Thứ Bẩy, 27/04/2024 21:38:25 GMT+7

Tin đăng lúc 29-06-2021

Lượt xem: 753

BCĐ 389 tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại

Trong thời gian qua, tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra và có chiều hướng gia tăng, đòi hỏi Các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng cần nhận diện rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, nhằm đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định.
BCĐ 389 tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại
Ảnh minh họa

Theo BCĐ 389 quốc gia, tình hình bệnh dịch Covid-19 ở trong nước và thế giới sẽ còn diễn ra phức tạp, tiểm ẩn nhiều nguy cơ khó lường nên ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tình hình buôn lậu, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi chưa có chiều hướng giảm và còn tiểm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Các đối tượng manh động, luôn tìm cách đối phó với các lực lượng chức năng, khó kiểm soát hàng hóa, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người tiêu dùng.

 

Các đối tượng cũng đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để kinh doanh các mặt hàng thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng. Cùng với sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử, các đối tượng buôn lậu đã lợi dụng các kho hàng của bưu chính để tàng trữ và kinh doanh hàng giả nhãn mác, giả xuất xứ, hàng kém chất lượng để lừa bán cho người tiêu dùng, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế và sức khỏe của người dân.

 

Văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia đã chỉ ra phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu áp dụng: Các đối tượng lợi dụng hoạt động tạm nhập tái xuất (nhập nguyên liệu nhưng thực chất là nhập thành phẩm để tái xuất) để gian lận; thủ đoạn che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; các đối tượng cấu kết, móc nối với nhau trong nước và nước ngoài để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm trái phép; một số hành vi lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục hải quan điện tử có hành vi không khai, khai sai về tên hàng, chủng loại, số lượng… Lợi dụng các loại hình tạm nhập tái xuất, vận chuyển độc lập, vận chuyển kết hợp để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; các nhóm đối tượng vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp bằng các loại phương tiện khác nhau, như đường biển, đường hàng không, qua đường chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính…; thành lập công ty để buôn lậu, trốn thuế, sản xuất, buôn bán hàng giả. Cùng với đó, tình trạng hàng kém chất lượng, hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ được buôn bán tràn lan trên không gian mạng. Các đối tượng lợi dụng các website, trang mạng xã hội như facebook, zalo... để rao bán, quảng cáo, khuyến mãi nhiều mặt hàng giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng.

 

Qua đó, dưới sự chỉ đạo của Ban thường trực BCĐ 389 quốc gia, ông Hồ Đức Phớc – Phó Ban thường trực BCĐ 389 quốc gia cho biết: Nhiệm vụ trọng tâm để đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thời gian tới, của Các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng cần nhận diện rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, nắm chắc đối tượng chủ mưu, cầm đầu; đề ra nhiều giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, đánh trúng, đánh đúng, đấu tranh ngăn chặn, triệt phá các vụ vi phạm, không chạy theo sự vụ.

 

Tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, tội phạm trên các tuyến biên giới, tuyến biển, thị trường nội địa, nhất là tại cửa khẩu, cảng biển, đường tiểu ngạch, chú trọng hơn đối với tuyến biên giới trọng điểm có địa hình phức tạp hiểm trở, nơi tội phạm hoạt động có diễn biến khó lường, nơi diễn ra vận chuyển mặt hàng cấm, hàng lậu.

 

Báo cáo nhanh kịp thời các vụ việc, kịp thời khen thưởng, khích lệ và xử lý cá nhân, đơn vị vi phạm pháp luật trong công tác đấu tranh với tội phạm, vi phạm hành chính, cần tăng cường sự phối hợp phát hiện, xử lý vi phạm và khắc phục những tồn tại trong công tác phối hợp đấu tranh tội phạm.

 

Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để người dân hiểu biết, không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, tham gia tố giác tội phạm nhằm đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội. Nhất là, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.

 

Công Du


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang