Thứ Bẩy, 27/04/2024 23:09:43 GMT+7

Tin đăng lúc 05-12-2023

Lượt xem: 1038

Buôn bán, kinh doanh pháo hoa nhập lậu tràn lan trên mạng

Hiện nay pháo hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ đang được rao bán tràn lan trên các trang mạng, tiềm ẩn nguy cơ khi người dân chọn mua sản phẩm.
Buôn bán, kinh doanh pháo hoa nhập lậu tràn lan trên mạng
Pháo hoa nhập lậu bán tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh: Công Thương

Hiện đã là năm thứ ba dòng pháo hoa không tiếng nổ (pháo hoa Z121) được Nhà máy Z21 sản xuất và bán ra thị trường nhằm phục vụ nhu cầu giải trí của người dân. Theo quy định, chỉ các đại lý pháo hoa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép mới được kinh doanh mặt hàng pháo hoa, nhưng thực tế trên các trang thương mại điện tử và các hội nhóm mạng xã hội, sản phẩm pháo hoa đang được rao bán rất phổ biến.

 

Chỉ cần vào Facebook gõ cụm từ "mua, bán pháo nổ, pháo hoa nổ", "pháo hoa Z121" hàng loạt tài khoản đăng thông tin bán mặt hàng này đã được hiển thị. Toàn bộ giao dịch về việc mua, bán pháo hoa đăng tải một cách công khai và diễn ra vô cùng sôi động.

 

Nhiều chủ tài khoản facebook khẳng định, toàn bộ số pháo hoa được đăng bán là pháo do Bộ Quốc phòng sản xuất nên đảm bảo tính hợp pháp, đầy đủ hóa đơn, chứng từ và an toàn cho người sử dụng. Cách thức rao bán pháo hoa qua mạng xã hội khá đa dạng.

 

Hầu hết giàn phun viên được rao bán trên các trang mạng xã hội đều có giá từ 350.000 - 450.000 đồng, cao hơn so với giá niêm yết nhưng đều đang được người bán rao là "ưu đãi", "giá sỉ".

 

Hầu hết những chủ tài khoản mạng xã hội này đều yêu cầu khách hàng đặt cọc trước khi mua pháo hoa Z121. Nhiều người cũng đưa ra cảnh báo hoặc bình luận thắc mắc về khách mua có nguy cơ chịu thiệt khi tìm mua pháo hoa không nổ mang thương hiệu Z121 trên mạng. Vì cứ mỗi giao dịch, bên bán lại yêu cầu người mua chuyển khoản trước tiền cọc để làm tin, trong khi rất có thể sau khi nhận được tiền xong, họ sẽ gửi hàng kém chất lượng cho khách rồi biến mất.

 

Từ các sự việc trên có thể thấy, nhu cầu chơi pháo hoa của người dân rất lớn. Đây không chỉ là dịp để các cá nhân kinh doanh, kiếm lời với mặt hàng khan hiếm này mà một số đối tượng còn giăng bẫy để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Thông tin về tình trạng này, Trung tá Nguyễn Phi Hùng - Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, tội phạm thường đánh vào sở thích, nhu cầu của người dân vì ít ai nghĩ rằng mặt hàng này có thể làm giả.

 

"Nếu mua pháo hoa được cấp phép thì giá thành sẽ cao, do vậy nhiều người đã tìm tới các đối tượng buôn bán, kinh doanh pháo hoa nhập lậu, vừa được giá rẻ hơn mà lại phục vụ được thú chơi pháo hoa Tết. Song, nếu không cẩn trọng sẽ rơi vào bẫy của tội phạm. Thực tế chúng tôi cũng đã phá vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn làm giả pháo hoa rồi bán cho khách hàng, thu lợi hàng triệu đồng với mỗi đơn hàng", Trung tá Nguyễn Phi Hùng nói thêm.

 

Mỗi đơn hàng, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt từ vài trăm nghìn đến 2,5 triệu đồng. Nếu con số này nhân lên với hàng trăm, hàng nghìn đơn hàng thì lợi nhuận các đối tượng thu về là rất lớn.

 

Bên cạnh đó, dịp cuối năm sắp đến, nhu cầu mua sắm tăng cao cũng là lúc các loại hàng giả, hàng nhái tung hoành trên thị trường. Nắm được nhu cầu người dân yêu thích các loại pháo hoa do nhà máy Z121 sản xuất đã bán ra thị trường vài năm nay. Gần đây các đối tượng gian thương đã sản xuất pháo hoa giả với nhãn mác y hệt như hàng thật nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

 

Theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 04:2021/BCA về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy pháo hoa thì cửa hàng kinh doanh pháo hoa phải được xây dựng bảo đảm theo quy định tại QCVN 06:2021/BXD. Bảo đảm thông gió tự nhiên hoặc bằng hệ thống thông gió nhân tạo.

 

Thực hiện theo quy định về ban hành và niêm yết nội quy, quy định, quy trình về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Có biển hiệu kinh doanh pháo hoa và được niêm yết trước cửa hàng.

 

Tủ, giá bên trong cửa hàng để trưng bày pháo hoa phải được đóng bằng các vật liệu khó cháy, nổ; số lượng pháo hoa để trưng bày mỗi loại không quá 20 sản phẩm. Cửa hàng kinh doanh pháo hoa phải bố trí nơi cất giữ pháo hoa bảo đảm an toàn để phục vụ hoạt động trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm. 

 

Kho bảo quản được xây dựng bảo đảm theo quy định tại QCVN 06:2021/BXD. Địa điểm đặt kho bảo đảm khoảng cách an toàn từ 50 m trở lên đối với cửa hàng xăng, dầu, gas, cơ sở kinh doanh có sử dụng gia nhiệt bằng nhiên liệu hóa thạch hoặc có ngọn lửa trần.

 

Kho được niêm yết nội quy, quy định, quy trình về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trong kho niêm yết quy trình sắp xếp, bảo quản, xuất, nhập pháo hoa. Người quản lý kho được huấn luyện về kỹ thuật an toàn theo quy định. Trữ lượng kho không được vượt quá 15 tấn sản phẩm.

 

Quy định về bao gói và ghi nhãn thì Quy chuẩn trên quy định pháo hoa, pháo hoa nổ được đóng gói bằng các vật chứa bảo đảm an toàn, thuận tiện, trong quá trình bảo quản, vận chuyển. Khối lượng của vật chứa và pháo hoa, pháo hoa nổ không vượt quá 40kg. Bảo đảm thực hiện theo quy định về dán tem đối với sản phẩm pháo hoa, pháo hoa nổ.

 

Việc ghi nhãn trên vật chứa pháo hoa, pháo hoa nổ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, được sửa đổi, bổ sung theo quy định của Nghị định số 111/2021/NĐ-CP, gồm: Tên loại pháo hoa, pháo hoa nổ; tên, địa chỉ cơ sở sản xuất; thành phần, định lượng; khối lượng, số lượng; mã phân loại; ngày sản xuất, hạn sử dụng; biểu trưng về chống cháy, nổ, mưa, nắng ở hai bên thành vật chứa, biểu trưng chống cháy nổ phải có màu đỏ còn các biểu trưng khác có màu tương phản với màu nền của vật chứa; hướng dẫn sử dụng, bảo quản. Pháo hoa, pháo hoa nổ trong vật chứa phải xếp, chèn sát nhau, tránh xê dịch, va chạm trong quá trình vận chuyển.

 

Theo VietQ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang