Thứ Sáu, 03/05/2024 13:16:04 GMT+7

Tin đăng lúc 22-11-2023

Lượt xem: 234

Xuất nhập khẩu gần tiến sát mốc 600 tỷ USD, xuất siêu kỷ lục

Tính đến nửa tháng 11, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá đã gần chạm mốc 600 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục gần 25 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu gần tiến sát mốc 600 tỷ USD, xuất siêu kỷ lục
Xuất nhập khẩu hàng hoá dần khởi sắc trong những tháng cuối năm

Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 11, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 30 tỷ USD.

 

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 14,65 tỷ USD. Có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên trong nửa đầu tháng này gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,42 tỷ USD; điện thoại và linh kiện đạt 2,1 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,83 tỷ USD; dệt may đạt 1,29 tỷ USD…

 

Tính chung từ đầu năm đến 15/11, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 306 tỷ USD.

 

Ở chiều ngược lại, nửa đầu tháng 11, kim ngạch nhập khẩu đạt 14,77 tỷ USD. Có 2 nhóm hàng đạt kim ngạch “tỷ đô” là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 4,3 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,84 tỷ USD.

 

Lũy kế từ đầu năm đến 15/11, kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 281,62 tỷ USD.

 

Như vậy, từ đầu năm đến 15/11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 587,62 tỷ USD.

 

Nửa đầu tháng 11, kim ngạch thương mại thâm hụt hơn 100 triệu USD, nhưng tính chung từ đầu năm đến 15/11, nước ta vẫn xuất siêu tới 24,38 tỷ USD.

 

Theo Bộ Công Thương, một trong những điểm tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu thời gian qua là kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục tăng. Trong đó, nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước. Hàng hoá nhập khẩu tập trung vào các mặt hàng như: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; vải các loại; thép các loại; xăng dầu các loại...

 

Bộ Công Thương cũng lưu ý, hiện nay, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp Việt Nam bởi các thị trường xuất khẩu lớn, trong đó có EU luôn yêu cầu cao và chặt chẽ về các tiêu chuẩn môi trường.

 

Vì thế, với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, bên cạnh việc quan tâm đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng không chỉ cần nguồn lực lớn về tài chính, nhân sự mà phải có kinh nghiệm và kỹ năng để ứng dụng thành công, đáp ứng theo đúng các quy định và tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững.

 

Về triển vọng xuất nhập khẩu hàng hoá từ nay đến cuối năm, thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, từ tháng 7 đến nay, xuất khẩu hàng hoá đều đạt hơn 30 tỷ USD/tháng và 4 tháng gần đây đạt tổng kim ngạch 125,76 tỷ USD, tương đương mức bình quân 31,44 tỷ USD/tháng.

 

Con số bình quân đạt được trong 4 tháng gần đây cao hơn rất nhiều so với mức bình quân 27,61 tỷ USD/tháng của 6 tháng đầu năm 2023.

 

Không chỉ giúp rút ngắn đà suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái, những tín hiệu khởi sắc gần đây giúp chúng ta kỳ vọng hoạt động xuất khẩu năm 2023 về đích ở con số hơn 350 tỷ USD.

 

Kết quả trên dù chưa bằng mức kỷ lục hơn 371 tỷ USD của năm 2022, nhưng rất đáng ghi nhận trong bối cảnh suốt nhiều tháng khởi đầu của năm 2023 hoạt động xuất nhập khẩu cả nước đối mặt nhiều thách thức và sụt giảm sâu.

 

Theo Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang