Thứ Tư, 08/05/2024 15:37:14 GMT+7

Tin đăng lúc 19-07-2023

Lượt xem: 663

Bình Phước: Nâng cao năng lực chế biến sản phẩm thế mạnh của địa phương

Nằm trong đề án khuyến công quốc gia điểm, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh Bình Phước, phát triển chế biến hạt điều giai đoạn 2021 – 2023, Sở Công Thương Bình Phước đã chú trọng việc đầu tư, ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến hạt điều cho các cơ sở CNNT trong tỉnh, nhằm khai thác những tiềm năng, sản phẩm chủ lực của địa phương.
Bình Phước: Nâng cao năng lực chế biến sản phẩm thế mạnh của địa phương
Đại diện các Sở, ban ngành, địa phương của tỉnh nghiệm thu cơ sở Đề án máy chế biết hạt điều tai Bình Phước

Thực hiện Quyết định số 2948/QĐ-BCT ngày 29/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc giao kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023, trong đó khuyến công Bình Phước tiếp tục được giao thực hiện Đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh Bình Phước phát triển chế biến hạt điều giai đoạn 2021 – 2023”.

 

Theo Sở Công Thương, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định 03 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh là: Hạt điều, gỗ và thực phẩm; với 03 nhiệm vụ: Tạo vùng nguyên liệu, chế biến sâu và hình thành liên kết chuỗi trên địa bàn định hướng xuất khẩu.

 

Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là nguồn lực từ kinh tế tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài (FDI), để đầu tư chế biến sâu và xúc tiến thương mại. Chú trọng thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu, tiềm lực tài chính, năng lực công nghệ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hạt điều là một sản phẩm thế mạnh cần được chế biến và hoàn tất sản phẩm tại tỉnh, nhằm nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương.

 

Xác định nhiệm vụ trọng tâm của công tác khuyến công là xây dựng đề án và hỗ trợ các cơ sở CNNT, đẩy mạnh đầu tư, mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ hiện đại, mở rộng thị trường đáp ứng yêu cầu phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh, từ ngày 25/7 - 29/7/2023, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC) tỉnh Bình Phước đã phối hợp với Phòng Quản lý công nghiệp - Sở Công Thương, Phòng Kinh tế/ Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thị xã tổ chức nghiệm thu cho 06 cơ sở CNNT chế biến điều, theo đề án điểm khuyến công quốc gia với tổng kinh phí hỗ trợ là 3 tỷ đồng.

 

Cụ thể, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Kỳ BP (Máy dò tạp chất X-Ray, Model: XD25-L1-BULK; công suất: 2.000 kg/giờ; xuất xứ từ Đức và máy mới 100%); Công ty TNHH Vinahe (Máy đóng gói tự động, Model: 2022; công suất: 400-500 túi/giờ; xuất xứ Việt Nam; máy mới 100%); Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại Vinh Phượng (Cân đóng gói hút chân không tự động, Model: LZB-120-M3; công suất: 70-120 túi/giờ; xuất xứ: Trung Quốc; máy mới 100%); Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất thương mại dịch vụ Tiết Nhi (Máy phân loại nhân điều hiệu Meyer, Model: 6SXZ-240KF3-P1(240KFS3); công suất: 3,5-4,5 tấn/giờ; xuất xứ Trung Quốc; máy mới 100%); Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu thương mại Trụ Lành (Máy phân loại nhân điều hiệu Meyer, Model: 6SXZ-240CF; công suất: 4-6 tấn/giờ; xuất xứ Trung Quốc; máy mới 100%); Hộ kinh doanh Lại Thanh Huyền (Máy phân loại màu hạt điều nhân trắng, Model: BF1200CJ-2FX; công suất: 3,5-4,5 tấn/giờ; xuất xứ: Trung Quốc; máy mới 100%).

 

Về phía đơn vị thụ hưởng, tại buổi nghiệm thu đại diện DN, cơ sở CNNT rất phấn khởi cùng chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, thách thức hiện nay và mong muốn được sự hỗ trợ hơn nữa từ phía Nhà nước cả về cơ chế, chính sách cũng như tiếp cận nguồn vốn đầu tư, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến để mở rộng sản xuất, xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu… Các DN khẳng định luôn tuân thủ những quy định của Nhà nước trong thực hiện các đề án khuyến công, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế và làm đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước.

 

Đại diện lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thị xã và UBND các xã, thị trấn nơi triển khai thực hiện đề án đồng quan điểm và đánh giá cao sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công cho các cơ sở CNNT đã góp phần khuyến khích các DN mạnh dạn đầu tư, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào chế biến hạt điều xuất khẩu, một trong những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, nhằm gắn sản xuất thân thiện với môi trường, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, giúp DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới, mang lại hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững.

 

Trong thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục chỉ đạo TTKC khảo sát, xây dựng đề án giúp DN, cơ sở CNNT tiếp cận các nguồn vốn, ứng dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm phục vụ khách hàng, người tiêu dùng nhanh nhất, hiệu quả nhất. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn theo hướng bền vững.

 

Công Du


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang