Thứ Bẩy, 04/05/2024 00:13:18 GMT+7

Tin đăng lúc 19-01-2017

Lượt xem: 3522

Cận Tết, lại “nóng” tiền giả

Nạn tiền giả lại đang nóng lên dịp cận Tết, khi nhu cầu mua bán hàng hóa tăng cao. Thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lưu hành tiền giả đòi hỏi người dân cần tỉnh táo để tránh bị lừa.
Cận Tết, lại “nóng” tiền giả
Cận Tết, người dân nên tỉnh táo để tránh sập "bẫy" tiền giả

Tiền giả đang là nỗi “ám ảnh” của các cửa hàng kinh doanh dịp cận Tết Nguyên đán. Chị Nguyễn Thúy Hiền - chủ cửa hàng tạp hóa (Cầu Giấy, Hà Nội), bức xúc chia sẻ: “Mình vừa bị lừa 500.000 đồng tiền giả khi có một khách vào mua giỏ quà Tết. Vì lúc đó đã gần tối, mình vừa bận nấu cơm vừa bán hàng nên chủ quan không kiểm tra kỹ. Giỏ quà giá 230.000 đồng, khách đưa 500.000 đồng nên mình cũng không nghi ngờ. Đến tối ngồi kiểm lại tiền hàng, mình mới phát hiện đó là tiền giả”.

 

“Ngậm đắng” vì tiền giả

 

Cùng cảnh ngộ, anh Lê Duy (Nghĩa Tân, Hà Nội) chia sẻ: “Hôm trước mình mua đồ tại cửa hàng quen đầu ngõ, khi về kiểm tra mới biết trong số tiền trả lại có tờ 200.000 đồng tiền giả. Đem ra hỏi thì chính chủ quán cũng bất ngờ, không biết là bị lừa tiền giả từ lúc nào. Từ hôm đó, mua gì mình cũng kiểm tra kỹ, soi xét cẩn thận rồi mới nhận tiền để tránh phiền phức”.

 

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ lừa đảo tiền giả trong hoạt động kinh doanh trong thời gian qua. Tiền giả ngày càng tinh vi khiến những nạn nhân chỉ còn biết “kêu trời”. Tiền giả không chỉ là nỗi ám ảnh với giới kinh doanh bán lẻ trong những ngày giáp Tết. Trên các trang mạng hiện nay, hoạt động buôn bán tiền giả cũng đang “tái bùng phát” và được quảng cáo công khai, dùng các thủ đoạn lừa đảo tinh vi để chiếm đoạt tiền thật của những người có lòng tham.

 

“Vì một phút lòng tham trỗi dậy, mình chuyển 2 triệu đồng qua tài khoản để mua 15 triệu đồng tiền giả. Nhưng cuối cùng “mất cả chì lẫn chài”, tiền giả không mua được, tiền thật cũng mất luôn. Nhưng mình nghĩ đó vừa là bài học, cũng vừa là may mắn cho bản thân, vì nếu mua được tiền giả, đem đi tiêu thụ có khi lại mang họa vào thân”, anh Nghĩa - một nạn nhân của nạn tiền giả, tâm sự.

 

Không chỉ “nóng” trong hoạt động kinh doanh, các hoạt động buôn bán tiền lì xì “độc, lạ” trong dịp Tết cũng đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi nạn tiền giả. Hoạt động trao đổi tiền “độc, lạ” để làm quà tặng như: tiền cổ, tiền ngoại tệ hiếm, tiền có số seri đẹp… trong dịp Tết không xấu, nhưng một số đối tượng đang lợi dụng để lừa đảo người dân.

 

Anh Hoàng Đức Tiến – một người có thâm niên trong giới buôn tiền cổ, cho biết: “Tết đến là cơ hội cho những người buôn tiền cổ, hiếm, các loại tiền “độc”, vì nhu cầu của khách tăng cao. Tuy nhiên, vì các loại tiền này hiếm, rất khó phân biệt thật giả nên nhiều người tìm cách làm giả để lừa đảo khách hàng. Vì vậy, mọi người nên thật tỉnh táo để tránh mất tiền oan”.

 

Tinh vi, khó kiểm soát

 

Tiền giả là loại “hàng hóa” siêu lợi nhuận. Theo tính toán, một vụ vận chuyển, tiêu thụ tiền giả trót lọt, các đối tượng có thể thu lãi đến 70% giá trị số tiền giả, bởi mua ở biên giới chỉ 20.000 - 30.000 đồng tiền thật/100.000 tiền giả. Không chỉ lợi nhuận cao, tiền giả lại gọn nhẹ, dễ cất giấu và vận chuyển hơn các loại hàng hóa khác, nên nhiều đối tượng bất chấp pháp luật để buôn bán, lưu hành.

 

Theo đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn, giá mua tiền giả tại khu vực giáp biên giới Lũng Vài, Lũng Nghịu (Trung Quốc) khoảng từ 15 - 30% giá trị tiền thật, mua ở phía sâu trong nội địa Trung Quốc chỉ từ 10 - 15%. Các hoạt động buôn bán tiền giả ngày càng tinh vi, được trang bị phương tiện công nghệ thông tin cao, cấu kết giữa các nhóm đối tượng hai bên biên giới, tiền giả tại Việt Nam cũng chủ yếu được sản xuất tại nước ngoài… vì vậy, đòi hỏi cần phải có giải pháp “triệt tận gốc” các ổ sản xuất, buôn bán tiền xuyên quốc gia.

 

Vừa qua, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Bộ Công an (C50) cũng đưa ra cảnh báo việc rao bán tiền giả trên mạng đang hoạt động công khai. Trong thời gian giáp Tết Nguyên đán 2017, tình hình vận chuyển, buôn bán, lưu hành tiền giả vẫn diễn biến phức tạp. Để triệt “đất sống” của tiền giả, đòi hỏi hành động quyết liệt, phối hợp chặt chẽ giữa cả cơ quan chức năng và người dân.

 

Ts. Phan Anh Tuấn – Trưởng bộ môn Luật Hình sự (ĐH Luật Tp.HCM), cho biết: “Để ngăn chặn vấn nạn tiền giả, bên cạnh sự quyết liệt của các cơ quan chức năng, vai trò phối hợp của người dân là vô cùng quan trọng. Nạn tiền giả nan giải hiện nay là bởi không ít người dân đang “nối giáo” cho tội phạm buôn bán tiền giả”.

 

Thực tế cũng cho thấy, rất nhiều người dân vì hám lợi, thiếu hiểu biết đã tiếp tay cho hành vi buôn bán, lưu hành tiền giả. Theo Ts. Phan Anh Tuấn, luật pháp hiện nay quy định rất rõ về việc cả người bán và người mua tiền giả đều vi phạm pháp luật và bị phạt rất nặng. Các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có giá trị dưới 3 triệu đồng thì bị phạt tù 3 - 7 năm. Nếu giá trị tiền giả tương ứng 3 - 50 triệu đồng, người phạm tội bị phạt tù 5 - 12 năm, còn nếu từ 50 triệu đồng trở lên có thể chịu 10 - 20 năm tù hoặc chung thân.

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang