Thứ Sáu, 03/05/2024 10:19:39 GMT+7

Tin đăng lúc 02-11-2022

Lượt xem: 1716

Vĩnh Phúc xác định ngành công nghiệp điện tử đóng vai trò chủ lực

Xác định ngành công nghiệp điện tử như sản xuất sản phẩm điện tử, tin học và thiết bị điện đã, đang trở thành ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, thời gian qua Vĩnh Phúc đã xây dựng chính sách thu hút dự án đầu tư vào lĩnh vực điện tử mang tính đột phá để không bỏ lỡ cơ hội thu hút các tập đoàn lớn, các dòng vốn đầu tư chất lượng, các dự án công nghệ cao...
Vĩnh Phúc xác định ngành công nghiệp điện tử đóng vai trò chủ lực
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại công ty TNHH Jahwa Vina (KCN Khai Quang, Vĩnh Yên)

Ngành công nghiệp điện tử đóng vai trò chủ lực

 

Toàn tỉnh hiện có trên 200 dự án thuộc nhóm ngành nghề điện tử hoạt động, chiếm khoảng 60% tổng số dự án công nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN). Trong 2 năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng ngành sản xuất (SX) điện tử vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao.

 

9 tháng năm 2022, doanh thu trong các doanh nghiệp (DN) lĩnh vực công nghiệp điện tử, hỗ trợ điện tử trong các KCN ước đạt gần 4,8 tỷ USD, tăng 16%; giá trị xuất khẩu ước đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ; nộp ngân sách Nhà nước gần 1.800 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021.

 

Đây là lĩnh vực thu hút, giải quyết việc làm cho hơn 75 nghìn lao động, chiếm 65% tổng số lao động làm việc trong các DN FDI tại các KCN, tăng hơn 8.400 lao động so với thời điểm 15/12/2021.

 

Thời gian qua, Vĩnh Phúc đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng ngoài các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) và môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút được lượng lớn DN FDI hoạt động trong lĩnh vực điện tử, công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất linh kiện điện tử.

 

Trong 5 năm gần đây, nhiều dự án đã được đầu tư phát triển mạnh và đến nay, công nghiệp điện tử, tin học và thiết bị điện đã trở thành một trong 2 nhóm ngành có đóng góp lớn nhất về giá trị công nghiệp và lao động trong cơ cấu công nghiệp tỉnh.

 

Tính đến thời điểm hiện tại, ngành điện tử - tin học và thiết bị điện trên địa bàn tỉnh đã thu hút được trên 180 DN đầu tư sản xuất. Trong đó, có đến 40 DN có quy mô lao động từ 300 lao động trở lên, quy mô trung bình lao động/DN của ngành hiện đạt lớn nhất với 293 lao động/DN.

 

Các DN FDI trong ngành chiếm gần 50% DN FDI toàn tỉnh; trong đó, có đến 90 DN có quy mô lớn và sản phẩm của các DN này đang được xuất khẩu hoặc cung ứng cho các tập đoàn điện tử lớn tại Việt Nam như Samsung, LG, Panasonic...

 

Có thể kể tới một số DN điển hình cho một số sản phẩm và đóng góp cao trong giá trị công nghiệp của ngành như Công ty TNHH Partron Vina sản xuất linh kiện điện tử (ISM-module cảm biến hình ảnh, LCM-module màn hình tinh thể lỏng, BLU-đèn nền,…) có vốn đầu tư 270 triệu USD; Công ty TNHH Heasung Vina chuyên sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại di động, sản phẩm camera,… vốn đầu tư 165 triệu USD; Công ty TNHH Power Logics Vina sản xuất linh kiện điện tử, vốn đầu tư 100 triệu USD; Công ty TNHH Ắc quy GS Việt Nam (KCN Bình Xuyên) chuyên sản xuất ắc quy chất lượng cao, ắc quy đặc chủng; Cty TNHH BH Flex Vina sản xuất linh kiện điện tử có vốn đầu tư 61 triệu USD;…

 

Nhiều chính sách thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử

 

Để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ điện tử, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách tạo hành lang thông thoáng; ưu tiên thu hút phát triển ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao; tổ chức hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

 

Hỗ trợ các DN đổi mới, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; hỗ trợ chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực điện tử công nghệ cao nhằm giúp DN có thêm nguồn tài chính cho sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

 

Đặc biệt, cuối năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3663 về chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm công nghiệp điện tử có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, DN lớn trong nước và quốc tế, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu.

 

Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025: “Ưu tiên thu hút phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước”, tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư theo hướng “thu hút có chọn lọc”, “thu hút chủ động”, “thu hút dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường”.

 

Giai đoạn 2021-2030, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng chính sách thu hút dự án đầu tư vào lĩnh vực điện tử công nghệ cao mang tính đột phá để không bỏ lỡ cơ hội thu hút các tập đoàn lớn, các dòng vốn đầu tư chất lượng, các dự án công nghệ cao. Theo đó, tỉnh đã hỗ trợ giá thuê hạ tầng khu công nghiệp; hỗ trợ chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực điện tử công nghệ cao nhằm giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính cho sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tạo đòn bẩy, sự lan tỏa để thu hút nhà đầu tư quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư dự án sản xuất thuộc lĩnh vực này.

 

Trường An

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang