Chủ Nhật, 28/04/2024 18:40:46 GMT+7

Tin đăng lúc 16-08-2023

Lượt xem: 273

Xuất khẩu của Việt Nam đang khởi sắc

Bước sang tháng thứ 8, nhiều gam màu sáng xuất hiện trong bức tranh kinh tế của Việt Nam. Các chuyên gia dự báo, kinh tế nước ta sẽ tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm.
Xuất khẩu của Việt Nam đang khởi sắc
Tính đến hết tháng 7, vốn đầu tư tiếp tục tăng trưởng dương, khoảng 4,5%. Ảnh: Vasep

Nhiều khởi sắc trong bức tranh kinh tế

 

Nhận định về bức tranh kinh tế trong 7 tháng qua, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính - cho rằng, giá trị đồng Việt Nam vẫn giữ vững so với đồng USD. Điều này góp phần làm cân đối các chỉ số vĩ mô và giữ lạm phát ở mức thấp, khoảng 3,72%, thuộc mức thấp trên thế giới.

 

"Hiện tại, Chính phủ đã có nhiều thay đổi như tăng lương, tăng phụ cấp cho cán bộ địa phương. Mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng ngân sách thu chi của Nhà nước vẫn hiệu quả. Ngay cả xuất khẩu sụt giảm so với năm 2022, nhưng trong tháng 5, 6, 7 đã có những sụt giảm nhỏ dần.

 

Cụ thể, trong tháng 7, mức sụt giảm tăng trưởng xuất khẩu chỉ còn 10,6% so với cùng kỳ 2022. Đây cũng là những tín hiệu tích cực. Điều này chứng tỏ hoạt động xuất khẩu của chúng ta cũng đang hồi phục, các đơn hàng đang tăng lên, công ăn việc làm có thêm, các doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động" - ông Thịnh cho hay.

 

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Hội điểm thêm, trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản vươn lên vị trí số một trong lĩnh vực nông nghiệp.


Bên cạnh đó, hoạt động về quỹ đầu tư nước ngoài vẫn có sự gia tăng so với năm ngoái, dù không nhiều. Đây là tín hiệu mừng cho sự phục hồi tại lĩnh vực này.

 

Kịch bản để thúc đẩy tăng trưởng

 

Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt mục tiêu 6,5% như Chính phủ đề ra, trong 6 tháng cuối năm, kinh tế cả nước cần phải tăng hơn 9%. Điều này là thách thức rất lớn với Việt Nam.

 

Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Hội phân tích, hiện nay nhu cầu của thế giới vẫn rất thấp. Theo báo cáo tăng trưởng của các nước thì dự tính Việt Nam năm nay khả năng đạt được mức tăng trưởng từ 5,5 đến 5,8%. Theo ông Hội, trọng tâm cải thiện vẫn cần phải đặt ở các lĩnh cực công nghiệp, đầu tư công.

 

Nếu phát huy được tác dụng của các gói giải ngân đầu tư công ngay trong tháng 8, đến tháng 9.2023, nền kinh tế sẽ có được bệ đỡ vững chắc.

 

“Ngoài ra, cần đẩy mạnh xuất khẩu, khi tận dụng và phát huy được cơ hội thì thị phần xuất khẩu nước ta sẽ vẫn tăng trưởng tốt trong thời gian tới.

 

Ngoài ra, trong khoảng thời gian dịch bệnh bùng phát, các gói đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn được triển khai tại thị trường Việt Nam. Tính đến hết tháng 7, vốn đầu tư tiếp tục tăng trưởng dương, khoảng 4,5%. Đây là điều kiện thích hợp để chúng ta tiến hành giải ngân, đồng thời là yếu tố động lực thúc đẩy nền kinh tế chung cả nước" - ông Thịnh cho biết.

 

Hiện Chính phủ đang thực hiện các biện pháp nhằm kích cầu lại các chỉ số tiêu dùng nội địa, bao gồm: Giảm VAT, thuế, phí khác… Điều này góp phần cải thiện thu nhập của người dân; giá cả và dòng tiền ổn định hơn.


“Chúng ta hy vọng rằng, mức cầu trong nước được đẩy lên, thì các chỉ số kinh tế đều tăng trưởng tốt" - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

 

Theo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang