Chủ Nhật, 05/05/2024 10:56:27 GMT+7

Tin đăng lúc 02-03-2018

Lượt xem: 8748

Xuất khẩu gạo năm 2017: Một năm thắng lợi lớn

Năm 2017, xuất khẩu gạo của nước ta đã đạt gần 6 triệu tấn với kim ngạch gần 3 tỷ USD, tăng 24,9% về trị giá và 24,1% về lượng so với năm 2016.
Xuất khẩu gạo năm 2017: Một năm thắng lợi lớn

Tăng trưởng vượt xa kỳ vọng

 

Có thể thấy đây là sự đột phá của ngành gạo nước ta khi mà năm 2016, xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua, chỉ đạt mức gần 4,9 triệu tấn, trị giá gần 2,2 tỷ USD và được đánh giá là sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2017 khi nhiều quốc gia chuyển sang chính sách tự cung, tự cấp lương thực. Điểm nổi bật mà ngành gạo nước ta đạt được trong năm 2017 đó là sự tăng trưởng mạnh về mặt giá trị, đáng chú ý là giá gạo xuất khẩu của nước ta tăng từ 50 - 100 USD, lên mức hơn 470 USD/tấn gạo tùy loại. Đây là sự thay đổi tích cực nhất về mặt giá trị xuất khẩu mà ngành gạo nước ta đạt được trong 5 năm trở lại đây. Cơ cấu gạo xuất khẩu cũng tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực khi giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp; tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, có chất lượng và giá trị cao.

 

Có được kết quả này là nhờ những thay đổi tích cực trong chiến lược xuất khẩu. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển thị trường gạo Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030, với mục tiêu là giảm dần về số lượng nhưng vẫn giữ ổn định và tăng về giá trị hạt gạo Việt Nam, góp phần tạo tiền đề cho công cuộc tái cơ cấu ngành gạo. Cùng với đó, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất các giống lúa chất lượng cao và tăng lượng gạo thơm ngon xuất khẩu. Các doanh nghiệp cũng tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng và xuất khẩu chính ngạch vào các phân khúc thị trường cao cấp. Thêm vào đó là do nhu cầu nhập khẩu tăng cao của các thị trường chính như Trung Quốc, Philippine, Malaysia, Hàn Quốc… đặc biệt là việc mở rộng xuất khẩu gạo tới các thị trường mới như Iran, Banglades, Iraq… cũng góp phần đưa xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh, vượt kỳ vọng.

 

Ông Nguyễn Thanh Long - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Gạo Việt cho biết: “Trong vài năm gần đây, doanh nghiệp chúng tôi tập trung xuất khẩu gạo trắng và gạo đồ sang thị trường Đông Âu. Năm 2017, doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp sang thị trường này ước tính cũng tăng 20% so với năm 2016 và dự kiến xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I/2018 sẽ tốt hơn”.

 

 

Năm 2017, xuất khẩu gạo đạt gần 6 triệu tấn với kim ngạch gần 3 tỷ USD

 

Theo các chuyên gia, gạo Việt Nam dù đã xuất khẩu tới 132 thị trường trên thế giới nhưng vẫn phụ thuộc rất nhiều vào 4 thị trường châu Á chủ yếu gồm Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Phillippine, trong khi nhu cầu gạo của 4 thị trường này lên xuống khá thất thường. Do vậy, để xuất khẩu gạo ổn định và bền vững hơn thì cần phải xúc tiến để gạo của chúng ta vào được nhiều thị trường hơn nhằm phân tán rủi ro. Việc mở rộng hợp tác với các thị trường mới, hoặc chưa đi sâu khai thác trong thời gian qua không chỉ giúp tăng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo mà còn giúp hoạt động xuất khẩu gạo bền vững hơn.

 

Nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt

 

Một thực tế hiện nay đó là nhiều mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn chỉ mang tên gọi chung chung là gạo 25% tấm hay 5% tấm, thậm chí phải “mặc áo” của các loại gạo nước ngoài mà chưa có thương hiệu của riêng mình.

 

Những thành quả mà ngành gạo Việt Nam đã đạt được trong năm vừa qua là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để ngành gạo phát triển bền vững thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết hiện nay đó là phải nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam.

 

Tại Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra vào tháng 3/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi một cuộc cách mạng về nông nghiệp để phát triển ngành lúa gạo Việt Nam, phấn đấu trong 10 - 20 năm tới, đưa Việt Nam không chỉ là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới mà còn đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho người trồng lúa ở Việt Nam và các doanh nghiệp lúa gạo. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tất cả các tỉnh làm lương thực phải tập trung hơn nữa để sản xuất lúa gạo chất lượng cao, hình thức đẹp, sạch, đặc biệt là xây dựng một số thương hiệu lớn. Các nhà khoa học, các đơn vị sản xuất kinh doanh phải xắn tay cùng Nhà nước lo cho sản xuất lúa gạo theo định hướng hữu cơ, chất lượng và thương hiệu.

 

Có thể nói, hạt gạo Việt đang đứng trước cơ hội lịch sử làm mới giá trị của mình. Với những thế mạnh sẵn có, cùng sự chung tay của Chính phủ, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và người trồng lúa thì việc tiếp tục có những bứt phá ngoạn mục hơn của ngành lúa gạo trong thời gian tới là điều không quá xa vời./.

 

Đức Minh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang