Thứ Năm, 09/05/2024 12:07:19 GMT+7

Tin đăng lúc 25-09-2018

Lượt xem: 7140

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa: Lợi ích đa chiều

Trong bối cảnh tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đang là một vấn nạn trong xã hội như hiện nay thì việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa một cách chi tiết từ khâu sản xuất đến cung ứng ra thị trường là một biện pháp cần thiết và hữu hiệu.
Truy xuất nguồn gốc hàng hóa: Lợi ích đa chiều
Truy xuất nguồn gốc hàng hóa là biện pháp hữu hiệu chống hàng giả-1

Nó giúp người tiêu dùng hiểu rõ và an tâm về hàng hóa mình đã chọn; giúp doanh nghiệp (DN) khẳng định sự minh bạch, xây dựng hình ảnh, tăng khả năng cạnh tranh; giúp các cơ quan quản lý có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó, hạn chế nạn sao chép, làm giả sản phẩm.

 

Tại Việt Nam vài năm trở lại đây, truy xuất nguồn gốc đang được triển khai nhanh chóng, tuy nhiên do đây là một hoạt động còn khá mới nên DN và người tiêu dùng cũng chưa hiểu hết ý nghĩa và bản chất của truy xuất nguồn gốc để áp dụng cho đúng.

 

Tại sao cần phải truy xuất nguồn gốc?

 

Truy xuất nguồn gốc phục vụ 3 mục đích: Thứ nhất là phục vụ chuỗi cung ứng để minh bạch chất lượng; tiếp đến là phục vụ cho người tiêu dùng yên tâm và cuối cùng là phục vụ cho cơ quan quản lý nhà nước. Truy xuất nguồn gốc một sản phẩm nào đó tức là phải truy xuất được thông tin theo chuỗi và phải có cơ sở dữ liệu để đảm bảo thông tin được minh bạch rõ ràng theo thời gian thực của sản phẩm đó chứ không chỉ truy xuất một khâu, một công đoạn làm ra sản phẩm.

 

Thông qua truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể trực tiếp tìm hiểu, thu thập thông tin về sản phẩm họ đã mua một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Qua đó, hạn chế mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng như thực phẩm, dược phẩm hay đồ may mặc...

 

Về phía DN, truy xuất nguồn gốc giúp kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi, xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa. Đây không chỉ là bước để các DN tạo sự tin tưởng nơi khách hàng mà còn là “hàng rào” bảo vệ uy tín của sản phẩm và DN, qua đó giúp DN hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại. Đối với cơ quan quản lý nhà nước thì đây chính là công cụ hữu ích phục vụ cho công tác quản lý, kiểm soát thị trường hàng hóa.

 

Bên cạnh đó, truy xuất nguồn gốc hàng hóa cũng góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại. Đối với xuất khẩu hàng hóa, truy xuất giống như hàng rào kỹ thuật, nếu không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thì sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh. Khi áp dụng truy xuất nguồn gốc vào hàng hóa xuất khẩu, tức là đã tiến thêm một bước trong việc hội nhập sâu vào chuỗi giá trị chung. Còn đối với hàng hóa nhập khẩu, thông qua việc truy xuất có thể kiểm soát chất lượng của các mặt hàng nhập khẩu tốt hơn, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng và sự cạnh tranh bình đẳng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước.

 

Thực trạng truy xuất nguồn gốc tại VN

 

Những năm gần đây, khi mà truy xuất nguồn gốc trở thành xu thế và người tiêu dùng Việt ngày càng đặt niềm tin nhiều hơn vào các sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc, nhiều DN đã xây dựng cho mình bộ truy xuất hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa nông sản theo các tiêu chuẩn có uy tín như VietGap, GlobalGap, Organic… Song, có nhiều đơn vị không thực hiện việc truy xuất điện tử mà làm bằng tay. Nhiều DN chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin sản phẩm chứ chưa hiểu rõ quy trình truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, cũng còn không ít DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ còn gặp khó khăn trong việc tự nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm, ngành nghề cụ thể.

 

Chính vì vậy, trên thị trường còn rất nhiều sản phẩm không truy xuất được nguồn gốc và nhiều cách truy xuất nguồn gốc cũng chưa tốt. Hiện nay, những mô hình truy xuất truyền thống như nhập "hồi ký sản xuất" bằng tay để tạo QR code; sản xuất tem truy xuất dán lên sản phẩm; QR code của sản phẩm do DN tự công bố và trả tiền dịch vụ đưa vào lưu trữ trong cơ sở dữ liệu riêng... còn nhiều bất cập, người tiêu dùng không xem được các thông tin về truy xuất, hoặc thông tin truy xuất chưa đáng tin cậy.

 

 

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa

 

Bên cạnh đó, cách thức lưu trữ truyền thống bằng hồ sơ nên dễ phát sinh sự nhầm lẫn, thay đổi thông tin khiến DN phải tiêu tốn rất nhiều công sức và tài chính để kiểm soát hệ thống truy xuất nguồn gốc truyền thống. Không những vậy, các loại tem truy xuất nguồn gốc này còn dễ bị làm giả, sao chép, khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu truy xuất đó có thật hay không? 

 

Phải thay đổi tư duy quản lý nhà nước, DN và người sản xuất

 

Theo các chuyên gia, giai đoạn hiện nay, người tiêu dùng có thể vẫn chấp nhận việc có được những thông tin theo cách thủ công. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về việc truy xuất nguồn gốc và yêu cầu phải cập nhật kịp thời từng giây, từng phút thì việc sử dụng công nghệ thông tin để truy xuất bằng điện tử là giải pháp thay thế hữu hiệu trong thời gian tới.

 

Để làm tốt được việc này, cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành tiêu chuẩn thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa và quy định bắt buộc truy xuất nguồn gốc hàng hóa đang lưu thông trên thị trường trong nước cũng như xuất nhập khẩu. Qua đó, tạo được hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường trong nước, quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo thị trường lành mạnh. Tiếp đến là cần có đơn vị độc lập đứng ra cung cấp công cụ thông tin nhằm bảo đảm độ tin cậy của thông tin sản phẩm. Đồng thời, xây dựng các quy định cho đơn vị này trong việc đứng ra xác định nguồn gốc của sản phẩm, làm “trọng tài” cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Hình thành hệ thống thông tin - cơ sở dữ liệu áp dụng công nghệ 4.0 để chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước, DN và nhà sản xuất.

 

Cuối cùng là, các các cơ quan quản lý nhà nước cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát thực hiện và thời hạn thực hiện. Tuyên truyền và hướng dẫn cách thức truy xuất cho người tiêu dùng và hơn ai hết, các DN, nhà sản xuất cần coi truy xuất nguồn gốc là nhiệm vụ phải làm để nâng cao giá trị hàng hóa, xây dựng niềm tin với người tiêu dùng./.

 

Quốc Dân


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang