Thứ Bẩy, 27/04/2024 01:32:31 GMT+7

Tin đăng lúc 14-09-2020

Lượt xem: 1143

Thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Vân Phong

Trước đây, dù là vùng đất, vùng biển giàu tiềm năng phát triển kinh tế, nhưng Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) còn im ắng, hoang sơ. Nay, đã trở nên sôi động song để phát triển xứng tầm, Khu kinh tế (KKT) Vân Phong còn quá nhiều việc phải làm.
Thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Vân Phong

Nhiều tiềm năng, lợi thế

 

Khu vực Vân Phong có tổng diện tích khoảng 150.000 ha; trong đó, diện tích mặt nước khoảng 80.000 ha, diện tích mặt đất khoảng 70.000 ha, thuộc địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa. Ở đây có hệ thống đảo, bán đảo phong phú; vịnh sâu và kín gió; bờ, bãi biển, cồn cát rộng, sạch, đẹp... và nhất là có hệ sinh thái đa dạng như rừng nhiệt đới, rừng ngập mặn, động thực vật biển, ven biển... Các chuyên gia kinh tế đánh giá vịnh Vân Phong là nơi có điều kiện đặc biệt thuận lợi trong việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế, bởi nước biển có độ sâu tự nhiên lớn, ổn định; địa hình kín gió, an toàn; vị trí gần đường hàng hải quốc tế...

 

Nhằm sớm phát huy tiềm năng, lợi thế khu vực này, ngày 25-4-2006, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập KKT Vân Phong, có tổng diện tích 150.000 ha. Theo phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2030, đây là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó cảng trung chuyển công-ten-nơ quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành kinh tế khác.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Nguyễn Tấn Tuân cho biết, xác định Vân Phong là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực thực hiện quy hoạch; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; tổ chức xúc tiến kêu gọi đầu tư... Từ một vùng đất hoang sơ, KKT Vân Phong từng bước thành hình, thu hút nhiều nhà đầu tư (NĐT) tầm cỡ. Tháng 10-2009, cảng trung chuyển công-ten-nơ quốc tế Vân Phong được khởi công xây dựng, vốn đầu tư 3,6 tỷ USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Dự án này được coi là “đầu tàu” của KKT Vân Phong, được kỳ vọng tạo bước đột phá trong phát triển khu vực. Nhưng, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có vấn đề năng lực của chủ đầu tư, đến tháng 9-2012, Chính phủ cho dừng triển khai dự án. Vậy là dự án giữ vai trò chủ đạo của KKT Vân Phong thành ra dang dở. Việc thu hút đầu tư vào KKT Vân Phong, do đó, trở nên rất khó khăn bởi không ít dự án đầu tư vào đây nhắm tới hướng gắn kết hoạt động của mình với hệ thống cảng trung chuyển công-ten-nơ quốc tế Vân Phong.

 

Khó khăn là vậy, tỉnh Khánh Hòa vẫn kiên trì mục tiêu xây dựng KKT Vân Phong thành vùng kinh tế động lực của tỉnh, với nhiều giải pháp vừa cấp thiết, vừa lâu dài. Một mặt tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức xúc tiến đầu tư..., mặt khác, Ban quản lý KKT Vân Phong tham mưu UBND tỉnh công bố các thủ tục hành chính thực hiện tại KKT Vân Phong, điều chỉnh, bổ sung quy trình thực hiện các thủ tục này theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2008; xây dựng các thủ tục hành chính một cửa, một cửa liên thông..., tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NĐT.

 

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Khánh Hòa, giai đoạn 2016 - 2020, KKT Vân Phong thu hút 41 dự án mới, điều chỉnh tăng vốn cho 14 dự án với tổng số vốn đăng ký 64.167 tỷ đồng; đã có 91 dự án đi vào hoạt động; đóng góp ngân sách của tỉnh khoảng 20.950 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 6.251 lao động. Đến nay, KKT Vân Phong đã thu hút khoảng 158 dự án đầu tư; tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD; trong đó có 61 dự án đã đi vào hoạt động và 67 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đang triển khai đầu tư xây dựng. Có 8 dự án đã thỏa thuận chủ trương, đang thực hiện thủ tục đầu tư với tổng vốn 10,3 tỷ USD. Đến nay, nhiều công trình hạ tầng quan trọng tại khu vực Nam KKT Vân Phong đã hoàn thành đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện các dự án. Thực tế đã có một số dự án lớn đi vào hoạt động và có đóng góp thiết thực, hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương như Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam, kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, khu công nghiệp Ninh Thủy... Trong đó, chỉ riêng Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam năm 2019 đóng mới 16 tàu tải trọng lớn, doanh thu 458 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động.

 

Thực tế, với tiềm năng, lợi thế đặc biệt của mình, khu vực vịnh Vân Phong đã lọt “mắt xanh” của những nhà hoạch định chiến lược khi được chọn làm nơi xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế (HC-KT) đặc biệt, cùng với Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang). Đứng trước vận hội mới, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện ngay một số thủ tục để triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển đơn vị HC-KT đặc biệt Bắc Vân Phong như dự thảo nhiệm vụ quy hoạch; chuẩn bị công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn lập quy hoạch; chuẩn bị nguồn nhân lực; xây dựng phương án xúc tiến, kêu gọi đầu tư…

 

Theo Trưởng ban Quản lý KKT Vân Phong, Hoàng Đình Phi, từ khi có chủ trương xây dựng đơn vị HC-KT đặc biệt Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa không thu hút đầu tư mới vào khu vực này, chờ quy hoạch xây dựng đơn vị HC-KT đặc biệt. Điều này khiến KKT Vân Phong gặp không ít khó khăn. Nhiều NĐT lớn đã nhiều lần làm việc với tỉnh; trực tiếp khảo sát tại KTT Vân Phong để đầu tư nhưng đều phải dừng lại, vì đợi Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt được thông qua. Một số dự án lớn như cảng trung chuyển quốc tế, khu phi thuế quan, khu công nghiệp Dốc đá trắng… cũng bị ảnh hưởng.

 

Do Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt chưa được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tạm dừng triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển đơn vị HC-KT đặc biệt Bắc Vân Phong cho đến khi Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt được thông qua; đồng thời giao nhiệm vụ tỉnh Khánh Hòa tổ chức điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong, bảo đảm đồng bộ, thống nhất các quy hoạch liên quan và quy định của pháp luật. Vậy là KKT Vân Phong phải được quy hoạch lại, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện mới.

 

Chiến lược phát triển mới

 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Nguyễn Tấn Tuân, sau thời gian thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2030, UBND tỉnh Khánh Hòa nhận thấy khu vực Nam Vân Phong đã có một số dự án đi vào hoạt động. Tuy nhiên, một số khu chức năng vẫn chưa được triển khai, do chưa có quy hoạch. Riêng khu vực Bắc Vân Phong, do có chủ trương xây dựng đơn vị HC-KT đặc biệt cho nên chưa triển khai lập quy hoạch các khu chức năng. Mặt khác, theo định hướng quy hoạch chung đã được phê duyệt, một số khu chức năng và đất chưa sử dụng cũng cần được điều chỉnh và bổ sung một số nội dung cho phù hợp tình hình thực tế để kêu gọi đầu tư. Trước thực tế có một số khu chức năng quan trọng đã được NĐT quan tâm nhưng chưa thể triển khai được, vì chưa có quy hoạch phù hợp, tỉnh Khánh Hòa đang xem xét tiến hành lập quy hoạch mới; điều chỉnh quy hoạch phân khu đối với các khu chức năng chưa có hoặc đã có nhưng không phù hợp quy hoạch chung.

 

Nhiều nhà quản lý kinh tế cho rằng, nếu triển khai xây dựng đơn vị HC-KT đặc biệt, Bắc Vân Phong có xuất phát điểm thấp hơn rất nhiều, nếu không muốn nói là chưa có gì cả, so với Vân Đồn và Phú Quốc. Song, Bắc Vân Phong sẽ có lợi thế về quy hoạch. Đây là khu vực còn khá hoang sơ, mật độ dân số thấp, chưa có nhiều công trình kiên cố, rất thuận tiện trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như tạo sự đồng bộ trong quy hoạch khi triển khai xây dựng những dự án lớn. Tỉnh Khánh Hòa đang chuẩn bị xây dựng đề án về cơ chế, chính sách phát triển KKT Vân Phong trong tình hình mới. Trong đó, nghiên cứu tách bạch tương đối về chức năng quản lý hành chính nhà nước theo địa giới hành chính và chức năng quản lý kinh tế tại khu vực triển khai đề án; đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển kinh tế bảo đảm phù hợp phát triển xã hội trong khu vực thực hiện đề án; tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án sử dụng công nghệ theo các tiêu chí “công nghệ cao, mới, sạch, tiết kiệm”; hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao của địa phương.

 

Theo kết luận mới đây của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, khu vực Bắc Vân Phong chỉ thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, phù hợp định hướng quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Tỉnh đang tiến hành rà soát quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển để phát triển KKT Bắc Vân Phong thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, tạo đột phá trong phát triển cho Khánh Hòa và khu vực. Ban quản lý KKT Vân Phong xây dựng danh mục các dự án có quy mô lớn để ưu tiên thu hút đầu tư, trong đó tập trung các dự án mang tính động lực, phát triển lan tỏa cả khu vực.

 

Hiện nay, Khánh Hòa đang triển khai thực hiện song song hai nhiệm vụ. Đó là điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong; xây dựng đề án về cơ chế, chính sách phát triển KKT Vân Phong trong tình hình mới. Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Nguyễn Tấn Tuân cho biết, tỉnh đã kiến nghị Chính phủ sớm triển khai đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang; nâng cấp sân bay Tuy Hòa để phục vụ phát triển vùng kinh tế Bắc Khánh Hòa - Nam Phú Yên theo Nghị quyết chung của Chính phủ; đồng thời bày tỏ mong muốn Chính phủ sớm có cơ chế đặc biệt để phát triển KKT Vân Phong.

 

Theo Nhân Dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang