Thứ Sáu, 03/05/2024 03:37:05 GMT+7

Tin đăng lúc 30-06-2023

Lượt xem: 576

Tetra Pak tích cực đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững

Nhà máy Tetra Pak Bình Dương đã tích cực phối hợp với các đối tác, địa phương của Việt Nam triển khai thành công nhiều chương trình, dự án, sáng kiến thiết thực góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển bền vững tại Việt Nam.
Tetra Pak tích cực đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững
Nhà máy Tetra Pak tại Bình Dương được đầu tư dây chuyền với công nghệ mới, hiện đại hướng tới sản xuất xanh

Được xây dựng vào cuối năm 2017 và chính thức vận hành từ tháng 7-2019, nhà máy trị giá 120 triệu euro, có diện tích 100.000m2 của Tetra Pak đặt tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II-A (Bình Dương), có công suất có thể đạt 20 tỷ hộp giấy mỗi năm. Với đội ngũ hơn 200 nhân viên bản địa tay nghề cao, Tetra Pak Bình Dương sản xuất các hộp giấy tiệt trùng cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN, Australia và New Zealand.

 

Hướng tới mục tiêu giảm phát thải carbon

 

Vừa qua, nhà máy sản xuất hộp giấy đựng đồ uống của Tetra Pak tại Bình Dương đã công bố hoàn thành việc lắp đặt gần 5.900m2 tấm năng lượng mặt trời sau 6 tháng thi công. Điều này đồng nghĩa với việc nhà máy sẽ có gần 1,9 nghìn Mwh năng lượng điện tái tạo mỗi năm từ những tấm quang năng này, giúp giảm hơn 700 tấn khí CO2 thải ra môi trường. Được biết, đây là kết quả thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong toàn bộ hoạt động kinh doanh của Tetra Pak.

 

Theo ông Eliseo Barcas, Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam, Tetra Pak cam kết giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động vận hành của công ty xuống bằng không vào năm 2030. Việc lắp đặt các tấm quang năng trên mái nhà máy lần này không chỉ khẳng định cam kết của Tetra Pak trong việc phát triển bền vững, mà còn hỗ trợ các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống trong việc nâng cao tính bền vững khi sử dụng sản phẩm vỏ hộp giấy của Công ty.

 

Không dừng lại ở đó, nhà máy Tetra Pak tại Bình Dương hiện đang nghiên cứu triển khai nền tảng giám sát năng lượng CEMP (Common Energy Monitoring Platform) kết nối các thông số hoạt động của nhà máy nhằm tối ưu việc sử dụng năng lượng. Trong dài hạn, điều này sẽ giúp nhà máy giảm thiểu việc sử dụng năng lượng không cần thiết, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. 

 

Điểm sáng về phát triển bền vững

 

Năm 2020, nhà máy Tetra Pak  Bình Dương đã nhận chứng chỉ quốc tế LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) phiên bản vàng khắt khe nhất về môi trường được công nhận toàn cầu. Chia sẻ về chứng chỉ danh giá này, ông Magnus Jonsson, Giám đốc Nhà máy Tetra Pak Bình Dương khẳng định: “Phát triển bền vững luôn là nền tảng cho mọi chiến lược kinh doanh và cũng là văn hóa của chúng tôi. Tetra Pak Bình Dương là nhà máy sản xuất bao bì đầu tiên tại Việt Nam đạt được chứng nhận LEED Vàng - Phiên bản 4, phiên bản mới nhất với những tiêu chuẩn khắt khe nhất. Sự kiện này một lần nữa khẳng định cam kết bền vững của chúng tôi, đúng như lời hứa của Tetra Pak: Bảo vệ những điều tốt đẹp”.

 

Theo đó, tòa nhà sản xuất, văn phòng, tòa nhà hỗ trợ và nhà kho của nhà máy đều đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn của chứng chỉ LEED. Nhờ áp dụng các tiêu chuẩn mới nhất của LEED - Phiên bản 4, Nhà máy sản xuất giấy Tetra Pak Bình Dương đã đạt được những giá trị bền vững nổi bật, bao gồm:

 

Phủ xanh 34,6ha diện tích của nhà máy với 31 loại cây khác nhau, giúp tăng lượng ô xy tại nhà máy lên tới 4 lần, tạo môi trường làm việc lành mạnh cho nhân viên và tăng năng suất lao động. Tiết kiệm 17,6 triệu lít nước/năm. Tái sử dụng và tái chế 65% chất thải. Giảm phát thải 4.000 tấn CO2 ra môi trường mỗi năm, tương đương với 200 chuyến bay vòng quanh thế giới.

 

Hơn 70% sản phẩm trong nhà máy đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt về phát thải hợp chất hữu cơ dễ bay hơi và đạt được tiêu chuẩn chất lượng không khí nghiêm ngặt đối với 37 hợp chất. Riêng nồng độ formaldehyd thấp hơn tới 66% so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

 

Song song với việc áp dụng tiêu chuẩn LEED, Nhà máy sản xuất giấy Tetra Pak Bình Dương còn triển khai nhiều tiêu chuẩn quốc tế khác về an toàn, chất lượng và bảo vệ môi trường, như: ISO 9001, ISO 14001, ISO 4500… nhằm hướng tới những tiêu chuẩn cao nhất về môi trường.

 

Hiện nay, gần 100% hộp giấy đựng đồ uống của công ty đều được sản xuất từ nguồn rừng tái sinh, có kiểm soát và được dán nhãn chứng nhận của Hội đồng Bảo vệ rừng thế giới (FSC). 

 

Đầu năm 2023, nhà máy Tetra Pak tại Bình Dương đã được xếp hạng đạt chứng nhận BRCGS hạng AA+, hạng cao nhất theo hệ thống quản lý chất lượng do Hiệp hội Bán lẻ Anh Quốc ban hành.

Hiện nay, Tetra Pak cũng đang tích cực hợp tác với các hội, nhóm cộng đồng vì môi trường tại Việt Nam để thiết lập và mở rộng các điểm thu gom công cộng, giúp người tiêu dùng có thể mang vỏ hộp sữa đến thu gom phục vụ tái chế. 

 

"Chúng tôi cam kết xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, ít phát thải carbon xuyên suốt mọi hoạt động của Tetra Pak tại Việt Nam. Trong đó, việc hợp tác với các nhà tái chế để mở rộng mạng lưới thu gom vỏ hộp giấy đựng đồ uống cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ngành đồ uống và thực phẩm là những hoạt động được Tetra Pak chú trọng triển khai. Thông qua hợp tác với VECA, chúng tôi hướng đến việc thu gom vỏ hộp giấy tại bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào và hình thành một văn hóa tái chế vỏ hộp giấy đã qua sử dụng trong cộng đồng dân cư" - bà Lương Thanh Thư - Giám đốc Phát triển bền vững của Tetra Pak Việt Nam cho biết.

 

Với những đóng góp thiết thực, hiệu quả trong công tác bảo vệ và phát triển bền vững tại Tetra Pak Bình Dương đã góp phần tích cực giúp Việt Nam nhanh chóng thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, phát triển xã hội bền vững gắn chặt với xây dựng môi trường sống tự nhiên hài hòa, thân thiện với con người; giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế đến môi trường; quản lý, khai thác hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là các nguồn tài nguyên không tái tạo được.

 

Theo scp.gov.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang