Thứ Hai, 29/04/2024 23:03:18 GMT+7

Tin đăng lúc 25-06-2018

Lượt xem: 3486

Tín hiệu khả quan và những cảnh báo kinh tế năm 2018

Với sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, 5 tháng đầu năm 2018, kết quả kinh tế đã đạt được nhiều thành tựu, tạo đà hoàn thành các chỉ tiêu phát triển cho cả năm. Tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững.
Tín hiệu khả quan và những cảnh báo kinh tế năm 2018
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các lãnh đạo tỉnh Hải Dương tham quan các gian hàng

Những tín hiệu khả quan

 

Năm tháng đầu năm 2018, sản xuất tiếp tục tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá trong tháng 3 và tháng 4, cụ thể là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện, cung cấp nước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất, tăng với tốc độ cao nhất 11,8%, tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.

 

Giá thực phẩm tăng trở lại, tạo điều kiện cho sản xuất thực phẩm phục hồi tăng trưởng. Tiêu thụ trong nước thể hiện chủ yếu ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm nay vừa tăng cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước, vừa tăng cao hơn tốc độ tăng GDP. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đạt hơn 93 tỷ USD. Chỉ số CPI bình quân 5 tháng năm nay tăng 3,01% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái, được nhận định là trong tầm kiểm soát.

 

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, vẫn cần có sự kiểm soát giá ở một số ngành cụ thể: “Muốn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô thì việc điều hành nền kinh tế trong những ngành hàng, lĩnh vực mà Nhà nước còn đang nắm giữ, điều tiết như giá dịch vụ y tế, giá học phí, giá và phí đối với những tuyến đường và những dịch vụ mà Nhà nước cung cấp thì phải có lộ trình điều chỉnh để đảm bảo cân đối thu chi và phải hài hòa để không tác động đột ngột đến ổn định vĩ mô”.

 

Cần thận trọng trong những tháng cuối năm

 

 Trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực mà Chính phủ đã đạt được nhưng cũng rất nhiều ý kiến cảnh báo về khả năng lạm phát có thể quay trở lại. Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường của Hà Nội cho rằng, các ý kiến cảnh báo là thể hiện sự thận trọng, song trong bối cảnh hiện nay chưa đáng lo ngại. Vì lạm phát phụ thuộc rất lớn vào một loạt các loại hàng hóa cơ bản, nhất là giá xăng. Nếu giá xăng dầu tăng quá cao nó sẽ tác động đến tất cả các loại hàng hóa khác. Tuy nhiên, giá xăng dầu nhiều khi lại không phụ thuộc vào sự kiểm soát của chúng ta mà phụ thuộc vào thị trường thế giới nên nếu bị đẩy lên quá cao thì dù chúng ta có tung quỹ bình ổn ra cũng không thể kéo giá xăng dầu xuống thấp. Rõ ràng đây là nhân tố tác động rất lớn khiến chỉ số giá khó kiểm soát.

 

 

Kiểm tra chất lượng xoài trước khi xuất khẩu

 

Kinh tế vĩ mô tuy có chuyển biến, nhưng chưa được cải thiện vững chắc. Tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch cả năm về vốn đầu tư từ ngân sách còn thấp. Cân đối ngân sách vẫn còn khó khăn khi thu từ sản xuất, kinh doanh đạt thấp, tỷ lệ chi trả lãi vay và vốn gốc đến hạn chiếm trong tổng chi, tổng thu còn lớn. Việc tăng tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài/GDP tuy đã được chặn lại, có loại đã giảm, nhưng vẫn còn lớn. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, những tháng còn lại của năm nay sẽ có một số yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá cả, do vậy yêu cầu các Bộ, ngành cần bám sát kịch bản tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2018 ở mức 3,55% để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến của lạm phát cơ bản, việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 17%, tập trung tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp cân đối tiền - hàng, hỗ trợ cho tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, tiếp tục biện pháp trung hoà ngoại hối thu được từ nước ngoài, cổ phần hoá bán vốn nhà nước. Từ thực tế cũng cho thấy, rất cần sự điều tiết một cách linh hoạt từ Chính phủ, đến các bộ ngành và doanh nghiệp trong những tháng còn lại của năm. Điều quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn cho khối doanh nghiệp để họ yên tâm sản xuất, tạo sức bật vươn lên trong nền kinh tế.

 

Những giải pháp để duy trì và phát triển kinh tế năm 2018

 

Theo bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế, để ổn định kinh tế vĩ mô, cần cải thiện môi trường kinh doanh, để doanh nghiệp yên tâm làm ăn: “Năm 2018 rất cần tập trung vào những nhân tố về chất lượng, về đổi mới mô hình tăng trưởng, về cải thiện môi trường kinh doanh để có thể tăng trưởng một cách vững chắc. Việt Nam là một nền kinh tế rất mở với 180% GDP của xuất nhập khẩu, như vậy chúng ta không thể tránh khỏi ảnh hưởng từ bên ngoài. Vì vậy, tôi thực sự mong chính sách điều hành của năm nay phải theo hướng tích cực và thận trọng hơn so với năm ngoái”.  

 

Một số chuyên gia khác và các đại biểu Quốc hội thì cho rằng, nền kinh tế của chúng ta đang trên đà phát triển tốt, đặc biệt như các ngành nông nghiệp, dịch vụ, phát triển du lịch có xu hướng tăng lên. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là nhóm FDI đang trên đà ổn định, thậm chí tăng trưởng mạnh hơn nên những yếu tố đó cho thấy, tăng trưởng 2018 không có những thách thức quá nhiều, mặc dù thị trường xuất khẩu của nước ta có ảnh hưởng bởi chính sách bảo hộ thông qua các rào cản thương mại... Nhưng với những thuận lợi nêu trên, tin rằng năm 2018 kinh tế Việt Nam sẽ phát triển.

 

Nhu cầu về tiền những tháng cuối năm sẽ tăng hơn năm 2017, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước cần phải tiếp tục ổn định giá trị đồng tiền, ổn định tỷ giá. Việc chống đô la hóa, vàng hóa thời gian qua là rất thành công của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, điều hành về cung tiền đối với các Ngân hàng thương mại cũng đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải hết sức mềm dẻo để không tạo ra khan hiếm tiền, bởi nếu Ngân hàng thương mại khan hiếm tiền sẽ đẩy lãi suất huy động tăng lên và lãi suất cho vay cũng tăng sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, đồng thời ngân hàng Nhà nước cần đẩy mạnh giải quyết nợ xấu... làm được điều này sẽ giúp kinh tế tăng trưởng bền vững.

 

Xuân Lan

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang