực hiện các nội dung hoạt động khuyến công.

 

Chương trình khuyến công hàng năm với nguồn ngân sách hỗ trợ bình quân hơn 200 tỷ đồng (bao gồm cả kinh phí trung ương và địa phương) đã động viên và huy động được các nguồn lực tham gia, hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển CN - TTCN; tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và xây dựng nông thôn mới (NTM). Chương trình cũng giúp khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khoẻ con người. Ngoài ra, các hoạt động cũng đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển bền vững, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Chỉ tính trong 2 năm (2021 - 2022), Chương trình khuyến công đã hỗ trợ cho 23 cơ sở CNNT xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, ứng dụng vào các khâu sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường cho 489 cơ sở công nghiệp nông thôn để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu; giảm thiểu ô nhiễm môi trường hoặc tạo ra sản phẩm mới so với máy móc thiết bị cơ sở sản xuất đang sử dụng. Qua đó, góp phần nâng cao tỷ trọng CNNT trong toàn ngành; tăng giá trị sản xuất CN địa phương; đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo và phát triển đời sống văn hoá - xã hội, ổn định dân sinh ở nông thôn…

 

Đơn cử, giai đoạn 2005-2010 giá trị sản xuất CN cả nước tăng bình quân 13,77%/năm, trong đó giá trị sản xuất CNNT tăng bình quân 16,54%/năm, số lượng các cơ sở CNNT tăng bình quân 8,64%/năm; số lao động làm việc trong các cơ sở CNNT tăng 8,94%/năm. Giai đoạn 2008 - 2012, giá trị sản xuất CNNT của cả nước năm sau luôn có mức tăng trưởng cao hơn so với năm trước, bình quân 5 năm là 19,85 %/năm; số lượng cơ sở CNNT tăng trung bình cả giai đoạn đạt 8,74%/năm. Giai đoạn 2014-2018, giá trị sản xuất CNNT tăng bình quân 12,7%/năm, cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành CN.

 

Trong những năm qua, công tác theo dõi, quản lý phát triển CCN cũng được Cục CTĐP chú trọng. Nhiệm vụ này, Cục được Bộ giao từ năm 2008, ngay từ thời gian đầu Cục đã tập trung thu thập thông tin, số liệu liên quan đến CCN; phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát tình hình thực tế để có cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách phục vụ cho công tác quản lý nhà nước đối với CCN. Cục đã tham mưu Bộ Công Thương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 về Quy chế quản lý CCN và ban hành Thông tư số 39/2009/TT-BCT ngày 28/12/2009 quy định thực hiện một số nội dung của quy chế quản lý CCN. Từ đây, công tác quản lý CCN trên phạm vi cả nước đã có cơ sở thực hiện và đi vào nề nếp, quy củ, đạt hiệu quả cao hơn.

 

 

Các sản phẩm CNNT tiêu biểu đã được Cục Công Thương địa phương lan tỏa qua các Hội chợ, triển lãm

 

Việc ban hành, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, phát triển CCN đã tạo hành lang pháp lý thống nhất thực hiện trong cả nước từ quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư, hoạt động trong CCN. Đồng thời, chấn chỉnh việc phát triển CCN tự phát trước đây, thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng và đầu tư thứ cấp vào CCN. Công tác quản lý, đầu tư phát triển CCN nhìn chung được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo trình tự, quy định của pháp luật, tạo thuận lợi trong tiếp cận chính sách về đất đai, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các DN nhỏ và vừa, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất.

 

Bên cạnh đó, Chương trình phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động khuyến công quốc gia, nhằm phát hiện và tôn vinh những sản phẩm CNNT có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng để có kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại. Trong thời gian qua, Cục CTĐP đã chủ trì, phối hợp với các Sở Công Thương, thực hiện tốt công tác bình chọn, đảm bảo công khai, minh bạch và tuân thủ các quy định của pháp luật. Trong giai đoạn 2012 - 2022, Bộ đã tổ chức 06 kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực; 04 kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp Quốc gia. Theo đó, đã có 1.632 sản phẩm được công nhận, cấp Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và 512 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia.  

 

Phát triển TTCN và DN có liên quan đến công tác theo dõi doanh nghiệp CN nhỏ và vừa, kinh tế tập thể, hợp tác xã, làng nghề TTCN... Đây là một nhiệm vụ phức tạp, liên quan đến nhiều Bộ, ban, ngành khác nhau. Do vậy, để thực hiện triển khai hài hòa các nhiệm vụ, Cục CTĐP đã tập trung phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để tìm những biện pháp, hướng đi phù hợp, giúp thay đổi bộ mặt nông thôn, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và từng bước xây dựng cơ chế, chính sách. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, Cục CTĐP cũng luôn thực hiện tốt các nhiệm vụ, hoạt động công tác khác như: Triển khai các nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; Công tác văn phòng; Công tác truyền thông; Công tác tài chính - kế toán; Hoạt động hợp tác quốc tế…

 

Một trong những nhiệm vụ quan trọng khác của Cục CTĐP chính là giúp Ban Chỉ đạo của Bộ Công Thương triển khai các nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Cục CTĐP được giao nhiệm vụ này từ năm 2010 và đã có nhiều cố gắng, cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Trong thời gian qua, Cục đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương và các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách thực hiện Chương trình. Đặc biệt, qua hơn 10 năm triển khai chương trình, Cục là đầu mối, phối hợp tham mưu trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành các văn bản quan trọng để thực hiện các tiêu chí được phân công theo dõi, như: Tiêu chí số 4 về điện nông thôn, tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, chỉ tiêu về CCN thuộc tiêu chí số 6 về kinh tế trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và huyện NTM nâng cao và nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện khác...

 

Ghi nhận những kết quả đã đạt được trong 20 năm qua, Cục CTĐP đã được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua các năm 2005, 2020, Cờ thi đua cho đơn vị xuất sắc và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong nhiều năm và các phần thưởng khác. Nhiều cá nhân đã được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương Bằng khen do có nhiều thành tích đóng góp vào quá trình phát triển của Bộ. Đây là niềm vinh dự và tự hào của toàn thể công chức, viên chức, người lao động Cục CTĐP.

 

Trong thời gian tới, để đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới, Cục CTĐP sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ như: Tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển CNNT…

 

Hành trình 20 năm qua đối với Cục CTĐP là một chặng đường nhiều thách thức mà cũng nhiều dấu ấn. Cục CTĐP đã đồng hành với các đơn vị trong và ngoài ngành, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cùng sự thống nhất, đoàn kết, nỗ lực cao của tập thể công chức, viên chức, người lao động, Cục CTĐP đã đạt được những thành công nhất định, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tin rằng, trong thời gian tới, Cục CTĐP sẽ ngày càng tạo dựng được niềm tin, khẳng định vai trò, vị trí và sự tin tưởng của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ về tất cả các nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của Ngành Công Thương.

 

Minh Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang