Chủ Nhật, 28/04/2024 13:15:11 GMT+7

Tin đăng lúc 15-08-2023

Lượt xem: 303

Vương quốc Anh gia nhập CPTPP tăng cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam

Vương quốc Anh gia nhập CPTPP mang đến những kỳ vọng mới đối với xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang thị trường Anh nói riêng và thị trường CPTPP nói chung.
Vương quốc Anh gia nhập CPTPP tăng cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam
Sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có nhiều lợi thế xuất khẩu sang Vương quốc Anh

Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt kết quả đáng ghi nhận sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Vương quốc Anh (UKVFTA) được ký kết và có hiệu lực từ ngày 1/5/2021. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến sẽ khả quan hơn khi mới đây, Vương quốc Anh đã chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo nhận định của giới chuyên gia, dấu mốc này mang đến những kỳ vọng mới đối với xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang thị trường Vương quốc Anh nói riêng và thị trường CPTPP nói chung.

 

Nền tảng lớn cho quan hệ đối tác chiến lược

 

Khẳng định tiềm năng cũng như lợi thế lớn cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam khi Anh gia nhập CPTPP, Vụ trưởng Vụ Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Linh cho rằng, Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 thế giới, thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 trong số các nước châu Âu - châu Mỹ của Việt Nam.

 

“Việc Anh gia nhập CPTPP sẽ bổ sung cho FTA giữa Anh và Việt Nam (UKVFTA) hiện có, đồng thời nâng cấp mối quan hệ thương mại song phương với các mức thuế ưu đãi bổ sung. Đáng chú ý, các sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long… sẽ có thêm lợi thế tiếp cận thị trường, trong bối cảnh các loại hoa quả nhiệt đới xuất xứ từ các quốc gia cạnh tranh như Brazil, Thailand… đều chưa tham gia CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan”, ông Linh đánh giá.

 

Những năm qua, quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã có những bước phát triển rất tích cực, trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại là một trụ cột quan trọng. Việc Anh gia nhập CPTPP không chỉ đánh dấu một mốc mới đối với sự phát triển của hiệp định, cùng với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA), CPTPP sẽ bổ sung thêm khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển quan hệ thương mại, kinh tế giữa hai nước.

 

Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long nhận định, DN hai nước sẽ có điều kiện để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của nhau, giúp đa dạng hóa chuỗi cung ứng, bao gồm cả chuỗi cung ứng những mặt hàng chiến lược, từ đó góp phần gia tăng tính tự chủ, tự cường của cả hai nền kinh tế.

 

“Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ mở ra cơ hội cho phép người dân hai nước tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của nhau nhiều hơn. Với 2 Hiệp định song hành, sẽ thúc đẩy hiệu quả hơn nữa việc hợp tác đầu tư giữa các DN. Cùng với đó là việc tăng cường giao lưu con người, văn hóa là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Anh”, ông Long tin tưởng.

 

Chiến lược bài bản tiếp cận thị trường vững chắc

 

Giới chuyên gia nhận định, với số dân khoảng 68 triệu người cùng nhu cầu phong phú đa dạng (cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người), Anh thực sự là thị trường tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Khi Anh tham gia CPTPP càng tạo cơ hội cho DN Việt tăng kim ngạch xuất khẩu, song các DN Việt cũng đối diện không ít thách thức, bởi đây là thị trường có các tiêu chuẩn rất cao về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm… Do đó DN Việt cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch kinh doanh, xây dựng và phát triển sản phẩm, thương hiệu bài bản để có thể vững chân ở thị trường này.

 

Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh, hàng xuất khẩu của Việt Nam khi tiếp cận thị trường Anh cũng gặp không ít khó khăn trong bối cảnh thương mại quốc tế có xu hướng suy giảm; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và xung đột địa chính trị leo thang. Ngoài ra, quy định sử dụng nhãn UKCA thay cho CE đối với sản phẩm công nghiệp; dự luật về chống mất rừng và suy thoái rừng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu các sản phẩm gỗ, cà phê, cao su, dầu thực vật, đậu tương của Việt Nam.

 

“Thương vụ sẽ tổ chức, xây dựng mạng lưới với cộng đồng DN Anh và DN Việt Nam tại Anh để kết nối, giới thiệu đối tác cho DN Việt Nam tìm hiểu và có được các thông tin cập nhật về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, các quy định nhập khẩu vào Vương quốc Anh”, ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết.

 

Đánh giá về những cơ hội cũng như thách thức cho DN Việt Nam khi Anh gia nhập CPTPP, ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, Anh là một thị trường khó tính, nhưng nếu chinh phục được thị trường Anh, hàng hóa của Việt Nam sẽ dễ dàng chinh phục được các thị trường khác. Hơn nữa, đối với CPTPP, quy định về nguồn gốc xuất xứ được cho là rõ ràng và minh bạch hơn, nên đây sẽ là cơ hội để Việt Nam tận dụng được ưu đãi về thuế đối với nhiều nhóm hàng hơn khi vào thị trường Anh. 

 

“Để tiếp cận được thị trường Anh, các DN Việt Nam cần nhạy bén trong việc tuân thủ và đáp ứng các quy định về chứng nhận chất lượng sản phẩm, quy trình thủ tục kiểm soát hàng hóa, khai báo và nộp thuế… theo quy định của Anh. Đặc biệt, nông sản là ngành hàng xuất khẩu lớn và cũng có nhu cầu lớn đối với thị trường Anh nói riêng, CPTPP nói chung. Do đó, để nắm bắt cơ hội, nông sản Việt cũng cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về xanh, sạch hay nói cách khác là quy chuẩn toàn cầu hóa (GlobalGap) do thị trường Anh đưa ra”, ông Phương lưu ý.

 

Theo VOV


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang