Thứ Hai, 06/05/2024 02:40:02 GMT+7

Tin đăng lúc 22-12-2016

Lượt xem: 2208

Bộ Công Thương mang 5 tấn lương khô vào vùng lũ Bình Định

Ngày 21/12/2016, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tham gia cùng Đoàn công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về phòng chống thiên tai đã có mặt tại Xã Mỹ Chánh, Huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định để tặng quà và thăm hỏi bà con chịu thiệt hại trong đợt lũ lụt vừa qua.
Bộ Công Thương mang 5 tấn lương khô vào vùng lũ Bình Định

Đây là hoạt động tiếp theo sau chuyến đi thị sát tại hai tỉnh Phú Yên và Bình Định của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cùng với Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hôm 16/12 vừa qua.

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đại diện các đơn vị ngành Công Thương đã có mặt ngay ở Bình Định khi địa phương này đang nằm trong tâm điểm của bão lũ. Sau khi lũ rút, đoàn công tác của Bộ Công Thương trở lại nơi đây để bàn phương án hỗ trợ, khắc phục hậu mưa lũ cùng với 5 tấn lương khô theo nhu cầu thực tế của bà con địa phương.

 

Trong chuyến đi cứu trợ này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đề xuất điều chỉnh cơ cấu chuẩn bị hàng hóa trong phương án 4 tại chỗ phù hợp với tình huống địa phương ngập lâu và bị chia cắt.

 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chỉ đạo Sở Công Thương thực hiện các phương án bình ổn thị trường, giá cả hàng hóa trong dịp Tết; đồng thời yêu cầu EVN phối hợp với địa phương tìm kiếm nguồn vốn để triển khai dự án cấp điện cho Cù Lao Xanh.

 

Tại buổi làm việc sáng nay, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự cố gắng của các ngành địa phương, các đơn vị điện lực đã chủ động cắt điện, đảm bảo an toàn, phục hồi nhanh chóng và cấp điện trở lại cho sinh hoạt và sản xuất của người dân. Các thủy điện và địa phương cũng có sự phối hợp kịp thời, hiệu quả trong việc vận hành xả lũ để hạn chế tối đa những thiệt hại cho bà con.

 

“Trong bối cảnh lũ chồng lũ, thiệt hại của người dân không thể tính hết. Bà con không chết vì lũ trực tiếp mà đau xót hơn cả là nhiều người thiệt mạng trong quá trình đi lại và di chuyển. Vì vậy, cần rút kinh nghiệm, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con kỹ năng di chuyển khi xảy ra bão lũ”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

 

 

Trước đó, theo yêu cầu của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các đơn vị ngành cũng thường xuyên báo cáo hoạt động vận hành hồ chứa, thủy điện, phương án phòng chống tiên tai, lũ lụt... nhằm đảm bảo an toàn người và tài sản...

 

Nhận định diễn biến mưa lũ hết sức phức tạp đang ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và các công trình, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt như chỉ đạo các Sở Công Thương và các chủ đập thủy điện trên địa bàn vùng lũ từ Bình Định đến Phú Yên, Khánh Hòa liên tục cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến mưa lũ để có các biện pháp xử lý kịp thời để đảm bảo an toàn cho người dân và công trình, yêu cầu các Sở Công Thương tập trung chỉ đạo việc cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu cho khu vực bị ngập lụt.

 

 

Đơn vị thường trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Công Thương tổ chức trực ban thường xuyên 24/24h, kịp thời cung cấp thông tin về hồ thủy điện, đồng thời gửi tin nhắn đến Lãnh đạo các Sở Công Thương, các chủ đập thủy điện trên địa bàn mưa lũ phải tuân thủ quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ, đặc biệt lưu ý việc xả lũ về vùng hạ du bảo đảm cảnh báo kịp thời cho người dân và chính quyền địa phương; chỉ đạo các đơn vị điện lực trên địa bàn nhanh chóng khắc phục các sự cố, để cấp điện trở lại cho người dân bảo đảm tuyệt đối an toàn.

 

 

 

Theo thống kê của tỉnh Bình Định, đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Cụ thể, 25 người chết, 10 người bị thương, 348 nhà sập hoàn toàn, 398 nhà bốc mái, 57.432 lượt nhà ngập nước; 128,5 km đường giao thông bị hư hỏng; 310 điểm sạt lở nặng; 96 cống tiêu và 27 cầu bị sập hoàn toàn, làm ách tắc giao thông cục bộ tại nhiều địa phương; 86,6 km đê, kè bị sạt lở nặng, uy hiếp đến nhiều khu dân cư đang sinh sống; 247 km kênh mương bị sạt lở, bồi lấp ảnh hưởng lớn đến sản xuất vụ Đông Xuân; 36 đập dâng nhỏ bị hư hỏng; 30,9 km bờ sông bị sạt lở; 2.253 ha lúa vụ mùa trong giai đoạn trổ chín bị ngập, ngã; 13.625 ha lúa Đông Xuân mới gieo sạ bị ngập, hư hỏng giống, phải gieo sạ lại hoàn toàn; 3.526 ha hoa màu bị ngập hỏng; 100 ha cây giống bị hư hại; 3.180 con gia súc, 195.540 con gia cầm bị cuốn trôi; 24 tấn lương thực, 1.012 tấn lúa giống bị ngập hư (bao gồm cả lượng giống nông dân đã ngâm ủ nhưng không gieo sạ được); 236 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập nước và 05 tàu cá bị chìm. Tổng trị giá ước tính là 1.230 tỷ đồng.

 

 

Nguồn Moit.gov.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang