Thứ Năm, 09/05/2024 01:39:46 GMT+7

Tin đăng lúc 30-07-2020

Lượt xem: 1179

Xuất nhập khẩu cải thiện, ước tính xuất siêu 1 tỷ USD trong tháng Bảy

Cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa đều cải thiện trong tháng 7/2020 và ước tính trong tháng này Việt Nam tiếp tục xuất siêu khoảng 1 tỷ USD, theo Tổng cục Thống kê.
Xuất nhập khẩu cải thiện, ước tính xuất siêu 1 tỷ USD trong tháng Bảy

Cụ thể về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2020 ước tính đạt 23 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 14,5 tỷ USD, tăng 1,5%.

 

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu tháng 7/2020 tăng nhẹ 0,3%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 10,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 4,9%.

 

Tính chung 7 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 145,79 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 50,76 tỷ USD, tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 95,03 tỷ USD (chiếm 65,2% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 5,7%.

 

Trong 7 tháng có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của đa số các mặt hàng nông sản đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

 

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng với kim ngạch đạt 37,9 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 23,5 tỷ USD, tăng 18,4%. Thị trường EU đạt 19,5 tỷ USD, giảm 5,9%. Thị trường ASEAN đạt 12,8 tỷ USD, giảm 15,4%. Nhật Bản đạt 10,9 tỷ USD, giảm 5%. Hàn Quốc đạt 10,7 tỷ USD, giảm 0,4%.

 

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2020 ước tính đạt 22 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,2 tỷ USD, tăng 5,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,8 tỷ USD, tăng 6,5%.

 

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu tháng 7/2020 ước tính giảm 2,9%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 8,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 10,9%.

 

Tính chung 7 tháng năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 61,86 tỷ USD, tăng 1,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 77,47 tỷ USD, giảm 6,2%.

 

Trong 7 tháng có 25 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 83,6% tổng kim ngạch nhập khẩu.

 

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong 7 tháng, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 41,6 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 24,3 tỷ USD, giảm 9,2%; ASEAN đạt 16,7 tỷ USD, giảm 11,3%; Nhật Bản đạt 11,2 tỷ USD, tăng 5,1%; Hoa Kỳ đạt 8,3 tỷ USD, tăng 2,5%; EU đạt 8,3 tỷ USD, tăng 6%.

 

Với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa tháng Bảy ước tính xuất siêu 1 tỷ USD.

 

Tính chung 7 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,5 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô xuất siêu 17,6 tỷ USD.

 

Tổng cục Thống kê lưu ý: “Dịch Covid-19 ngày càng lan nhanh trên thế giới, tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam”.

 

Phân tích trên dữ liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2020 ước tính đạt 285,12 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 145,79 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%; nhập khẩu đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9%.

 

Nhưng đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước là điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 7 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu đạt 50,76 tỷ USD, tăng cao 13,5%; nhập khẩu đạt 61,86 tỷ USD, tăng 1,5%. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng ước tính xuất siêu 6,5 tỷ USD.

 

Theo Thời Báo Ngân Hàng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang