Thứ Hai, 06/05/2024 08:50:08 GMT+7

Tin đăng lúc 29-07-2023

Lượt xem: 624

Cẩn thận với các loại “gà thải” đông lạnh

An toàn vệ sinh thực phẩm luôn là một vấn đề nhức nhối. Các loại thực phẩm không đảm bảo vẫn ngày ngày đi vào mâm cơm của người tiêu dùng. Ví như loại gà đẻ thải giá cực rẻ từ Thái Lan, Campuchia, hay gà chặt cổ, chặt cánh của Hàn Quốc đều tuồn vào Việt Nam.
Cẩn thận với các loại “gà thải” đông lạnh
Các loại gà thải, gà đông lạnh ngày càng ồ ạt tràn vào Việt Nam

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà sống đẻ thải loại được nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam. Điều này, rõ ràng đã làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm các chủng vi rút cúm gia cầm thể độc cực cao và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác vào Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều phụ phẩm chăn nuôi giá rất rẻ như chân, đầu, cổ, cánh, da, lòng mề gia cầm… Đặc biệt gà đẻ loại thải đông lạnh đã bỏ đầu, bỏ chân và nội tạng vốn không được sử dụng làm thực phẩm cho người tại các nước phát triển vẫn được nhập khẩu với khối lượng rất lớn vào thị trường Việt Nam.

 

Ông Bùi Ðức Huyên, Tổng Giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Việt Tín, cho biết, người tiêu dùng Việt Nam thích ăn đùi gà hơn lườn gà, trong khi giá trị dinh dưỡng của lườn gà cao gấp 3 lần đùi gà. Bởi vậy, đùi gà nhập khẩu giá rẻ có chỗ đứng trên thị trường Việt. “Một đơn vị cung cấp thực phẩm cho thị trường Hà Nội chia sẻ với tôi rằng, một tháng họ nhập về 200 tấn đùi gà, nhưng chỉ mua chừng 20 tấn đùi gà tươi”, ông Huyên nói.

 

Báo cáo của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho thấy, 2 năm trở lại đây, tăng trưởng nhập khẩu thịt gia cầm lên tới gần 60%, trong khi tăng trưởng sản xuất trong nước chỉ 6,14%. Cụ thể, năm 2021 nhập khẩu các sản phẩm gia cầm 225.000 tấn; năm 2022 nhập 246.575 tấn sản phẩm đã qua giết mổ và gà sống nhập về dùng để giết mổ là 6.603 tấn, tăng 100,8%; từ đầu năm 2023 đến nay nhập gần 51.000 tấn. Theo đó, đùi gà là sản phẩm được nhập về nhiều nhất năm 2022 với số lượng 100.441 tấn. Tiếp đến là lượng chân gà với 43.695 tấn, thịt gà nguyên con khoảng 43.309 tấn, thịt gà xay 25.671 tấn, cánh gà 22.628 tấn, các loại gà khác là 10.832 tấn.

 

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA, cho biết, những con số trên được thống kê từ nguồn nhập khẩu chính ngạch. Ngoài ra, còn lượng sản phẩm gia cầm tương ứng nhập tiểu ngạch qua biên giới vào nước ta. Ông ước tính, lượng gà nhập khẩu chiếm khoảng 25% trong tổng lượng thịt gà tiêu thụ trong nước. Có thể nói, đây là con số cực kỳ lớn, gây áp lực với sản phẩm gia cầm nội địa, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay khi tổng cầu giảm còn tổng cung lại tăng mạnh.

 

Lãnh đạo VIPA cũng tiết lộ, đang có thông tin gà đẻ thải loại “đi bộ” từ Thái Lan qua Campuchia vào Việt Nam với giá rất rẻ. Do đó, cần kiểm soát chặt chẽ hơn tình trạng nhập lậu gà sống qua biên giới, gà đẻ thải loại nguyên con qua đường tiểu ngạch. Chưa kể, sản phẩm gà đẻ loại chặt cổ, chặt cánh của Hàn Quốc cũng vào nước ta rất nhiều.

 

Theo ghi nhận, ở nước ngoài, họ không ăn các sản phẩm này, nhưng nhiều người tiêu dùng Việt lại rất thích vì thịt gà dai giòn. Đáng nói, các sản phẩm gia cầm nhập khẩu có giá rất rẻ nên sản phẩm nội không thể cạnh tranh nổi.

 

Chị Nguyễn Thị Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Nhà mình cũng hay tiêu thụ đồ đông lạnh vì trẻ con ở nhà rất thích ăn đùi gà rán. Mình vẫn hay mua gà đông lạnh về chế biến, thấy ăn cũng khá ngon. Tất nhiên là vẫn không bằng gà tươi nhưng tẩm ướp gia vị vào thì cũng không đến nỗi nào!”. Chị Mai cho biết, nhiều bạn bè của mình cũng chọn mua các loại thực phẩm này vì giá thành rẻ. “Hương vị kém hơn gà tươi nhưng mình nghĩ chất lượng thịt cũng không có vấn đề gì. Nhà mình chưa từng có ai gặp vấn đề khi dùng thực phẩm loại này”, chị nói.

 

Có một thực tế cần phải thừa nhận là thực phẩm động lạnh giá rẻ tràn vào Việt Nam cũng bởi nhu cầu của thị trường rất lớn. Hầu hết các bếp ăn công cộng như trường học, bệnh viện, khu công nghiệp… đều muốn tìm đến các nguồn thực phẩm đông lạnh nhập khẩu với mức giá rẻ chỉ bằng một nửa so với sản phẩm cùng loại trong nước. Và cuối cùng, người tiêu dùng vẫn là bên chịu thiệt thòi lớn nhất. Để kiểm soát chất lượng của các sản phẩm đông lạnh, hoặc thậm chí là “gà thải” và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, thiết nghĩ sự vào cuộc và phối hợp của các cơ quan chức năng là điều quan trọng nhất.

 

Phương Lê


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang