Thứ Sáu, 26/04/2024 17:46:57 GMT+7

Tin đăng lúc 25-06-2016

Lượt xem: 4017

Bộ Công Thương: Sớm hoàn thành Chính phủ điện tử

Hiện nay, Bộ Công Thương là Bộ đầu tiên áp dụng quy trình quản lý và xử lý văn bản hoàn toàn trên môi trường điện tử. Đây là tiền đề cho việc sớm hoàn thành mục tiêu Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương: Sớm hoàn thành Chính phủ điện tử
Lãnh đạo Cục TMĐT & CNTT tập huấn sử dụng Hệ thống iMOIT

Yêu cầu cấp thiết

 

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nhằm góp phần cùng các bộ, ngành thực hiện Chính phủ điện tử, một trong những nội dung Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai là phần mềm quản lý văn bản giấy tờ. Đây là yêu cầu cấp thiết, bắt buộc, ưu tiên cao trong các tháng cuối năm 2016 và những năm tiếp theo.

 

Từ ngày 1/6/2016, các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương đã áp dụng chính thức Hệ thống văn bản điện tử iMOIT trong quản lý, xử lý văn bản đi và đến. Việc áp dụng iMOIT đã rút ngắn thời gian xử lý công việc của các cấp; giảm thời gian luân chuyển văn bản giữa các đơn vị và giảm tối đa chi phí sao chụp tài liệu giấy tờ... Ngoài ra, thông qua iMOIT, lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị có thể xử lý, chỉ đạo trực tiếp đến chuyên viên xử lý. Qua đó, cán bộ, công chức, viên chức có thể giám sát, xử lý văn bản mọi lúc, mọi nơi thông qua Internet.

 

Các hoạt động của Bộ Công Thương đều được cập nhập hàng ngày trên Cổng thông tin điện tử. Đây là Cổng thông tin chính thống giúp Bộ tuyên truyền chính sách mới nhất tới người dân, doanh nghiệp một cách chính xác, đầy đủ, công khai, minh bạch.

 

Là đơn vị được giao triển khai chương trình này, ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) - chia sẻ, iMOIT sẽ phát huy vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cải cách hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

 

Thực hiện đồng bộ

 

Theo ông Trần Hữu Linh, nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ Công Thương đang triển khai đồng bộ, hiệu quả việc ứng dụng CNTT, nâng cấp hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện; bảo đảm kết nối giữa Bộ và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở Công Thương địa phương; phấn đấu 40% cuộc họp được thực hiện trực tuyến.

 

Để tập trung xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: “Bộ Công Thương là đơn vị đầu tiên triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 từ năm 2010. Cho đến thời điểm này, Bộ đã có 26 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4. Năm 2016, phấn đấu 100% thủ tục hành chính công của Bộ được triển khai thành các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên và 30% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức độ 4. Đây là sự quyết tâm rất cao của lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Công Thương”.

 

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cũng tập trung cải tiến, nâng cấp trang thông tin điện tử về cải cách hành chính của Bộ theo hướng kết nối, liên thông thông tin với các cơ sở dữ liệu quốc gia; bảo đảm 100% đơn vị thuộc Bộ thường xuyên cập nhật, rà soát các thủ tục hành chính trên hệ thống.

 

 

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công, xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Thông tư số 05/2016/TT-BCT về cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương, có hiệu lực từ ngày 20/7/2016.

 

 

Theo Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang