Chủ Nhật, 28/04/2024 19:36:57 GMT+7

Tin đăng lúc 25-10-2023

Lượt xem: 1317

Ưu đãi đột phá giúp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam

Có thể nói, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển với nhiều tiềm năng và lợi thế. Tìm kiếm và đưa ra các giải pháp, cơ hội hợp tác để ngành công nghiệp bán dẫn có thể phát triển, từ đó giúp Việt Nam tạo sự đột phá chính là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu lúc này.
Ưu đãi đột phá giúp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam
Tại nhà máy sản xuất vi mạch của Hana Micron Vina tại Bắc Giang

Sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện nhân dịp chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tháng 9 vừa qua, vấn đề phát triển ngành công nghiệp chất bán dẫn ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Song câu chuyện về chất bán dẫn có lẽ đã trở thành ưu tiên phát triển hàng đầu của Việt Nam nhiều năm qua. Năm 2010, nhà máy chip của Intel đã hoạt động tại Việt Nam, đến nay đã xuất xưởng tổng cộng hơn 3,5 tỷ đơn vị sản phẩm, đưa Việt Nam lên bản đồ chip thế giới.

 

Sản lượng của Intel Việt Nam hiện chiếm tổng cộng trên 50% sản lượng lắp ráp và thử nghiệm trên toàn cầu. Một số công ty Mỹ và Hàn Quốc như Amkor, Samsung, Hana Micron Vina, Marvell Techonology, Synopsys đánh dấu sự hiện diện của mình tại đây. Lãnh đạo cấp cao của Intel, Amkor, Marvell, và GlobalFoundries đã tham dự Hội nghị cấp cao Việt Nam - Mỹ về đầu tư và đổi mới sáng tạo nhân chuyến thăm của Tổng thống Biden.

 

Vừa qua, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới nhiều tập đoàn hàng đầu của Mỹ về lĩnh vực bán dẫn đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới. Đáng chú ý, Tập đoàn Synopsys đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) về hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam; với Trung tâm Đổi mới Quốc gia (NIC) để phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch tại Việt Nam, trong đó Synopsys hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip. NIC cũng ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Cadence Design Systems về việc triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam.

 

Nhiều doanh nghiệp Mỹ đánh giá cao tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, thậm chí để ngỏ khả năng đặt nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam, chứ không dừng lại ở khâu lắp ráp, kiểm tra và đóng gói như hiện nay. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và tập đoàn Nvidia dự kiến hoàn thiện các thủ tục nội bộ và ký kết thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu-phát triển-chuyển giao và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn thời gian tới. 

 

 

Công nhân kiểm tra linh kiện điện tử tại nhà máy Myungjin Electronic Vina do Hàn Quốc đầu tư ở tỉnh Thái Nguyên 

 

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit) ngày 29/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Theo đó, các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam. Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TP.HCM, Hòa Lạc (Hà Nội) và Đà Nẵng sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu  nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.

 

Cũng tại Hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 là đẩy nhanh việc Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực.

 

Bản dự thảo chiến lược đang được xây dựng sẽ sớm được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Chiến lược sẽ đề ra tầm nhìn, khẳng định quyết tâm, mục tiêu, lộ trình, các nhiệm vụ giải pháp cũng như các chính sách ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp điện tử, công nghiệp bán dẫn. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh việc Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực, thu hút các doanh nghiệp bán dẫn trên toàn cầu đến Việt Nam nghiên cứu phát triển tại Việt Nam. Đặc biệt, sẽ có những cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn.

 

Bà Linda Tan Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA) cũng cho rằng, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển, với nhiều tiềm năng và lợi thế. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ.

 

Việt Nam được đánh giá có hệ sinh thái bán dẫn phát triển nhanh, tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Mỹ, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời “ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam”.

 

Tuyên bố nhắc đến việc khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai. Những động thái trên được đánh giá là bước tiến mới của Việt Nam trên con đường thâm nhập ngành công nghiệp trị giá hàng trăm tỷ USD và có sức ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực trên thế giới.

 

Theo thống kê vào tháng 2 của Cục Thống kê Dân số Mỹ, doanh thu chip từ Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Mỹ tăng 74,9%, từ 321,7 triệu USD trong tháng 2/2022 lên 562,5 triệu USD sau một năm, chiếm 11,6% thị phần. Con số ấn tượng đưa Việt Nam cùng một số khu vực ở châu Á vào top thị trường tăng trưởng mạnh nhất.

 

Thế Ngọc


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang