Thứ Sáu, 03/05/2024 18:04:53 GMT+7

Tin đăng lúc 11-01-2017

Lượt xem: 1992

Thuỷ sản có trở lại “thời hoàng kim”?

Giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam dao động từ 7 – 8 tỷ USD mỗi năm nhưng đang bộc lộ những khuyết điểm làm cho vị thế cạnh tranh của ngành đang dần suy yếu. Để lấy lại đà tăng trưởng cao như “thời hoàng kim” trước đây thì còn rất nhiều bất cập đòi hỏi ngành này cần sớm khắc phục.
Thuỷ sản có trở lại “thời hoàng kim”?
Dù là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu thủy sản nhưng tính bền vững trong sản xuất của ngành này chưa cao.

Thống kê cho thấy giá trị xuất khẩu các mặt hàng thủy sản trong năm 2016 ước đạt 6,99 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2015. Mức tăng này có vẻ khả quan hơn so với tình hình sụt giảm thê thảm hồi năm 2015, nhưng vẫn là mức tăng thấp, không như kỳ vọng.

 

Tôm, cá lo giảm giá trị

 

Nhìn vào biểu đồ phát triển ngành thuỷ sản trong vòng 15 năm trở lại đây, ông Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thuỷ sản (ICAFIS) bày tỏ lo ngại dù có bước phát triển lớn nhưng bắt đầu có dấu hiệu chựng lại.

 

Trong 5 năm gần đây, giá trị xuất khẩu dường như tăng không đáng kể, đạt dưới 7 tỷ USD, cả hai ngành hàng quan trọng là tôm, cá tra đều giảm giá trị. Tuy vậy, không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của thuỷ sản vẫn chiếm một vị trí đáng kể trong tăng trưởng khi theo thống kê vào năm 2015, GDP của thuỷ sản đạt 91.185 tỷ đồng (chiếm 19,25% tổng GDP toàn ngành nông lâm thuỷ sản và chiếm 3,17 tổng GDP toàn quốc).

 

Trong khi đó, theo ông Lựu, tỷ trọng xuất khẩu do nuôi trồng thuỷ sản mang lại chiếm khoảng 65 – 70% (tuỳ từng năm, đặc biệt phụ thuộc vào giá trị của hai mặt hàng chính là tôm và cá tra đều từ nuôi trồng).

 

Điều đáng nói, giá trị xuất khẩu của con tôm (ngành hàng lớn thứ nhất trong xuất khẩu thuỷ sản)như năm trước nhưng do ảnh hưởng hạn, mặn, sản lượng tôm nguyên liệu phục vụ chế biến trong nước đứng trước tình trạng thiếu hụt, phải nhập nguyên liệu 20% trong khi giá bán lại suy giảm. Trong 3 năm 2013 – 2015, sản lượng tôm chỉ dao động khoảng 280.000 tấn so với năm 2012 (trên 550.000 tấn).

 

Còn giá trị xuất khẩu cá tra giảm rõ rệt trên 20%, vì sản lượng giảm và giá bán cũng giảm. Sau khi đạt 1,2 triệu tấn/năm vào năm 2012 thì trong các năm 2013 đến 2015 đã sụt giảm xuống mức 1 triệu tấn và khả năng năm 2016 sẽ còn giảm tiếp (theo dự báo) vì giá cả hiện nay rất thấp.

 

Số liệu mới đây nhất của Vụ nuôi trồng thuỷ sản (Tổng cục Thuỷ sản) cho thấy diện tích vùng nuôi cá tra ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nửa đầu năm 2016 chỉ còn 3.200 ha (giảm 5,55% so với cùng kỳ năm ngoái).

 

Bước sang năm 2017, theo dự cảm của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám, có 3 thách thức mà ngành thuỷ sản phải đối mặt. Đó là: biến đổi khí hậu, dịch bệnh và yếu tố thị trường. Mục tiêu ngành thủy sản đặt ra năm 2017 dự kiến đạt tổng sản lượng là 6,85 triệu tấn (trong đó sản lượng khai thác 3,05 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng 3,8 triệu tấn). Và, 7,1 tỷ USD là mục tiêu mà ngành này đặt ra cho kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản trong năm 2017.

 

Cần lựa chọn chiến lược

 

Trong đó, xuất khẩu tôm là điều đáng quan tâm. Sản phẩm tôm nước lợ là một lợi thế mà ngành thủy sản còn dư địa để khai thác. Hiện nay với 700.000ha tôm nước lợ thì mới có 95.000 ha là tôm công nghiệp, còn lại hơn 600.000ha tôm quảng canh. Nhưng năng suất nuôi tôm quảng canh hiện còn rất thấp.

 

Dự kiến xuất khẩu tôm năm 2017 ước đạt 3,2 tỷ USD, trong khi năm 2014 đã là 3,9 tỉ USD. Theo nhận định, nhu cầu tiêu thụ tôm của thế giới ít có sự tăng trưởng đột biến, vì thế, sẽ rất khó để cho Việt Nam tăng mạnh số lượng xuất khẩu.

 

Với sản phẩm cá tra, năm nay hoàn toàn có thể tăng được sản lượng, người dân Đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ chuyển đổi phương án sản xuất theo nhu cầu thị trường, nếu nhu cầu tăng, thậm chí có thể sản xuất 2-3 triệu tấn cá tra thay vì khoảng 1-1,2 triệu tấn/năm như hiện nay.

 

Trên thực tế, lâu nay, dù là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu thủy sản nhưng tính bền vững trong sản xuất của ngành này hiện vẫn chưa cao. Theo phân tích của Ts.Nguyễn Thanh Tùng (Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản), ngành thuỷ sản đang bộc lộ những khuyết điểm lớn từ giống, kỹ thuật cho đến thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và tiêu thụ.

 

Ngành này mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là sản phẩm sơ chế trong khi giá trị gia tăng đối với mặt hàng thủy sản lại chủ yếu do khâu chế biến, đóng gói và hoạt động thương mại mang lại. Mặt khác, trong định hướng phát triển trước đây, chúng ta quá chú trọng đến sản lượng số lượng mà chưa chú trọng đúng mức đến giá trị gia tăng của sản phẩm.

 

Nếu nhìn vào bối cảnh quốc tế về thương mại thuỷ sản, có thể thấy hơn 80% sản phẩm thuỷ sản được trao đổi trên các hiệp định thương mại tự do ưu đãi. Thế nhưng, theo nhóm nghiên cứu của trường Đại học Nha Trang, hàng thuỷ sản Việt Nam đang và sẽ đối diện với nguy cơ mất thị trường, nhất là 3 thị trường truyền thống và lớn nhất là Mỹ, Nhật Bản, EU.

 

Nhất là khi yêu cầu về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm từ các thị trường này ngày càng nghiêm ngặt. Do đó, đa dạng hoá thị trường mục tiêu để tồn tại được phân biệt theo mức độ khắt khe từ các thị trường cũng như tính không đồng nhất của các tiêu chuẩn và chuỗi giá trị toàn cầu đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản cần có những “lựa chọn chiến lược”.

 

Giới chuyên gia khuyến nghị cần có chủ trương ưu đãi về nguồn vốn để triển khai các sản phẩm tín dụng cho việc phát triển các sản phẩm thủy sản nâng cao giá trị gia tăng, các chính sách ưu đãi tái cấp vốn cho ngư dân, người nuôi nhằm giảm phụ thuộc về tài chính vào thương lái, nậu vựa, tránh tình trạng ép giá.

 

Hơn nữa, nên xúc tiến các hoạt động liên quan đến việc tìm kiếm những thông tin từ thị trường nước ngoài nhằm giúp các nhà xuất khẩu (người hưởng lợi trực tiếp) và các tác nhân khác giảm thiểu rủi ro và không chịu sức ép về giá từ một số thị trường chủ yếu.

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang