Thứ Năm, 02/05/2024 10:24:34 GMT+7

Tin đăng lúc 22-04-2022

Lượt xem: 1119

Thái Bình: Nhiều giải pháp thúc đẩy tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nguồn hàng hóa xuất khẩu

Tại đề án đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu phát triển xuất khẩu hàng hóa với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm; Đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tăng sản phẩm chế biến, chế tạo; Chủ động và tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm xuất khẩu …
Thái Bình: Nhiều giải pháp thúc đẩy tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nguồn hàng hóa xuất khẩu
Lĩnh vực CNHT Dệt may thời gian qua được Thái Bình quan tâm phát triển

Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025: Các sản phẩm chủ lực là những mặt hàng có thế mạnh, có sức tiêu thụ ổn định, thị trường đa dạng, có lợi thế cạnh tranh như: May mặc, da giày, xơ, sợi, linh kiện, phụ tùng, sản phẩm kim loại, một số mặt hàng nông nghiệp như gạo, nghêu, rutin hòe...

 

Đối với các sản phẩm chế biến chế tạo, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, khuyến khích xuất khẩu sản phẩm chế biến và chế tạo, các loại sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao; tăng tỷ trọng hàng công nghiệp, đặc biệt là hàng công nghiệp chế tạo như linh kiện và thiết bị ngoại vi; điện tử, viễn thông, vật liệu xây dựng... Xác định phát triển xuất khẩu các mặt hàng mới phù hợp với xu hướng của thị trường thế giới và lợi thế của Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025. Các mặt hàng mới là các mặt hàng chế tạo công nghệ trung bình và công nghệ cao (thiết bị điện tử, cơ khí, máy móc, đồ trang trí nội thất...); tập trung phát triển các mặt hàng này trên cơ sở thu hút mạnh đầu tư trong nước và nước ngoài.

 

Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ; chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, hạ giá thành sản phẩm trên cơ sở áp dụng các giải pháp về khoa học công nghệ.

 

Định hướng đến năm 2030: Nâng quy mô công suất các nhà máy và đổi mới công nghệ, năng lực sản xuất, thiết kế sản phẩm (đối với lĩnh vực dệt may, da giày). Tiếp tục duy trì và hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực truyền thống có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao, tạo nhiều công ăn việc làm, đóng góp ngân sách lớn cho tỉnh; trong đó, tạo mọi điều kiện để các sản phẩm này tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Để thúc đẩy tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nguồn hàng hóa xuất khẩu, Thái Bình cũng đã đề ra các giải pháp như: Thực hiện các chương trình kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng với các doanh nghiệp CNHT nhằm thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng lực, chuyển dần lên các mức cung ứng cao hơn; 

 

Ưu tiên thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có công nghệ hiện đại, ngành sản phẩm thân thiện với môi trường và tiến đến là ưu tiên cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa; thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các doanh nghiệp cung ứng ở bậc cuối trong chuỗi cung ứng toàn cầu (chủ yếu là doanh nghiệp nội địa); 

 

Khuyến khích các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam, kêu gọi các công ty cung ứng đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Có chính sách ưu đãi thích hợp thu hút nguồn vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư phát triển sản xuất CNHT; 

 

Tiếp tục cải thiện cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư ngày càng thông thoáng; ưu tiên, khuyến khích thu hút các dự án sản xuất sản phẩm CNHT áp dụng công nghệ cao, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm và hàng hóa xuất khẩu; 

 

Xây dựng và triển khai các chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội địa trở thành nhà cung ứng cho các công ty đa quốc gia, như: Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp công nghệ thông tin đáp ứng các tiêu chuẩn quy định; Hỗ trợ tìm kiếm và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính trong xây dựng, mua sắm máy móc, đào tạo lao động, kết nối với các cơ quan, tổ chức để chứng nhận các tiêu chuẩn cần thiết; Hỗ trợ các doanh nghiệp lắp ráp, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia trong việc tìm kiếm, phát triển nhà cung cấp tại Việt Nam...

 

Công Du


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang