Chủ Nhật, 05/05/2024 06:45:12 GMT+7

Tin đăng lúc 23-02-2017

Lượt xem: 2607

Tôm Việt 'thiếu tiếng, miếng chưa nhiều'

Với chất lượng và sản lượng xuất khẩu đã được khẳng định tại khoảng 90 quốc gia nhưng những sản phẩm có tem mác tôm Việt lại chưa nhiều. Chính bởi vậy, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Công Thương chủ trì việc xây dựng thương hiệu cho mặt hàng thủy sản chủ lực của quốc gia này.
Tôm Việt 'thiếu tiếng, miếng chưa nhiều'

Thiếu thương hiệu khó "đội" giá

 

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 90 thị trường, đạt kim ngạch hơn 3,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2015. Bên cạnh đó, tính về sản lượng nuôi, với mức trên 600 ngàn tấn/năm, Việt Nam đang đứng thứ 3 về sản xuất tôm trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Indonesia. Nếu xét riêng từng loại, Việt Nam đứng đầu về sản xuất tôm sú với sản lượng 300 ngàn tấn/năm, và luôn nằm trong Top 5 nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới.

 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2016, xuất khẩu mặt hàng này sang 10 thị trường lớn vẫn tăng trưởng khả quan trừ Đài Loan giảm 20,6%. Riêng Trung Quốc tăng tới 24,3%. Xuất khẩu vào Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng lần lượt ở mức 7,9%; 9,4%; 2,7% và 13,6%.

 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, hiện sản phẩm tôm của Việt Nam khi vào siêu thị nhiều quốc gia thì số bao bì bán lẻ mang tên công ty chế biến Việt Nam chưa nhiều và những dạng sản phẩm đặc biệt mà người dùng muốn mua, phải tìm đến thương hiệu công ty Việt Nam lại càng ít hơn. Đây là một yếu tố dẫn tới giá tôm Việt Nam không cao hơn giá mặt bằng chung của thế giới.

 

Hơn nữa, theo các chuyên gia thủy sản, bên cạnh yếu tố về giá, việc thiếu thương hiệu còn khiến tôm Việt Nam khó cạnh tranh với các đối thủ đến từ các cường quốc nuôi tôm khác.

 

Bộ Công Thương sẽ chủ trì xây dựng thương hiệu tôm

 

Trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa được Văn phòng Chính phủ công bố, Thủ tướng đã yêu cầu phải phấn đấu đưa Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là thủ phủ của nuôi trồng, chế biến tôm chất lượng cao. Đồng thời cần xây dựng nhiều thương hiệu toàn cầu cho tôm Việt.

 

Hơn nữa, Thủ tướng cho rằng cần chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tập trung phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. “Bộ Công Thương cần chủ động tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời thông tin về các rào cản thương mại; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; mở rộng thị trường cho ngành tôm; đấu tranh, xử lý các vụ kiến chống bán phá giá, các rào cản kỹ thuật bất hợp lý, không để bị động về thị trường” - Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương.

 

Theo đại diện Hội nghề cá Việt Nam, để xây dựng được thương hiệu mạnh cho tôm Việt Nam, Nhà nước nên xây dựng hình ảnh mô tả quá trình sản xuất tôm của Việt Nam (từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm, chế biến đến xuất khẩu gắn với bảo vệ môi trường và môi sinh), quảng bá rộng rãi hình ảnh theo nhiều hình thức và được cập nhật hàng năm; xây dựng giáo trình hướng dẫn cách xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp chế biến tôm và tổ chức đào tạo miễn phí cho tất cả các đối tượng muốn tham gia. Đồng thời, cải tiến hình thức tham gia hội chợ quốc tế, trong đó Nhà nước ưu tiên tài trợ cho các hoạt động quảng bá thương hiệu của quốc gia và từng doanh nghiệp.

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang