Thứ Sáu, 26/04/2024 14:40:39 GMT+7

Tin đăng lúc 28-08-2019

Lượt xem: 3891

Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam: Tối ưu hóa sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh là yếu tố phát triển sống còn

Kết thúc 6 tháng đầu năm với kết quả sản xuất kinh doanh tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) xác định nâng cao hiệu quả trong sản xuất là động lực chính cho sự phát triển của ngành Xi măng những năm tới.
Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam: Tối ưu hóa sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh là yếu tố phát triển sống còn
Ông Bùi Hồng Minh, Tổng giám đốc VICEM phát biểu tại Hội nghị sơ kết sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019.

Cuối tháng 6, trong Hội nghị Sơ kết sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Tổng giám đốc VICEM Bùi Hồng Minh nhấn mạnh việc tối ưu hóa quy trình sản xuất hiện tại có vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất lao động và khả năng cạnh tranh.

 

Điều này càng trở nên cấp thiết hơn khi chi phí đầu vào để sản xuất xi măng ngày càng có xu hướng tăng cao từ cuối tháng 3 đến nay. Giá than, dầu và giá bao bì leo dốc đang ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất xi măng. Nỗi lo chi phí năng lượng đầu vào đội giá buộc VICEM và các đơn vị thành viên phải tìm nhiều giải pháp tháo gỡ như: Tự lo than bằng nguồn nhập khẩu; tối ưu hóa các dây chuyền sản xuất; đầu tư công nghệ đổi mới theo hướng thân thiện với môi trường, tăng năng suất lao động…

 

Những phản ứng nhanh nhạy ấy đã giúp VICEM có được kết quả sản xuất kinh doanh rất khả quan. Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm tiêu thụ ước đạt hơn 14,6 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ, trong đó tiêu thụ xi măng (gồm cả xuất khẩu) đạt hơn 12,8 triệu tấn, tăng tới 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận của toàn VICEM cũng tăng 53% so với cùng kỳ. Đây chính là mức lợi nhuận 6 tháng cao nhất trong nhiều năm gần đây, trong đó lợi nhuận của khối các Công ty sản xuất xi măng tăng 21% so với cùng kỳ.

 

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định, trong những năm gần đây, bài toán lớn nhất của ngành sản xuất xi măng ta chính là sức cạnh tranh. Công nghệ lạc hậu, dây chuyền nhỏ lẻ, chất lượng thấp kéo theo năng suất kém hiệu quả, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xi măng Việt Nam với các đối thủ nước ngoài đáng gờm khác đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Thụy Sĩ, Pháp, Indonesia…

 

 

Tối ưu hóa dây chuyền sản xuất là nhiệm vụ sống còn trong bài toán phát triển xi măng.

 

Nhận thức rõ điều này, VICEM đã triển khai nhiều giải pháp dài hạn, có lộ trình để siết chặt các khâu quản lý chất lượng cũng như tối ưu hóa quy trình sản xuất một cách bền vững. Tổng công ty đã xây dựng và trình phê duyệt Đề án tăng năng suất lao động trong thời đại công nghiệp 4.0 với mục tiêu bình quân 10%/năm, đồng thời ứng dụng công nghệ cao trong quản lý bằng việc xây dựng phần mềm quản lý nhân sự chuyên nghiệp. Tổng Giám đốc Bùi Hồng Minh cho biết, đã hối thúc và giao nhiệm vụ cho các đơn vị thành viên đẩy nhanh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, kinh doanh theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm môi trường. Trong đó, các nhà máy phải xây dựng lộ trình tự động hóa, trước mắt là khâu thí nghiệm và nghiền. Ðồng thời, VICEM cũng đang đẩy mạnh xây dựng văn phòng điện tử, kết nối kiểm soát khâu lưu thông và logistics, tiến tới hoàn thiện mô hình nhà máy hiện đại, kiểm soát, quản lý theo xu hướng công nghệ 4.0.

 

Thực tế cũng cho thấy, đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội chiếm lĩnh thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh ngành Xi măng đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt chưa từng có. Theo ước tính, khoảng 1/3 sản lượng xi măng sản xuất ra là dành cho xuất khẩu. Các đối tác xuất khẩu đều đặt ra tiêu chí rất cao về chất lượng, tốc độ giao hàng… Nếu không đổi mới quy trình và tối ưu hóa các khâu từ quản lý, sản xuất đến tiêu thụ, các doanh nghiệp xi măng không những phải đối diện với nguy cơ mất đi thị trường xuất khẩu mà còn thua ngay trên sân nhà trước những doanh nghiệp nước ngoài.

 

Năm 2019, VICEM đặt mục tiêu doanh thu 40.000 tỷ đồng (nghĩa là tăng 10% so với năm 2018), lợi nhuận trước thuế đạt 3.200 tỷ đồng, tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 31 triệu tấn (tăng 6% so với năm 2018). Để hoàn thành mục tiêu lớn ấy, những “nút thắt” trong vấn đề tối ưu hóa sản xuất, hơn lúc nào hết, cần phải được giải quyết triệt để. Về lâu dài, việc tối ưu hóa dây chuyền công nghệ hiện đại, giảm giá thành sản xuất cũng đang trở thành một trong những ưu tiên lớn trong chiến lược phát triển của VICEM theo hướng trở thành một tổng công ty có tiềm lực kinh tế mạnh, có trình độ công nghệ tiên tiến, mô hình quản trị hiện đại và có khả năng cạnh tranh quốc tế.

 

Minh Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang