Chủ Nhật, 05/05/2024 16:27:54 GMT+7

Tin đăng lúc 12-06-2016

Lượt xem: 3114

Xóa bỏ rào cản không đáng có đối với doanh nghiệp

Sau hơn sáu tháng triển khai, thực hiện Thông tư số 37/2015/TT-BCT của Bộ Công thương quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng phóc-man-đê-hít và a-min thơm (những chất có khả năng gây ung thư) chuyển hóa từ thuốc nhuộm trong sản phẩm dệt may đến nay đã vấp phải những phản ứng gay gắt từ phía các doanh nghiệp (DN). Phần lớn các ý kiến cho rằng, văn bản mới ra đời không những "không gỡ bỏ nút thắt, cởi trói cho DN mà còn gây phiền hà, tốn kém hơn văn bản trước”.
Xóa bỏ rào cản không đáng có đối với doanh nghiệp
Lực lượng Hải quan tỉnh Bình Dương kiểm tra nguyên liệu vải nhập khẩu. Ảnh: T.HÒA

Cụ thể, đại diện của Tổng công ty May Nhà Bè cho biết, lô hàng mẫu nhập về dù giá trị không lớn nhưng để được thông quan, DN vẫn phải gửi đi kiểm tra hàm lượng phóc-man-đê-hít và a-min thơm, sau đó phải chờ rất nhiều thời gian để lấy kết quả mới nhận được hàng, điều này đã gây phiền hà và tốn kém chi phí không đáng có cho DN. Cũng theo vị đại diện này, trước đây theo Thông tư 32, các DN nhập dưới 25 m vải mẫu thì không phải kiểm tra hàm lượng phóc-man-đê-hít và a-min thơm, tuy nhiên theo Thông tư 37 mới, DN nhập dưới 30 m vải vẫn bị yêu cầu kiểm tra hàm lượng nói trên. Như vậy, với thông tư mới, DN vừa phải mất thêm thời gian chờ đợi, vừa mất thêm chi phí, thủ tục còn rườm rà hơn Thông tư 32 cũ.

 

Chung quan điểm này, ông Nguyễn Sơn Hà, Phòng xuất nhập khẩu, Tổng công ty May 10 cho rằng, khi Thông tư 37 có hiệu lực, May 10 được xét là DN ưu tiên và được đưa hàng về trước để bảo quản, còn hồ sơ giữ lại nhằm mục đích kiểm tra sau thông quan. Thế nhưng, khi khách hàng gửi mẫu dù số lượng rất nhỏ, DN vẫn phải mất nhiều thời gian để gửi đi kiểm tra. “Đã là hàng mẫu thì không ai đem bán, do đó cần phải bãi bỏ quy định phải lấy mẫu kiểm tra hàm lượng phóc-man-đê-hít đối với đơn hàng mẫu số lượng nhỏ” - ông Hà kiến nghị.

 

Không chỉ liên quan kiểm tra hàng mẫu, các ý kiến cho rằng Thông tư 37 quy định còn nhiều vướng mắc và chung chung, chẳng hạn như các mặt hàng DN nhận gia công, sản xuất, xuất khẩu sẽ bị kiểm tra hồ sơ, giấy tờ, nhưng thông tư không nói rõ là cơ quan nào sẽ kiểm tra hồ sơ hay về nội dung giảm kiểm tra hồ sơ thì cần làm rõ cơ quan nào được quyền quyết định việc này. Tiếp đến, cần làm rõ khái niệm vải bán thành phẩm là vải mộc, chưa hoàn thiện hay là bán thành phẩm đã cắt sẵn để may sản phẩm may mặc; kiểm tra hồ sơ sẽ được áp dụng nếu 10 lô hàng trở lên trong sáu tháng liên tiếp thực hiện tại cùng một tổ chức, vậy tổ chức nào sẽ đứng ra tiếp nhận hồ sơ; kế tiếp, cần quy định rõ về tiêu chí sản phẩm dệt may nhập khẩu cùng một mặt hàng/mã hàng là thế nào. Tổ chức nào đứng ra phân định việc này trong trường hợp cùng một cửa khẩu, một thời gian nhưng DN tiến hành kiểm tra ở nhiều tổ chức được Bộ Công thương chỉ định, ủy quyền kiểm tra...

 

Trước vấn đề nêu trên, Vụ trưởng Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) Nguyễn Phú Cường khẳng định, mục đích của việc ban hành thông tư này nhằm thực hiện tốt hơn Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, song chỉ sau sáu tháng thực hiện, Bộ Công thương đã nhận được nhiều phản hồi từ phía DN dệt may về những khó khăn trong quá trình thực thi. Do đó, thông qua các ý kiến đóng góp, phản ánh của các DN, Bộ Công thương có thể chỉnh sửa cho phù hợp, qua đó tạo môi trường thông thoáng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của các DN. Tuy nhiên, Vụ trưởng Nguyễn Phú Cường cũng lưu ý: “Việc bỏ quy trình lấy mẫu kiểm tra đối với các lô hàng mẫu có thể dẫn đến việc gian lận thương mại. Lúc đó sẽ có DN nhập hàng nghìn sản phẩm về nước và coi đó là hàng mẫu và khi đó, nguy cơ sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm”.

 

Theo Quỳnh Chi/báo Nhân dân điện tử


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang