Thứ Ba, 07/05/2024 19:16:56 GMT+7

Tin đăng lúc 23-07-2016

Lượt xem: 2898

Tăng “pháp trị” với thực phẩm bẩn

Trong 6 tháng đầu năm 2016, do cơ quan chức năng tăng cường giám sát sản phẩm rủi ro cao như thịt, rau, thủy sản nuôi..., tỷ lệ mẫu vi phạm an toàn thực phẩm đã giảm: Rau chỉ có 4,2% mẫu vi phạm; thuốc bảo vệ thực vật 3,98%; thịt 10,93%; hóa chất, kháng sinh, chất cấm, kim loại nặng 1,3%; thủy sản nuôi 1,61%, trong đó chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, chất cấm chiếm 1,41%...
Tăng “pháp trị” với thực phẩm bẩn
Ảnh minh họa

Đó là những con số được đưa ra tại cuộc hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thực thi trách nhiệm trong quản lý chuỗi giá trị nông nghiệp” diễn ra mới đây.

 

Nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, những con số đó vẫn chưa sát thực tế, rất đơn giản bởi số mẫu được kiểm tra là bao nhiêu, có mang tính đại diện cao cho các vùng, lĩnh vực hay không? Đặc biệt, những cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh vi phạm được xử lý ra sao?

 

Nhìn lại năm 2015, các cơ quan chức năng đã phát hiện 77.946 cơ sở chế biến, kinh doanh vi phạm quy định an toàn thực phẩm; 32.060 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông, lâm, thủy sản vi phạm sử dụng chất cấm, hóa chất kháng sinh.

 

Hằng năm, Việt Nam nhập khẩu hơn 100.000 tấn hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật với hơn 5.000 loại, rất khó kiểm soát.

 

Và, hầu như tất cả “tội lỗi” quy về cho nông dân: Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; trình độ, nhận thức hạn chế; lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất trong bảo quản chế biến... Cuối cùng, việc xử phạt nông dân là... bất khả thi.

 

Sự “quy chụp” đó có thể đúng nhưng chưa đủ. Đừng quên, hiện nay kênh thương mại hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại) mới chỉ chiếm trên dưới 20% thị phần, phần lớn thị trường rau quả, thực phẩm do các chợ truyền thống, cửa hàng nhỏ lẻ đảm nhiệm. Ai chịu trách nhiệm về việc quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm lỏng lẻo trong chuỗi sản xuất, chế biến, vận chuyển, bao gói, tiêu thụ? Vì sao rau quả, thực phẩm bẩn vẫn tiêu thụ tràn lan trên thị trường?...

 

Có chuyên gia đưa ra một “nghịch lý”: Tại sao chúng ta bán cho người nước ngoài thực phẩm an toàn để họ ăn mà không làm được cho người nước mình? Bảo đảm an toàn thực phẩm không phải là vấn đề quá cao xa, bất khả thi, bởi Việt Nam đã xuất khẩu rất nhiều nông sản, thủy sản an toàn.

 

Vậy làm gì để xóa bỏ nghịch lý đó? Điều cần làm trước mắt là tăng cường “pháp trị”- sửa đổi luật, tăng mức xử phạt, quyết liệt xử lý đúng luật người vi phạm- mới có thể cải thiện được tình hình. Ai cũng sợ pháp luật, song dường như pháp luật chỉ “giơ cao đánh khẽ” nên chẳng ai sợ?

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang