Thứ Hai, 29/04/2024 06:42:51 GMT+7

Tin đăng lúc 17-09-2016

Lượt xem: 4983

Vinmart và "canh bạc"... bán lẻ

Trong lịch sử ngành phân phối bán lẻ VN chưa DN nào có thể đạt được cả quy mô và tốc độ tăng trưởng nhanh như Vinmart. Nhưng với một thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt, liệu đây có phải là “canh bạc” của “tay ngang” Vinmart?
Vinmart và "canh bạc"... bán lẻ
Chuỗi hệ thống bán lẻ Vinmart

Đầu tháng 10/2014, Vingroup bất ngờ thông báo mua lại chuỗi siêu thị Oceanmart của Ocean Group. Rất nhanh sau đó, Oceanmart được đổi tên thànhVinmart và liên tục mở rộng mạng lưới với tốc độ chóng mặt. Vinmart cùng thể hiện tham vọng ngay từ đầu khi công bố kế hoạch xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ gồm 100 siêu thị và chuỗi 1.000 cửa hàng tiện ích trên khắp VN chỉ trong 3 năm.

 

Kế hoạch thần tốc

 

Tính đến 30/6/2015, hệ thống này đã có 16 siêu thị Vinmart (bao gồm: 2 ở TPHCM, 1 Đà Nẵng, 9 Hà Nội, 4 các tỉnh phía Bắc) và 35 cửa hàng tiện lợi Vinmart  (bao gồm: 16 ở TPHCM, 4 Đà Nẵng, 15 Hà Nội). Trong lịch sử ngành phân phối bán lẻ VN chưa DN nào có thể đạt được cả quy mô và tốc độ tăng trưởng nhanh như Vinmart.

 

Dù không còn nằm trong top đầu các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới nhưng số liệu của Tổng cục thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2014 ước tính đạt 2.945,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2013, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3%, cao hơn mức tăng 5,5% của năm 2013. Xét theo ngành hàng, doanh thu bán lẻ hàng hóa cả năm đạt 2.216 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2013. Cùng với tốc độ tăng trưởng đều đặn trên 10% trong những năm qua, mô hình bán lẻ hiện đại ở VN vẫn mới chỉ ở mức 20%, đây là con số hấp dẫn khiến nhiều nhà đầu tư muốn kiếm lợi trong lĩnh vực bán lẻ tại VN.

 

Trở lại với câu chuyện của Vinmart, họ đang rất tự tin thực hiện lộ trình chiến lược của mình. Điều này là hoàn toàn có cơ sở bởi hiện tại Vinmart có khá nhiều lợi thế, đặc biệt là vị trí mặt bằng là các khu đô thị, trung tâm thương mại và khách hàng là các cư dân của Vingroup.

 

Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, người VN vẫn chưa có thói quen mua sắm đồ cho cả tuần, mà thay vào đó đi chợ vài lần trong tuần để mua đồ tươi sống. Vì thế, mô hình có diện tích trung bình 1.000m2, gần khu dân cư, chỉ cần đi xe máy thôi vẫn có ưu thế hơn. Với chiến lược tận dụng các mặt bằng có sẵn từ các dự án bất động sản của Vingroup, Vinmart đã nắm trong tay rất nhiều vị trí đẹp, ở sâu trong trung tâm. Diện tích các mặt bằng này trên 1.000m2, đủ để cung cấp các mặt hàng thiết yếu, gần gũi các khu dân cư và tận dụng được bãi đỗ xe, khu vui chơi, mua sắm trong quần thể.

 

Có thể thấy, cả 3 trung tâm vui chơi giải trí lớn nhất của người dân Hà Nội hiện nay đều thuộc về tập đoàn Vingroup: Đó là Royal City, Times City và Vincom Bà Triệu. Cả 3 trung tâm này đều có sự hiện diện của siêu thị Vinmart & Vinmart+. Đây là lợi thế mà không chuỗi siêu thị nào tại Hà Nội có được.

 

Thách thức cho “tay ngang”

 

Tuy nhiên, dù có nhiều lợi thế và Vingroup đã thành công trong nhiều lĩnh vực, nhưng điều đó không hoàn toàn đảm bảo cho sự thành công của Vinmart trong tương lai. Bởi Vinmart cũng chỉ là một “tay ngang” mới nổi trong một thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt không chỉ đòi hỏi tiềm lực tài chính, mà còn cần những kỹ năng quản trị và kinh nghiệm. Thất bại của chuỗi siêu thị từ Hiway SupperCenter, chuỗi siêu thị Oceanmart, siêu thị 79 Market của Tập đoàn AlphaNam… với những tham vọng rất lớn phải chôn vùi là một bài học nhãn tiền.

 

Thực tế, Vinmart đang phải đối đầu với rất nhiều đối thủ cạnh tranh như Aeon, Walmart,  Lotte Mart, E-Mart… Các tập đoàn này đều lên kế hoạch mở hàng chục siêu thị, đại siêu thị tại VN trong vòng 5 năm tới.

 

Đặc biệt một đối thủ rất lớn mà Vinmart sẽ phải tính tới đó là Tập đoàn BJC (Thái Lan). Dù không đưa ra những tuyên bố đao to búa lớn nhưng tập đoàn này đã âm thầm thực hiện kế hoạch thâu tóm thị trường bán lẻ VN. Bên cạnh thỏa thuận mua lại Cty Metro Cash & Carry VN, để tận dụng được mạng lưới bán lẻ sẵn có với 19 trung tâm phân phối, BJC cũng đã thực hiện hàng loạt cuộc M&A, với mục tiêu hoàn thiện chuỗi sản xuất, phân phối, bán lẻ và bán sỉ tại thị trường VN.

 

Người xưa thường nói “Đường dài mới biết ngựa hay”, hy vọng rằng với những bài học thực tiễn, với tiềm lực, lợi thế sẵn có Vinmart sẽ chứng tỏ được bản lĩnh của mình để thực hiện chiến lược đã đề ra. Chưa đầy 1 năm thành lập, khó có thể khẳng định được thành công nhưng chắc chắn một điều rằng, Vinmart đang rất nỗ lực tạo ra một đối trọng đủ mạnh đối với các tập đoàn phân phối bán lẻ quốc tế tại VN. Điều mà trước đây các DN phân phối bán lẻ và các nhà quản lý rất mong muốn thiết lập nhưng chưa thể thực hiện.

 

Nguồn Enternews


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang