Thứ Sáu, 03/05/2024 13:39:20 GMT+7

Tin đăng lúc 17-06-2017

Lượt xem: 3264

Việt Nam thu hút FDI có chọn lọc, thân thiện môi trường

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2017 diễn ra sáng nay 16/6, tại Hà Nội.Cũng như các lần tổ chức thường niên trước, mục tiêu VBF 2017 là đối thoại để doanh nghiệp (DN) FDI kết nối thực chất hơn với đối tác DN địa phương, góp phần phát triển bền vững, nâng cao chất lượng nền kinh tế Việt Nam.
Việt Nam thu hút FDI có chọn lọc, thân thiện môi trường
Toàn cảnh hội nghị.

Cụ thể hóa mục tiêu này, VBF 2017 đã chọn chủ đề là “Tăng cường liên kết khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới” nhằm thảo luận những giải pháp hỗ trợ khu vực doanh nghiệp  nhỏ và vừa (DNNVV) liên kết với doanh nghiệp FDI, tham gia chuỗi sản xuất khu vực và thế giới, tiến tới xoá bỏ ranh giới quốc gia trong sản xuất. Nói một cách cụ thể hơn, tại VBF 2017, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan Chính phủ cùng đối thoại, bàn cách cùng nhau tiến về phía trước- khu vực đầu tư nước ngoài và tư nhân trong nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế toàn cầu.

 

Theo đánh giá của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, đồng Chủ tịch VBF, VBF 2017 với chủ đề về tăng cường liên kết khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới, mà chủ yếu là DN tư nhân trong nước, sẽ hướng tới việc bảo đảm hai khu vực này phát triển song hành với nhau, tránh tình trạng 1 nền kinh tế với 2 tốc độ hay là 2 nền kinh tế trong 1 quốc gia.

 

Nhiều ý kiến tại VBF 2017 đã cho thấy, bản thân doanh nghiệp nước ngoài không muốn đứng ngoài cơ hội mà nền kinh tế đang thay đổi mạnh mẽ đang tạo ra. Nhưng, họ tới VBF 2017 là để trình bày và lắng nghe từ phía Chính phủ Việt Nam những cơ chế thúc đẩy nhanh và hiệu quả các kế hoạch đầu tư, chứ không muốn nhắc đi nhắc lại những yêu cầu đã cũ.

 

Cái mà cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đang rất mong muốn chính là Việt Nam cần ban hành quy định pháp luật mới liên quan đến hoạt động kinh doanh và phân phối của nhà đầu tư nước ngoài, thay cho Nghị định 23/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thương mại không còn phù hợp. Cơ quan thuế phải có trách nhiệm với những kết luận, quyết định của mình. Nên có quy định về thưởng, phạt rõ ràng, để cán bộ thuế cân nhắc kỹ hơn và có trách nhiệm hơn trước khi đưa ra kết luận, quyết định.  Đề nghị đẩy nhanh chuẩn hóa chế độ kế toán Việt Nam với tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế. Mở rộng diện doanh nghiệp thực hiện quy định về báo cáo và kiểm toán bắt buộc theo chế độ kiểm toán Việt Nam. Đề xuất ban hành Danh mục dự án bất động sản không cho phép nước ngoài sở hữu; thống nhất cách hiểu “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”.

 

"Cộng đồng doanh  nghiệp cho rằng, hơn bao giờ hết, các kế hoạch hợp tác đầu tư, kinh doanh của họ đang rất cần một môi trường an toàn, chi phí hợp lý để thúc đẩy”- ông Karashima, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) nói. Còn theo quan điểm của ông Nicolas Audier- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), các doanh nghiệp nhìn thấy, việc thực thi EVFTA sẽ thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế, cải thiện khung pháp lý với những quy định minh bạch hơn, mang lại cơ chế giải quyết tranh chấp và bảo vệ đầu tư hiện đại hơn. Khi đó, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư hiện hữu và đối tác tiềm năng, sân chơi sẽ rộng ra.

 

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu được đông đảo cộng đồng doanh nghiệp dự Diễn đàn đặc biệt quan tâm. Phó Thủ tướng đánh giá cao những ý kiến đã tập trung hiến kế với Chính phủ. Tuy nhiên, ông tỏ ý tiếc khi thấy các ý kiến liên quan lĩnh vực này còn ít.

 

Thông điệp mà Phó Thủ tướng nhấn mạnh tại Diễn đàn là Chính phủ Việt Nam chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhưng là thu hút có chọn lọc, những doanh nghiệp FDI phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, ưu tiên doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có quản trị tốt và sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp Việt Nam.

 

Thể hiện sự quan tâm sâu sắc với những kỳ vọng vào môi trường đầu tư của Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trước sự lệch pha của hai khối DN (trong nước và FDI), Chính phủ sẽ không cố gắng thu hẹp hay làm yếu đi khu vực FDI mà quan điểm của Chính phủ là tạo mọi điều kiện, mà đặc biệt là môi trường đầu tư thuận lợi cho cả hai khu vực này phát triển.

 

“Đồng thời, có chính sách kết nối thành công hai khu vực kinh tế này trong một nền kinh tế quốc gia thống nhất. Để có thể cho các DN Việt Nam và DN FDI đủ sức cạnh tranh tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu"- Phó Thủ tướng nói.

 

Chia sẻ thông tin tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ cũng kiện toàn Uỷ ban tạo thuận lợi thương mại quốc gia, tích cực phấn đấu đến 2018 sẽ đưa được 80% thủ tục hành chính lên Cổng thông tin điện tử 1 cửa quốc gia. Bên cạnh đó, Chính phủ tích cực chỉ đạo bộ, ngành rà soát các thủ tục triển khai chuyên ngành hải quan để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết, ông đã có lịch làm việc với Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trong tuần tới về lĩnh vực tạo thuận lợi thương mại và phát triển logictics tại Việt Nam. Tại Diễn đàn này, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng báo cáo tổng hợp về những diễn biến, kiến nghị đề nghị của Diễn đàn báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang