Thứ Sáu, 10/05/2024 06:08:56 GMT+7

Tin đăng lúc 16-02-2017

Lượt xem: 1887

Trên 60% doanh nghiệp Nhật sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Khoảng trên 2/3 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động ở Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh và có xu hướng gia tăng đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, sản xuất hàng tiêu dùng thay vì đầu tư nhiều vào sản xuất, chế tạo như trước đây.
Trên 60% doanh nghiệp Nhật sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Văn phòng đại diện tại TP.HCM của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) đã công bố kết quả khảo sát thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương năm 2016.

 

Theo đó, trong 639 doanh nghiệp trả lời khảo sát của Jetro cho biết, mức lợi nhuận đầu tư mà DN thu được trong năm 2016 tăng 4% so với năm 2015. Ngành phi sản xuất có mức lợi nhuận tăng cao hơn ngành sản xuất. Đây cũng là cơ sở cho hơn 60% trong tổng số 639 DN khẳng định sẽ mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong năm 2017. Đây là tỷ lệ cao so với các quốc gia khác.

 

Theo đó, ông Takimto Koji – Trưởng đại diện Văn phòng Jetro tại TP.HCM cho biết Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng. Lý do chính để doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng hoạt động kinh doanh là doanh thu tăng (khoảng 88%), tính tăng trưởng, tiềm năng cao (khoảng 46%). Xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trong năm 2017 sẽ tập trung vào mảng hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ. Các DN Nhật Bản cũng đang đẩy mạnh đầu tư hệ thống phân phối, bao gồm hệ thống phân phối hiện đại và các cửa hàng tiện lợi.

 

Ở chiều ngược lại, theo ông Takimto Koji cho biết xu hướng đầu tư lĩnh vực ngành nghề thì DN đầu tư cho ngành sản xuất chế tạo nói chung sẽ giảm. Đặc biệt với ngành sản xuất ô tô có khả năng thu hẹp. 4 hãng sản xuất ô tô của Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam là Honda, Toyota, Suzuki và Mazda có xu hướng thu hẹp sản xuất và dịch chuyển đầu tư sang Thái Lan và Indonesia. Nguyên nhân là quy mô thị trường của hai nước trên có khả năng đạt công suất 2 triệu ô tô/năm. Trong khi đó, quy mô thị trường tại Việt Nam chỉ mới đạt mức trên dưới 250.000 ô tô/năm.

 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đánh giá Việt Nam có tình hình chính trị, xã hội ổn định nên đã tạo được môi trường đầu tư có nhiều thuận lợi. Trong đó, hơn một nửa số doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao quy mô thị trường, tính tăng trưởng, chi phí nhân công rẻ của Việt Nam.

 

Ông Takimto Koji cho biết thêm, những yếu tố rủi ro đầu tư tại Việt Nam như hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận dụng pháp luật chưa rõ ràng; thủ tục hành chính phức tạp; chi phí nhân công tăng cao; cơ chế thủ tục thuế phức tạp, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện… đang được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ rõ ràng và hiệu quả hơn để từng bước nâng cao tỷ lệ cung ứng nguyên vật liệu nội địa; hạn chế việc thay đổi liên tục chính sách pháp luật; tăng cường hậu kiểm thực thi pháp luật của cơ quan chức năng để giảm thiểu chi phí không chính thức cho DN.

 

Nguồn Enternews.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang