Thứ Bẩy, 04/05/2024 19:28:50 GMT+7

Tin đăng lúc 11-03-2016

Lượt xem: 4257

Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp châu Âu

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố Sách Trắng lần thứ 8 với rất nhiều khuyến nghị về chính sách thương mại, đầu tư. Các doanh nghiệp (DN) EU đã ghi nhận những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút FDI.
Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp châu Âu
Nhiều nhà đầu tư Pháp đang quan tâm đến các dự án PPP giao thông của Việt Nam

Theo Sách Trắng 2016, Việt Nam đang trải qua những bước chuyển mình cơ bản để xây dựng nền tảng cho sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh khi gia nhập Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC), cũng như trước việc triển khai các hiệp định thương mại bao gồm Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 

Việt Nam đã có hàng loạt thay đổi về pháp lý quan trọng, với việc một số luật và quy định điều chỉnh các vấn đề về đầu tư nước ngoài, DN, bất động sản và giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã có hiệu lực thi hành (kể từ tháng 7/2015).

 

Chẳng hạn, Luật Đầu tư và Luật DN sửa đổi đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động mua bán và sáp nhập DN, rút ngắn thời gian cấp phép theo quy định, giảm số lượng các lĩnh vực ngành nghề cấm kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện… hay Luật Nhà ở sửa đổi đã cho phép người nước ngoài được thuê, mua, sở hữu bất động sản tại Việt Nam.

 

Bà Nicola Connolly - Chủ tịch EuroCham - cho rằng, Việt Nam đã có sự chuyển mình nhanh chóng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội với nhiều điểm tích cực, có lợi thế để trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn của các DN EU. Không chỉ là nhờ cơ cấu dân số vàng, lực lượng lao động năng động với giá nhân công thấp, mà cùng với đó là vị trí chiến lược và khoảng cách rất gần các nước láng giềng ASEAN, thậm chí còn là cửa ngõ vào ASEAN. Đáng ghi nhận, Việt Nam chào đón một cách rộng rãi vốn FDI vào sản xuất. Sự mở cửa dần hầu hết các ngành dịch vụ theo lộ trình cam kết hội nhâp, cũng như việc áp dụng các ưu đãi đầu tư bao gồm cắt giảm thuế trong một số lĩnh vực như công nghệ cao, công nghệ môi trường, nông nghiệp cũng hấp dẫn DN EU. Đó là những lĩnh vực mà các DN EU luôn dẫn đầu trên toàn cầu. Đặc biệt, cơ hội sẽ được mở ra ngày càng lớn hơn khi EVFTA đã được ký kết và dự kiến có hiệu lực từ năm 2018.

 

Liên quan đến vấn đề năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên toàn cầu, Sách Trắng 2016 dẫn theo Báo cáo 2015-2016 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam xếp hạng 56 trong 144 nền kinh tế, tăng 12 bậc so với vị trí thứ 68 của năm 2014 - 2015.

 

Đáng chú ý, vị trí trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang có những kết quả đáng khích lệ, song vẫn còn một số vấn đề quan trọng liên quan đến môi trường kinh doanh cần được tiếp tục cải thiện. Ví dụ như các chuẩn mực kiểm toán và báo cáo còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, thủ tục đăng ký kinh doanh, thành lập DN rườm rà…

 

 

Bà Nicola Connolly - Chủ tịch EuroCham:

 

Việc chính thức hoàn thành đàm phán EVFTA là một bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại, đầu tư hai bên và sẽ đem lại một loạt cơ hội mới.

 

 

Theo Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang