Thứ Ba, 30/04/2024 16:11:32 GMT+7

Tin đăng lúc 22-05-2016

Lượt xem: 3138

Thị trường tiêu dùng Việt Nam: Năng động, tăng trưởng nhanh và nhiều thử thách

Nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường tiêu dùng nói riêng trong những năm sắp tới sẽ năng động, tăng trưởng nhanh và nhiều thử thách hơn.
Thị trường tiêu dùng Việt Nam: Năng động, tăng trưởng nhanh và nhiều thử thách
Kênh phân phối hiện đại ngày càng thu hút mạnh mẽ người tiêu dùng

Theo báo cáo mới về Chỉ số niềm tin người tiêu dùng (NTD) được công bố bởi Công ty Nielsen cho thấy trong quý 1/2016, niềm tin NTD Việt tiếp tục đạt vị trí cao - đứng vị trí thứ 5 toàn cầu và là một trong những quốc gia có mức độ lạc quan nhất với chỉ số đạt 109 điểm.

 

Ông Julien Brun - Tổng giám đốc công ty CEL Consulting cho rằng, chính sự lạc quan và ngày càng đề cao giá trị của người tiêu dùng Việt Nam sẽ là nền tảng thúc đẩy thị trường phát triển. Ngoài ra, người tiêu dùng tại nông thôn cũng là một trong những yếu tố chủ chốt thúc đẩy sự phát triển kinh tế Việt Nam khi mà thị trường tại các khu vực thành thị ngày càng trở nên bão hòa.

 

Bên cạnh đó, NTD Việt Nam đang ở trong giai đoạn chuyển đổi trong nhận thức cũng như lối sống truyền thống đến hiện đại với sự hiểu biết và thông thạo công nghệ. Điều này tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp (DN) thương mại điển tử (TMĐT) và các nhà bán lẻ kênh hiện đại.

 

Tuy nhiên, NTD Việt Nam vẫn cẩn thận trong chi tiêu ngay cả khi họ cảm thấy lạc quan về tương lai và thường chi nhiều cho những hàng hóa dịch vụ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình. Ba khoản chi tiêu hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam bao gồm: giáo dục, sản phẩm - dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sản phẩm chăm sóc gia đình. NTD Việt Nam chi 10- 12% thu nhập cho việc giáo dục của con cái, ngành dược phẩm tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm ngoái và 50% NTD chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm chăm sóc gia đình.

 

Kênh phân phối hiện đại và chuỗi cửa hàng tiện lợi sẽ mở rộng quy mô và trở thành kênh mua hàng chính của NTD Việt Nam, điển hình là mô hình chuỗi cửa hàng tiện lợi đã tăng trưởng 300% trong năm qua. Mối lo ngại và nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ là động lực chính khiến cho NTD cân nhắc chuyển đổi từ kênh chợ truyền thống sang những kênh bán hàng đảm bảo hơn.

 

Bên cạnh đó, hoạt động khuyến mãi sẽ vẫn giữ vị trí quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Khảo sát ý kiến NTD cho thấy, trong kênh siêu thị, Saigon Co.op và Big C là hai hệ thống siêu thị có khuyến mãi hấp dẫn nhất cho NTD. Tương tự về phía cửa hàng tiện lợi thì VinMart và FamilyMart là hai hệ thống đứng đầu qua đánh giá của NTD.

 

Hoạt động sử dụng truyền thông của NTD cũng dành nhiều thời gian rảnh rỗi cho smartphone và các thiết bị kết nối internet khác hơn là cho ti vi và các phương tiện truyền thông ngoại tuyến. 77% người được khảo sát cho biết đã và đang sử dụng smartphone, và hơn 57% trong số đó dành ra từ 3- 4 giờ đồng hồ một ngày trên diện thoại smartphone.

 

Như vậy, chỉ số niềm tin NTD Việt Nam tiếp tục giữ vững ở vị trí cao trong khi thị trường kinh doanh tại thời điểm hiện tại tăng trưởng ở mức độ vừa phải. Những gì chỉ số này cho thấy không phản ánh trực tiếp hoạt động và hiệu suất của thị trường mà thay vào đó chỉ số này cho thấy những hi vọng về tương lai của NTD Việt. Nguyên nhân để có thể lý giải cho điều này đó là Việt Nam là một quốc gia có dân số trẻ, với 57% dân số dưới 35 tuổi. Một yếu tố khác để lý giải cho sự lạc quan này đó chính là trung bình NTD Việt chi nhiều tiền hơn cho bản thân họ để cải thiện lối sống và họ khát khao được có cuộc sống tốt hơn mỗi ngày. 

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử


Tag:bán lẻ

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang