Thứ Hai, 29/04/2024 06:38:01 GMT+7

Tin đăng lúc 16-05-2017

Lượt xem: 2061

Thị trường thịt lợn: Loạn giá, loạn chất lượng

Khi giá lợn xuất chuồng sụt giảm nghiêm trọng, một số hộ dân đã tự cứu lấy mình bằng cách tự mổ lợn mang ra chợ để bán. Tình trạng “vênh giá” và nhập nhèm giữa nguồn thịt an toàn và “thịt bẩn” lại đang khiến nhiều người băn khoăn lo ngại khi cho rằng, cơ hội này chỉ mang tính hên xui.
Thị trường thịt lợn: Loạn giá, loạn chất lượng

Nhan nhản hàng thịt “tự phát”

 

Vào thời điểm này, giá lợn hơi chỉ từ 15.000 đồng đến 17.000 đồng nhưng nhiều thương lái còn kén chọn, ép giá nên nhiều hộ gia đình đã tự giết mổ và trực tiếp mang vào bán tại các khu chợ trong thành phố để mong thu hồi lại một chút vốn.


Một tuần trở lại đây, tại khu vực vỉa hè của tuyến đường Kim Giang (Q. Thanh Xuân - Hà Nội), cứ cách 20m lại xuất hiện một hàng thịt lợn “tự phát”. Thậm chí, tại các khu chợ cóc ở các ngõ ngách như ngõ 278, ngõ 40, ngõ 64... nhiều sạp hàng bán rau củ ... cũng tranh thủ thu xếp thêm một góc để bày bán thịt.

 

Qua tìm hiểu của phóng viên, nguồn thịt này chủ yếu do người thân ở quê tự giết và nhờ bán hộ. Chị Minh (ngách 278/9- Kim Giang) kể : “Đây là lợn nhà bà ngoại (mẹ đẻ chị Minh) nuôi. Đàn lợn hơn 40 con đã đến lứa xuất chuồng mà không có ai đến mua nên bà đã thịt dần để đem ra chợ ở quê ngồi bán. Số còn lại chia cho mỗi con một ít để bán hộ.”. Chị Minh cho biết thêm, hằng ngày cứ 4h sáng là cậu em trai ở quê lại chở thịt xuống cho chị để tiêu thụ hộ. “Lòng lợn 10.000 đồng/kg, mỡ: 15.000 đồng/kg, thịt ngon (nạc thăn, nạc mông) đồng giá 40.000 đồng, thịt loại bình thường 30.000 đồng – 35.000 đồng/kg là mức giá phổ biến mà chị Minh cũng như nhiều người khác quanh đó đang bán.

 

Ghi nhận của phóng viên tại khu vực chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) vào thời điểm đầu giờ sáng và cuối giờ chiều (tan tầm) lực lượng chức năng làm việc có phần vất vả hơn bởi tình trạng lộn xộn khi người dân từ các xã lân cận tranh thủ mang lợn nhà tự thịt sang chợ để bán. Những hàng thịt “lưu động” này luôn trong tình trạng sẵn sàng chạy công an nên đồ nghề cũng khá đơn giản: dao, thớt, manh bạt dùng để trải dưới đất... cùng vài chục kg thịt để trong làn nhựa.

 

Chỉ cần thoáng thấy bóng công an là tất cả mọi thứ được khẩn trương thu dọn và treo vào xe để chạy. Đã 10 ngày nay, vợ chồng anh Trần Văn Hà ( Xã Đại Áng – Thanh Trì) cho biết, ngày nào vợ chồng anh cũng phải dậy từ 2 giờ sáng để mổ lợn. Sáng ra lại chở lợn bằng xe máy lên Hà Nội bán lẻ ngoài vỉa hè. Điệp khúc cứ công an đuổi lại chạy cứ lặp đi lặp lại như vậy khiến vợ chồng anh mệt bơ phờ. Anh Hà cho biết, thịt lợn anh bán hiện nay giá 50.000 đồng/kg tính ra là còn hòa vốn, may không bị lỗ như bán cho lái buôn.

 

Tương tự như nhà anh Hà, chị Trần Thị Tám (xã Đông Mỹ - Thanh Trì – Hà Nội) cũng phải tự giết thịt lợn đem ra vỉa hè khu đô thị lân cận để bán (KĐT Linh Đàm, KĐT Xuân Mai – Hà Đông) vì chuồng có 60 con lợn với trọng lượng đều vượt 1 tạ mà không bán được. Đàn lợn đã quá lứa mà không ai hỏi mua, nguyên liệu cám bã cũng đã đến kỳ phải trả nợ nên nếu để nuôi thì chị không thể cầm cự thêm được nữa. Cứ mỗi ngày, chị Tám thịt một con đem qua các khu đô thị đứng bán từ sáng tới trưa cũng hết.

 

Đến chiều, chị lại lang thang mấy khu công trường đang thi công xem họ có mua thịt lợn không vì chỗ đó công nhân xây dựng ăn nhiều. Do giá bán rẻ hơn ở chợ nên người mua ít cũng một kg, người mua nhiều thì vài kg. Giá rẻ, không ai nỡ mặc cả, có người còn cố tình dư thêm tiền để hỗ trợ thêm cho người bán như chúng tôi nên nên đến cuối ngày thì cũng vừa hết hàng, tính ra cũng dư chút đỉnh làm lãi.

 

Loạn giá, loạn chất lượng

 

Trong khi nguồn thịt lợn được người dân tự giết mổ đem bán với giá mềm khá hút khách thì tại các sạp thịt của các tiểu thưởng tại các chợ, mức giá vẫn ở mức cao từ 1,2 – 1,5 lần. Cụ thể tại chợ Cầu Tó (Thanh Liệt – Thanh Trì) là 60.000 – 65.000 đồng/kg. Không chỉ về lượng thịt mà các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn cũng được bày bán la liệt. Tuy nhiên, so với mức giá trước đây thì những sản phẩm này có giảm nhưng không đáng kể.

 

Ví dụ như tại chợ Cầu Tó (Thanh Liệt – Thanh Trì), giá nem chua 120.000 đồng/kg, chả cốm, chả sụn.., giá 110.000 đồng/kg, xúc xích giá 100.000 đồng/kg... Còn tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch), chợ Xanh (Cầu Giấy)... giá giò lụa, ruốc thịt 120.000 – 130.000 đồng/kg. Nhận xét về mức giá này, nhiều người dân phàn nàn cho rằng, giá chỉ giảm so với thời điểm trước từ 10.000 – 20.000 đồng/kg. Còn khi đem thắc mắc này hỏi người bán thì nhận được câu trả lời mù mờ: “Giá không giảm nhiều nhưng thành phẩm chất lượng hơn do tỉ lệ thịt đã được gia tăng từ khâu sản xuất”.

 

Thực tế không chịu xuống giá này còn diễn ra tương tự ở các hàng quán phục vụ khách ăn uống. Đơn cử tại quán các quán bún chả Sinh Từ, Nguyễn Khuyến, Hàng Mành... giá suất ăn không hề thay đổi, vẫn ở mức 40.000 – 50.000 đồng/suất. Khi khách hàng thắc mắc thì bà chủ cười trừ và “bù” bằng cách thêm cho khách vài miếng chả nướng. Hay tại các hàng quán từ sang trọng đến các quán cơm bình dân, các món được chế biến từ thịt lợn được nhiều chủ quán gia tăng hơn, trong khi đó giá mỗi suất cũng không hề giảm. Khi được hỏi, nhiều chủ quán biện minh rằng, nguồn thịt của mình là thịt sạch nên vẫn phải nhập giá cao.

 

Điều đáng nói là trước tình trạng nguồn thịt được giết mổ tự phát như hiện nay, khâu kiểm dịch để đảm bảo thực phẩm an toàn khi đến tay người tiêu dùng dường như bị bỏ qua thì không ai dám chắc, những món ăn dược chế biến từ thịt lợn là hàng được đảm bảo an toàn. Thậm chí, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm được chế biến từ thịt lợn như giò, chả, nem...được làm thủ công, không nhãn mác được chào bán với dưới danh “của nhà làm” khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi e ngại.

 

Ông Hoạch – một người dân thôn Văn (Thanh Liệt – Thanh Trì) cho biết, cách đây vài ngày, ông có mua 1 kg giò lụa của một người dân từ Hoài Đức (Hà Nội) đem đến bán. “Mặc dù khi sờ qua lớp lá chuối gói giò vẫn còn nóng nhưng khi cắt ra ăn thì thấy mùi thiu. Tôi nghi là giò để lâu ngay nên người bán chỉ luộc lại cho nóng để đánh lừa người mua mà thôi...” – ông Hoạch bức xúc cho biết.

 

Vẫn biết, nhu cầu sử dụng thịt lợn vào thực đơn món ăn hằng ngày của mỗi người, mỗi gia đình vẫn rất lớn. Vì thế, để tìm một địa chỉ bán hàng uy tín cả về giá cả lẫn chất lượng không hề đơn giản. Điều đáng nói, chính vì tâm lý tham rẻ của người tiêu dùng đôi khi lại khiến người tiêu dùng ngậm trái đắng mà rước về những sản phẩm kém chất lượng.

 

Nguồn Laodongthudo


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang