Thứ Bẩy, 27/04/2024 17:26:49 GMT+7

Tin đăng lúc 23-03-2024

Lượt xem: 375

Thái Nguyên quyết liệt tháo gỡ vướng mắc tại các dự án đầu tư

Nhờ kinh tế-xã hội ngày càng phát triển, hạ tầng giao thông thuận lợi, tích cực cải cách thủ tục hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh nên tỉnh Thái Nguyên thu hút nhiều dự án đầu tư công nghiệp, đô thị, dịch vụ... với số vốn rất lớn.
Thái Nguyên quyết liệt tháo gỡ vướng mắc tại các dự án đầu tư
Một nhà máy tại Khu Công nghiệp Sông Công II

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, do nhiều nguyên nhân khác nhau đã làm cho nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc, lãng phí nguồn lực về đất đai, vốn đầu tư.

 

Thời gian vừa qua, các địa phương, các ngành chức năng, nhất là Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai các dự án này.

 

Tháo gỡ ách tắc

 

Khu công nghiệp Sông Công II với diện tích 250 ha, những năm vừa qua đã được chủ đầu tư là Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên cơ bản giải phóng xong mặt bằng và xây dựng hạ tầng khá hoàn thiện, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài và trong nước với số vốn lên đến hàng tỷ USD.

 

Tuy nhiên, do khó khăn, vướng mắc về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, thẩm quyền cho thuê đất, giá thuê đất nên dự án của nhiều nhà đầu tư chưa triển khai được, lâm vào ách tắc thời gian dài, lãng phí nguồn lực đất đai, vốn.

 

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Văn Dương cho biết: “Với sự quyết liệt chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp và các sở, ngành liên quan đã tổ chức rất nhiều cuộc họp để tìm giải pháp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết vướng mắc tại Khu công nghiệp Sông Công II. Đến nửa cuối năm 2023, các vướng mắc về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, thẩm quyền cho thuê đất, giá thuê đất Khu công nghiệp Sông Công II lần lượt được giải quyết, tháo gỡ”.

 

Khi các khó khăn, vướng mắc tại Khu công nghiệp Sông Công II được tháo gỡ, các nhà đầu tư được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép để xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

 

Mặt khác, khi khó khăn, vướng mắc tại khu công nghiệp này được tháo gỡ, ngân sách tỉnh năm 2023 còn thu thêm được hơn 400 tỷ đồng tiền thuê đất.

 

Thời gian gần đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên cũng đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến chuyển đổi đất lúa, gia hạn tiến độ của dự án, thành lập cụm công nghiệp đối với các Dự án Khu sinh thái nghỉ dưỡng phường Phố Cò, Khu dân cư Thành Đồng (Thanh Dong Residence), Khu đô thị Danko Cao Ngan; các Cụm công nghiệp Bá Xuyên, Điềm Thụy, Nguyên Gon; Cây Bòng.

 

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (chủ đầu tư Cụm công nghiệp Cây Bòng) Nguyễn Văn Thời chia sẻ: Với sự quyết liệt của tỉnh, các vướng mắc về đầu tư, chuyển chủ đầu tư đối với Cụm công nghiệp Cây Bòng đã được tháo gỡ để chúng tôi yên tâm đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết thêm nhiều việc làm cho người dân huyện vùng cao Võ Nhai.

 

Đối với các dự án chậm triển khai, tỉnh Thái Nguyên kiên quyết thu hồi để tránh lãng phí nguồn lực về đất đai. Gần đây, tỉnh thu hồi các dự án đầu tư hạ tầng Khu B Khu công nghiệp Điềm Thụy ở huyện Phú Bình, xây dựng Đài Bắc Hotel ở trung tâm thành phố Thái Nguyên để thu hút nhà đầu tư khác.

 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trịnh Việt Hùng cho biết: “Những năm gần đây, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp mỗi năm ít nhất là hai lần; đồng thời chúng tôi chỉ đạo chính quyền tất cả các huyện, thành phố, sở, ngành thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với với các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án của nhà đầu tư. Đến cuối năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giải quyết xong gần 30 dự án có khó khăn, vướng mắc với tổng số vốn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng”.

 

Tiếp tục khơi thông nguồn lực

 

Theo rà soát, thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2023 toàn tỉnh còn gần 60 dự án có khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, ra hạn dự án, pháp lý, giao đất, tài chính..., trong đó có nhiều dự án khu dân cư, đô thị được chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày 1/7/2014 với số vốn đầu tư lớn.

 

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thậm chí ách tắc nhằm tiếp tục khơi thông nguồn lực về đất đai và nguồn vốn lớn mà các nhà đầu tư đang “chôn” tại các dự án, Tổ công tác đặc biệt của tỉnh gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và Tổ giúp việc Tổ công tác do Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập đang rà soát, xem xét 50 dự án để báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý, giải quyết.

 

Khu đô thị hồ Xương Rồng rộng gần 50 ha nằm ở trung tâm thành phố Thái Nguyên, vốn đầu tư ban đầu là hơn một nghìn tỷ đồng, do Công ty cổ phần Sông Đà II làm chủ đầu tư được triển khai đã hơn mười năm, nhưng đến nay vẫn đang dang dở do có nhiều vướng mắc về tài chính, giải phóng mặt bằng dẫn đến đầu tư không đồng bộ, ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.

 

Giám đốc Ban Quản lý dự án Khu đô thị hồ Xương Rồng Lê Minh Cường trần tình: “Dự án đã triển khai nhiều năm, nhưng nhiều vướng mắc chưa tháo gỡ được làm cho dự án bị ách tắc, chưa được ra hạn, nguồn lực của nhà đầu tư bị bào mòn. Chúng tôi đề nghị tỉnh sớm có phương án giải quyết các vướng mắc về tài chính, quyết liệt giải phóng mặt bằng để đầu tư hạ tầng hoàn thiện dự án. Qua đó, khơi thông nguồn lực về đất đai, vốn của nhà đầu tư và góp phần chỉnh trang đô thị thành phố Thái Nguyên”.

 

Dự án Khu đô thị hồ Xương Rồng là một trong số 23 dự án khu dân cư, khu đô thị được chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày 1/7/2014.

 

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Công Việt, đối với 23 dự án này, Tổ công tác đặc biệt của tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đã xem xét rất kỹ, báo cáo, tham mưu cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh tiến độ, tính lại tiền sử dụng đất, thực hiện thủ tục giao đất cho nhà đầu tư theo quy định.

 

Tổ giúp việc đang tiếp tục rà soát, báo cáo, tham mưu Tổ công tác đặc biệt của tỉnh phân công các sở, ngành, đơn vị giải quyết 27 dự án theo thẩm quyền. Các dự án còn lại, tỉnh đang đôn đốc thực hiện quyết toán, thanh tra để có hướng giải quyết, tháo gỡ vướng mắc.

 

Như vậy có thể thấy, thời gian vừa qua, tỉnh Thái Nguyên có nhiều nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ách tắc đối với các dự án đầu tư nhằm khơi thông nguồn lực về đất đai, vốn đầu tư.

 

Tuy nhiên, các nhà đầu tư mong muốn, Tổ công tác đặc biệt của tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải quyết đối với các dự án có khó khăn, vướng mắc tồn tại từ nhiều năm trước nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

 

Theo Nhandan.vn

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang