Thứ Ba, 30/04/2024 11:55:29 GMT+7

Tin đăng lúc 07-09-2023

Lượt xem: 393

Trung Quốc giảm mạnh lãi suất tác động thế nào tới xuất khẩu của Việt Nam?

Việc Trung Quốc – thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ hai của Việt Nam có động thái hạ lãi suất nhằm vực dậy nền kinh tế mở ra hy vọng nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ cải thiện tích cực hơn, tạo thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam.
Trung Quốc giảm mạnh lãi suất tác động thế nào tới xuất khẩu của Việt Nam?
Hoạt động xuất nhập khẩu được dự báo tiếp tục khởi sắc trong những tháng cuối năm.

Tại báo cáo sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại vừa công bố, Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 8, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có những tín hiệu tích cực khi tăng 7,7% so với tháng trước, ước đạt 32,37 tỷ USD, là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong một năm trở lại đây và đánh dấu tháng tăng trưởng thứ 4 liên tiếp.

 

 

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,43 tỷ USD, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,94 tỷ USD, tăng 7,3%.

 

Tuy nhiên, nhu cầu yếu, tăng trưởng chưa có sự đột biến nên so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 giảm 7,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 2,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 9,3%.

 

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng năm 2023 với kim ngạch ước đạt 62,27 tỷ USD, giảm 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với kim ngạch ước đạt 35,79 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Lần đầu trong 6 tháng gần đây, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam, trong tháng 8/2023 đã tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm (so với mức so với mức 48,7 điểm của tháng 7) cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện, sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động xuất khẩu và hoạt động mua hàng đều tăng trở lại...

 

Bộ Công Thương nhận định, hoạt động xuất nhập khẩu được dự báo tiếp tục khởi sắc trong những tháng cuối năm do được hỗ trợ bởi các yếu tố như lạm phát có xu hướng hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu…, tồn kho tại các nước đang giảm dần.

 

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng thường tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm. Mặt khác, Việt Nam cũng được cho là sẽ hưởng lợi từ việc các tập đoàn đa quốc gia chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

 

Đáng chú ý, Bộ Công Thương nhìn nhận, việc Trung Quốc – thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ hai của Việt Nam có động thái đã hạ lãi suất nhằm vực dậy nền kinh tế, cũng mở ra hy vọng nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ cải thiện tích cực hơn trong thời gian tới. Đây được xem là yếu tố tạo thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm. 

 

Được biết, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (BPOC) ngày 15/8 bất ngờ hạ lãi suất chủ chốt, với mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2020, để vực dậy nền kinh tế đang bị rủi ro bủa vây tứ phía, từ thị trường bất động sản chìm trong khủng hoảng cho tới tiêu dùng suy yếu. Theo đó, PBOC hạ lãi suất 0,15 điểm phần trăm đối với các khoản vay kỳ hạn 1 năm mà cơ quan này cấp cho các ngân hàng thương mại, tức lãi suất của cơ chế cho vay trung hạ (MLF), xuống còn 2,5%. Đây là lần thứ hai, PBOC hạ lãi suất điều hành này kể từ tháng 6 đến nay.

 

Theo Bộ Công Thương, việc kinh tế toàn cầu đã có những dấu hiệu tích cực, đặc biệt là tín hiệu phục hồi tích cực đã xuất hiện ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã có tác động tích cực tới hoạt động thương mại của Việt Nam. 

 

Tại Trung Quốc, hoạt động sản xuất đã tăng trở lại trong tháng 8 với chỉ số PMI tháng 8/2023 của lĩnh vực chế tạo đã đạt mức 51, cho thấy các biện pháp kích cầu kinh tế của Chính phủ Trung Quốc bắt đầu phát huy tác dụng.

 

Tại Mỹ, những diễn biến mới trên thị trường lao động khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể sớm dừng tăng lãi suất. Dữ liệu công bố ngày 1/9/2023 cho thấy, số việc làm của lĩnh vực phi nông nghiệp ở Mỹ tăng cao hơn dự kiến, đạt 187.000 việc làm trong tháng 8.

 

Tuy vậy, cơ quan này cũng lưu ý xuất khẩu đối mặt với khó khăn khi các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu sẽ là tiền đề để họ dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu (dự luật chống phá rừng, CBAM của EU; Mỹ gắn các vấn đề lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ...).

 

Xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét trong việc đa dạng hóa nguồn cung của các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

 

Theo VNbusiness


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang