Thứ Bẩy, 04/05/2024 06:05:07 GMT+7

Tin đăng lúc 27-10-2023

Lượt xem: 534

Cần tăng cường các giải pháp để chống gian lận trên môi trường thương mại điện tử

Thương mại điện tử (TMĐT) đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Sự phát triển nhanh chóng của TMĐT dẫn đến sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới ở nhiều khu vực và ngành nghề khác nhau cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại cũng như hành lang pháp lý.
Cần tăng cường các giải pháp để chống gian lận trên môi trường thương mại điện tử
Ảnh minh họa

Theo khảo sát của Bộ Công Thương, năm 2022, doanh thu TMĐT bán lẻ tại Việt Nam đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước, ước tính cả năm tăng trưởng 20% so với năm 2021. Số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến là trên 54,6 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến của một người đạt khoảng 270 USD/năm. 6 tháng đầu năm 2023, doanh số TMĐT bán lẻ Việt Nam ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

 

Sự phát triển bùng nổ của TMĐT thời gian gần đây đã đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước, tuy nhiên, song hành với đó là rất nhiều hành vi xâm phạm về hàng giả, gian lận thương mại, đặc biệt là đối với nhóm mặt hàng đồ gia dụng, điện tử, mỹ phẩm… do đây là những mặt hàng có giá trị cao, nước ngoài sản xuất và mang thương hiệu nổi tiếng.

 

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác quản lý, đấu tranh với vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường TMĐT đó là các đối tượng có phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, đưa thông tin trên mạng khó nhận biết đâu hàng thật đâu hàng giả, công cụ đối tượng thiết lập ra xóa dấu vết nhanh chóng, trong khi đó, công cụ cho các cán bộ thực thi vẫn còn rất yếu; người mua hàng biết mua phải hàng giả nhưng không tố giác tội phạm; sự phối hợp cơ quan có thẩm quyền còn hạn chế…

 

Có thể thấy sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT đang đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý, đặc biệt là trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. Đây là lĩnh vực có sự giao thoa của nhiều hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như chức năng quản lý ngành của nhiều đơn vị quản lý nhà nước, do vậy, để quản lý tốt và hiệu quả lĩnh vực này thì hệ thống pháp luật về TMĐT không những phải theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT mà còn phải đảm bảo tính đồng bộ và nhất quán, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân ứng dụng TMĐT hiệu quả, bền vững.

 

Hiện nay, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm đến lĩnh vực này, điều này được thể hiện qua việc Quốc hội và Chính phủ đang xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản nhằm thống nhất hệ thống pháp luật cho TMĐT như: Luật Bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi 2023; Luật Giao dịch điện tử sửa đổi 2023; Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua TMĐT; Nghị định số 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế... nhằm tạo lập được một hạ tầng chính sách đồng bộ và hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh việc xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, hiệu quả thì cũng cần tăng cường các giải pháp để chống gian lận trên môi trường TMĐT.

 

 

Sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng thường bị làm giả và rao bán trên môi trường mạng với giá rẻ

 

Đề cập về vấn đề này, ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số và TMĐT, cần tập trung vào các giải pháp như: Tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, đặc biệt là các nội dung mới liên quan đến bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ…

 

Bên cạnh đó, kiện toàn năng lực của các cơ quan quản lý và cơ quan thực thi; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan thực thi như Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (đối với từng nhóm mặt hàng) trong việc kiểm soát hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngay tại các cơ sở sản xuất trong nước và tại các cửa khẩu; tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng.

 

Tăng cường hiệu quả phối hợp giữa chủ thể quyền với các cơ quan thực thi, chủ sàn TMĐT trong việc cung cấp hàng thật, kỹ năng nhận biết hàng hoá giả mạo, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hoàn thiện cơ chế ràng buộc trách nhiệm của chủ sàn TMĐT đối với hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

 

Song song đó, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của công chúng trong việc phòng, chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số và TMĐT.

 

Về lâu dài, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, nâng cao năng lực, hướng tới việc xây dựng văn hoá tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong toàn xã hội, hướng tới việc xây dựng cộng đồng doanh nghiệp ý thức được đầy đủ các lợi ích của việc xây dựng quyền sở hữu trí tuệ cho riêng mình cũng như các nguy cơ mà việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể gây ra đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

 

Minh Anh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang