Thứ Ba, 30/04/2024 07:20:17 GMT+7

Tin đăng lúc 23-10-2023

Lượt xem: 486

Cảnh giác với các loại bánh kem tươi nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao

Trên thị trường hiện nay, nhiều loại bánh, thực phẩm ăn sẵn được rao bán trên thị trường, trên các nền tảng thương mại điện tử, tại các cửa hàng, chợ truyền thống, khu dân cư, phục vụ người tiêu dùng và đây cũng là vấn đề đáng quan tâm khi mà chất lượng sản phẩm không được đảm bảo.
Cảnh giác với các loại bánh kem tươi nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao
Bánh su kem được người tiêu dùng ưa thích

Sự tiện lợi đã giúp các loại thực phẩm này phát triển, tuy nhiên, sự tiện lợi luôn đi kèm với chất lượng, liệu chất lượng có đảm bảo hay không? Thực tế cho thấy đồ ăn nhanh, ăn vặt là những món ăn mà người tiêu dùng ưa chuộng, bởi nó dễ ăn, dễ mua, dễ dùng, giá rẻ… giúp tiết kiệm quỹ thời gian, tiền bạc nên các mặt hàng này tăng mạnh. Thế nên, để kiểm soát được chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm này cũng không hề đơn giản đối với các cơ quan chức năng.

 

Qua khảo sát tại các chợ, cửa hàng…, các sản phẩm đồ ăn nhanh, ăn vặt như: Bánh su kem, bánh ngọt, chè… được bày bán, hoặc đóng gói trong hộp nhựa nhưng hầu như không có tem nhãn, thời hạn sử dụng. Bánh được sản xuất thủ công từ các hộ gia đình, làng nghề.

 

Theo các chuyên gia về thực phẩm cho biết: Với các sản phẩm được chế biến ra từ các cơ sở sản xuất, hộ gia đình thì nguồn nguyên liệu cũng sẽ không thể đảm bảo; sản xuất trong điều kiện môi trường không hợp vệ sinh… dẫn đến bánh thường hay bị nhiễm các loại vi khuẩn như: Vi khuẩn Staphylococcus aureus có thời gian ủ bệnh ngắn nhất từ 1 - 6 giờ, thường kéo dài dưới 12 giờ, tạo ra độc tố gây nên bệnh tiêu chảy. Vi khuẩn này có thể sinh sôi ở các nhiệt độ khác nhau, do đó, nếu thực phẩm được đưa ra ngoài tủ lạnh lâu và sau đó nấu lại rồi giữ ở nhiệt độ phòng, vi khuẩn sẽ có cơ hội tạo độc tố ruột. Bệnh nhân có các triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn, nôn và đau bụng quặn, nhưng ít khi bị sốt.

 

Thực tế cho thấy, đã xảy ra ngộ độc tập thể do sử dụng bánh su kem, nguyên nhân là do sử dụng bánh bị nhiễm khuẩn, bệnh nhân đều có biểu hiện (như sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy), bạch cầu máu tăng cao, CRP tăng cao (xét nghiệm máu giúp nhận biết cơ thể bị nhiễm vi khuẩn).

 

Ghi nhận tại nhiều điểm bán hàng cho thấy, các loại bánh được bày bán không có nhãn mác, hạn sử dụng… điển hình như: Bánh su kem, là loại bánh ăn vặt được nhiều người yêu thích, đặc biệt là trẻ nhỏ, với phần vỏ mềm, dai, thơm bơ kết hợp cùng phần nhân kem mát lạnh béo ngọt tạo nên cảm giác hấp dẫn ngay khi thưởng thức. Bánh được làm từ nguyên liệu đường, sữa tươi, trứng, Whipping cream, bột mì, bột bắp… bằng các phương pháp thủ công và bánh được bày bán nhiều ở các cửa hàng bánh ngọt.

 

Chị Nguyễn Thu Hoa, trú tại phường Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: Do quỹ thời gian hạn chế, nhà đông người, gia đình thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh, đặc biệt là các loại bánh ngọt, sữa cho người già và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, khi qua tiệm bánh, chị nhặt các loại bánh theo sở thích của các thành viên trong gia đình, cũng không để ý thời hạn cũng như chất lượng; quá trình sử dụng, gia đình cũng chưa khẳng định có mua phải bánh bị nhiếm khuần hay không, bởi ngoài sử dụng bánh, gia đình còn sử dụng nhiều loại thực phẩm khác trong ngày nên khó đổ lỗi cho bánh bị nhiễm khuẩn.

 

Các chuyên gia y tế cho rằng, bất kỳ thực phẩm nào cũng có khả năng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc, tuy nhiên, có một số loại thực phẩm dễ bị ngộ độc hơn, cụ thể là ngộ độc vi sinh vì chứa nhiều chất bổ dưỡng như đường, chất béo, đạm… Loại thực phẩm này thường thấy ở các loại bánh, đặc biệt là bánh tươi, trong đó có bánh su kem. Lí do bánh su kem dễ bị ngộ độc hơn là vì trong nó có chứa bột, đường, bơ, sữa, kem… đây là môi trường thích hợp để vi khuẩn phát triển. Bên cạnh đó, các loại bánh tươi được quy định là bánh bán trong ngày, có nghĩa là thực phẩm được nhà sản xuất làm ra và đến tay người tiêu dùng phải được sử dụng trong vòng 24h. Nếu như qua 24h, mà bánh chưa được phân phối, sử dụng thì phải tiêu huỷ vì đây là loại thực phẩm dễ nhiễm các loại vi sinh.

 

Đối với quy định bánh tươi được sản xuất và chỉ tiêu thụ trong ngày, thì nhiều người tiêu dùng chưa biết, khi hỏi hầu hết người tiêu dùng đều trả lời là không để ý, theo bà Nguyễn Thị Hà – thường trú tại Phường Cự Khối, quận Long Biên chia sẻ, bản thân người tiêu dùng bằng mắt thường không thể đánh giá được về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm có đảm bảo hay không. Bà cho rằng, chính các cơ sở sản xuất là phải có đạo đức nghề nghiệp, có tránh nhiệm với sản phẩm của mình, bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần phối hợp thường xuyên kiểm tra, giám sát, đồng thời phải tuyên truyền, phổ biến rông rãi tới người tiêu dùng những nguy cơ tiềm ẩn do bánh gây ra và cách phòng ngừa.

 

Cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng, đối với các loại bánh tươi được sản xuất và sử dụng trong ngày theo quy định không cần ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng, thì việc sử dụng các loại thực phẩm có nguy cơ ngộ độc cao như các loại bánh tươi, người tiêu dùng cần chú ý, chỉ mua bánh ở cửa hàng đảm bảo các sản phẩm được sản xuất và sử dụng trong ngày. Khi mua bánh về nhà cần dùng ngay, nếu cuối ngày không sử dụng thì nên bỏ, không nên bảo quản và tiếp tục sử dụng, nhằm phòng tránh những rủi ro bị ngộ độc khi bánh quá hạn rất dễ bị nhiễm khuẩn cao.

 

Công Đăng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang