Thứ Hai, 13/05/2024 11:02:21 GMT+7

Tin đăng lúc 23-04-2017

Lượt xem: 3222

Xuất khẩu quý II/2017: Tín hiệu lạc quan

Sau mức tăng trưởng 15,1% của quý I, Bộ Công Thương dự báo, quý II/2017, kim ngạch xuất khẩu (XK) sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực hơn.
Xuất khẩu quý II/2017: Tín hiệu lạc quan
Xuất khẩu quý II/2017 được dự báo tiếp tục tăng trưởng tích cực

Thuận lợi về giá và thị trường

 

Theo ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - thông tin: Quý I/2017, kim ngạch XK tăng trưởng cao hơn dự kiến. Cụ thể, tháng 3, kim ngạch XK cả nước đạt 17,25 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ. Tính chung 3 tháng, kim ngạch XK đạt 44,6 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ. Nhập siêu quý I là 1,9 tỷ USD, tương đương 4,3% tổng kim ngạch XK.

 

Giá tăng ở hầu hết các nhóm hàng XK chủ lực là nguyên nhân chính khiến kim ngạch XK cao hơn so với dự kiến ban đầu. Đơn cử, kim ngạch XK nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản đạt 1,05 tỷ USD, tăng cao 43,5% so với cùng kỳ. Mức tăng này chủ yếu do tác động của yếu tố giá như: Giá than đá tăng 46%, xăng dầu tăng 64%, khí đốt hóa lỏng tăng 42%... Đặc biệt, dầu thô mặc dù giảm tới 14,2% về lượng XK nhưng vẫn tăng tới 30,5% về giá trị do giá tăng 50,4%. Cùng xu hướng tăng giá của nhóm nhiên liệu khoáng sản, 2 nhóm chủ lực còn lại là nông – lâm - thủy sản và công nghiệp chế biến cũng giữ được đà tăng trưởng tương đối tốt do giá nhiều mặt hàng được cải thiện so với năm ngoái.

 

Về thị trường, kim ngạch XK sang một số thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016 (Trung Quốc tăng 43,3%, Nhật Bản tăng 15,4%, Nga tăng 32,8%, ASEAN tăng cao ở mức 21,6%). Đáng chú ý, đặt trong bối cảnh năm 2016, kim ngạch XK sang Nhật Bản và ASEAN liên tục sụt giảm, con số tăng trưởng XK sang hai thị trường này trong 3 tháng đầu năm là rất đáng ghi nhận.

 

Bộ Công Thương nhận định, mức tăng trưởng này cho thấy những nỗ lực lớn của doanh nghiệp trong việc giữ vững và mở rộng thị trường thông qua các cam kết từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và hội nhập khu vực đã mang lại hiệu quả.

 

Tiếp tục tăng trưởng tích cực

 

Với xu hướng thuận lợi cả về giá và thị trường như trên, Bộ Công Thương nhận định: Kim ngạch XK trong quý II/2017 sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực. Nguyên nhân bởi trong quý I, các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ sản xuất như xăng dầu, ngô, cao su, bông, sắt thép. Đây là tiền đề để XK có khả năng tăng trưởng tốt hơn trong các tháng tiếp theo do đây là đầu vào để sản xuất hàng XK.

 

Bên cạnh đó, theo chu kỳ, thông thường kim ngạch XK nông, thủy sản đều giảm vào đầu năm, tăng vào giữa năm và đạt đỉnh vào cuối năm; các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch XK lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ XK từ giữa quý II. Do đó, tiềm năng tăng trưởng XK sẽ vẫn còn khá dồi dào trong những tháng tới.

 

Tuy vậy, XK của Việt Nam vẫn phụ thuộc khá lớn vào một số mặt hàng và thị trường. Đơn cử, do mặt hàng điện thoại của Samsung giảm 888 triệu USD kim ngạch XK trong quý I, nên tăng trưởng kim ngạch XK của nước ta chỉ đạt 15,1% (nếu không có con số sụt giảm này, kim ngạch XK có thể tăng 19%).

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, để tăng trưởng XK duy trì bền vững, thời gian tới, phải tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm, thị trường XK để tránh tình trạng phụ thuộc vào một số mặt hàng chính, một số thị trường chủ lực. Đặc biệt, bằng mọi cách khai thác tốt hơn những thị trường còn nhiều dư địa và gần nước ta như Trung Quốc, ASEAN, vì đây là những thị trường không đòi hỏi quá cao về chất lượng hàng hóa XK, lại khá tương đồng về nhu cầu sử dụng hàng hóa; phát huy nội lực của những mặt hàng thế mạnh như nông, lâm, thủy sản, dệt may, da giày… bằng cách nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu để sản phẩm vẫn được người mua tín nhiệm và đứng vững dù thị trường có biến động.

 

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong nước và các dự án sản xuất hàng XK để tạo nguồn hàng; tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; tạo điều kiện cho hàng hóa XK Việt Nam thâm nhập vào các thị trường mới…

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang