Chủ Nhật, 19/05/2024 17:18:07 GMT+7

Tin đăng lúc 04-08-2016

Lượt xem: 2556

Chính phủ đã tạo được niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam

Xác định cộng đồng doanh nghiệp là điểm tựa trong phát triển kinh tế đất nước, gần đây, việc Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nghị quyết 35 về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận với một niềm tin và sự kỳ vọng lớn.
Chính phủ đã tạo được niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp tại TP.HCM cuối tháng 4 vừa qua có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn nền kinh tế và các doanh nghiệp (DN) đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Vấn đề đặt ra là các cam kết của Chính phủ sẽ được các Bộ, ngành, địa phương triển khai như thế nào?

 

 Thực tế cho thấy dù thời gian gần đây, nền hành chính từ Nhà nước tới địa phương đã có những sự thay đổi, với nhiều cố gắng, nỗ lực để tạo điều kiện tháo gỡ, hỗ trợ một phần khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu mà Chính phủ đặt ra. Cộng đồng doanh nghiệp VN vẫn chưa thể yên tâm và hài lòng về hiệu lực, hiệu quả trong việc thực thi các chính sách.

 

Nghị quyết 35 đã đưa ra 5 nhóm giải pháp quan trọng để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đó là các nhóm giải pháp: Cải cách thủ tục hành chính; Hỗ trợ doanh nghiệp mới khởi nghiệp và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Đảm bảo quyền kinh doanh bình đẳng đối với các loại hình doanh nghiệp, có lộ trình phù hợp nhằm loại bỏ các giấy phép con, các loại phí, phụ phí bất hợp lý; Giảm chi phí kinh doanh và nhóm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng như: đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà, bảo đảm an toàn vốn vay; nâng cao năng lực thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay; xây dựng các chương trình vay vốn với lãi suất hợp lý… Điều này đồng nghĩa với cánh cửa vay vốn của doanh nghiệp cũng rộng mở hơn. Nhiều ý kiến đánh giá đây là sự cụ thể hóa bước đầu các cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ.

 

Đánh giá về tinh thần, quan điểm, cũng như các vấn đề cần giải quyết được nêu trong nghị quyết 35 của CP để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế VN cho biết: “Nghị quyết 35 đã thể hiện  rất rõ tinh thần đổi mới, đó là muốn đặt vấn đề phát triển theo một cách tiếp cận mới, chất lượng mới, chứ không phải chỉ phát triển theo kiểu tăng trưởng. Về quan điểm thì đây là một sự cụ thể hóa rất kịp thời, quan điểm coi khu vực doanh nghiệp, trong đó khu vực tư nhân là động lực quan trọng của sự phát triển kinh tế, như vậy là xác định rất rõ việc phải làm, cũng như các tuyến, các phần việc mà ai sẽ phải chịu trách nhiệm tương đối rõ ràng, đó là bước tiến rất quan trọng”.

 

Theo TS. Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI): “Cộng đồng DN rất vui mừng khi mà có một Nghị quyết với tầm nhìn đến tận năm 2020, có lẽ lâu nay khi nói về các chính sách cho việc phát triển cho DN thì chúng ta thường lo lắng về việc ổn định chính sách, rằng các chính sách đó có được thực thi hay không, và nó ở mức độ quyết liệt như thế nào, thì ở NQ này nó đã thể hiện điều đó. Chẳng hạn chúng ta đã đặt được mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 1 triệu DN, trong suốt 15 năm vừa qua chúng ta đã thành lập DN, có gần 1 triệu DN đăng ký hoạt động, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, nhưng lại chỉ có 500 nghìn DN đang hoạt động, phấn đầu tới năm 2020 sẽ có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả, nếu đạt được mục tiêu này, sẽ phải đòi hỏi một nỗ lực rất lớn, có các chính sách tổng thể. Đồng thời, với nỗ lực của Chính phủ thì phải có cả nỗ lực của DN, hỗ trợ DN khởi nghiệp nhưng không phải hỗ trợ xong rồi để đó, mà phải hỗ trợ họ để lớn, để phát triển và có thể cạnh tranh với bối cảnh hội nhập hiện nay”.

 

Thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp

 

Môi trường đầu tư kinh doanh ở VN những năm gần đây đã có nhiều cải thiện, cả về cơ chế, chính sách, tinh thần thái độ hợp tác và hỗ trợ các doanh nghiệp, nhiều Bộ, ngành đã đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ giấy phép con. Nhiều địa phương từ chỗ không có gì đã trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, làm thay đổi hẳn bộ mặt kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều nơi chưa thực sự coi trọng lợi ích chung của ngành, của địa phương, của DN, nhiều việc có thể giải quyết được nhanh nhưng vẫn để kéo dài. Tinh thần, thái độ hợp tác từ phía các cơ quan công quyền, những khó khăn cản trở do thủ thục hành chính quá nhiêu khê và phức tạp, cho đến nay vẫn đang là nỗi ám ảnh với không ít DN. Ông Lê Hải Minh – Giám đốc Công ty Nhật Hải cho biết: “Chúng tôi thường xuyên phải gặp những giấy phép con của các Bộ, ban, ngành. Những giấy phép con nhiều khi chồng từ bộ nọ sang bộ kia, làm cho chúng tôi rất mất thời gian trong việc đăng lý sản phẩm mới, ví dụ như những sản phẩm công nghệ có thể xuất ra nước ngoài hoặc bán trong nước”.

 

Thời gian qua, VCCI tiến hành rất nhiều cuộc điều tra liên quan đến DN và môi trường đầu tư kinh doanh và đã thực hiện công bố các chỉ số doanh nghiệp cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số về cải cách thủ tục hành chính của các Bộ, ngành, địa phương… Đánh giá về mức độ hài lòng của DN với việc rà soát, loại bỏ giấy phép con, đơn giản thủ tục liên quan đến hoạt động của DN và của nền kinh tế, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ: “Thái độ quyết liệt của Chính phủ hiện nay cùng với một loạt các hoạt động thể hiện sự quyết tâm đã làm cho chúng tôi có lòng tin. Liên hệ ở Tổng công ty May 10, hiện có 10.000 công nhân đều có số điện thoại của Tổng giám đốc, bất kỳ bộ phận nào, có vấn đề gì, thì công nhân dù ở nhà lúc nửa đêm đều có thể nhắn tin cho Tổng giám đốc. Nếu nhắn tin đúng, thì lập tức mọi vấn đề đều được giải quyết, từ đó tạo được lòng tin, việc quy trách nhiệm và công khai minh bạch phải đi cùng với việc giải quyết những vấn đề đó”.

 

Gánh nặng chi phí không chính thức

 

Trong điều tra về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) mới đây đã đưa ra thống kê và kết luận, chi phí không chính thức đang có xu hướng tăng cao, cụ thể chi phí này đã tăng theo năm, từ 50% năm 2013, lên 66% năm 2015, trong đó có đến 65% DN cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến.

 

DN càng lớn, gánh nặng này cũng tăng tương ứng, 62% DN siêu nhỏ, 68% DN nhỏ đánh giá chi phí không chính thức là thường xuyên, với các DN quy mô vừa và lớn, con số này là 70 và 69%. Chi phí ngầm quá lớn làm cho các DN không muốn lớn và luôn tìm cách chứng minh rằng, mình yếu và nhỏ, dẫn đến rất nhiều hệ lụy, làm cho nền kinh tế trì trệ, thiếu sức bật. Hiện trạng này phản ánh cách vận hành của cơ quan quản lý nhà nước, nhiều DN đã sử dụng những chi phí không chính thức như cách để tạo lợi thế cho mình.

 

Chính phủ đang đặt mục tiêu với vai trò kiến tạo, coi DN là đối tượng để phục vụ. Trên thực tế, qua điều tra lại cho thấy cơ chế, tư duy và cách hành xử theo kiểu xin – cho, ban phát vẫn còn tồn tại, đó chính là cửa để phát sinh những chi phí ngầm, những tiêu cực trong quá trình xử lý những thủ tục, nhằm khắc phục được một cách triệt để hơn tình trạng này. Muốn như vậy cần phải xóa bỏ hệ thống độc quyền, hệ thống khép kín trong việc phân bổ nguồn lực, cũng như phân bổ cơ hội kinh doanh. Phải có hệ thống để đảm bảo cho DN biết rằng, cơ hội kinh doanh hay cách phân bổ nguồn lực là sòng phẳng, là phải dựa trên nguyên tắc cạnh tranh. Tái cơ cấu nền kinh tế theo cách vẫn làm, định làm, nhưng chưa làm.

 

Nghị quyết 35 của Chính phủ được coi như là chìa khóa tháo gỡ khó khăn về vốn cho nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Việc triển khai Nghị quyết này có khả thi và có đến được các doanh nghiệp hay không lại phụ thuộc vào hành động cụ thể của các bộ, ban, ngành liên quan. Với sự hỗ trợ từ các ngân hàng, cơ quan chức năng, cộng động doanh nghiệp sẽ có nhiều điều kiện phát triển thuận lợi hơn – tạo nền tảng phát triển bền vững cho nền kinh tế đất nước./.

 

 Nguyễn Hoa


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang