Thứ Hai, 29/04/2024 18:11:36 GMT+7

Tin đăng lúc 17-12-2023

Lượt xem: 234

Tăng đầu tư hạ tầng logistics, thúc đẩy lưu thông hàng hóa

Hạ tầng logistics Việt Nam ngày càng được cải thiện, góp phần nâng cao năng lực xử lý hàng hóa, thúc đẩy lưu thông hàng hóa nhanh chóng.
Tăng đầu tư hạ tầng logistics, thúc đẩy lưu thông hàng hóa
Hạ tầng logistics Việt Nam ngày càng được cải thiện

Trong thời gian qua, hạ tầng logistics Việt Nam ngày càng được cải thiện, với sự quan tâm đầu tư phát triển của Chính phủ và các Bộ, ngành, doanh nghiệp. Đặc biệt, các tuyến đường cao tốc, các sân bay, bến cảng và trung tâm logistics được xây dựng mới, mở rộng đã góp phần nâng cao năng lực xử lý hàng hóa, thúc đẩy lưu thông hàng hóa nhanh chóng và thuận tiện.

 

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2022 đến nay, hệ thống hạ tầng logistics nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng đã được đầu tư phát triển nhanh, phát huy hiệu quả cao; nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác.

 

Việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, bảo đảm kết nối hài hoà các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

 

Theo thống kê, hiện cả nước có tổng chiều dài đường bộ khoảng 595.201 km, trong đó đường bộ quốc gia (quốc lộ, cao tốc) là 25.560 km (tăng 7,3% so với năm 2017). Song song với chất lượng hạ tầng được cải thiện, chất lượng vận tải đường bộ được nâng cao, giảm đáng kể thời gian đi lại.

 

Mạng lưới đường cao tốc đã đưa vào khai thác khoảng 23 đoạn tuyến, tương đương với 1.239 km; đang triển khai xây dựng khoảng 14 tuyến, đoạn tuyến, tương đương với 840 km.

 

Các tuyến đường cao tốc được đầu tư xây dựng trên các trục giao thông xương sống của khu vực, kết nối liên vùng có sức lan tỏa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng miền và cả nước tạo điều kiện cho kết nối nguồn hàng giữa các địa phương và vận tải đa phương thức phát triển.

 

Trong lĩnh vực đường sắt đã có nhiều nỗ lực, duy trì tình trạng kết cấu hạ tầng để nâng cao an toàn và rút ngắn thời gian chạy tàu. Mật độ đường sắt đạt khoảng 9,5 km/1.000 km2 (là mức trung bình của khối ASEAN và thế giới).

 

Mạng lưới đường sắt quốc gia có tổng chiều dài 3.143 km và có 277 ga, trong đó 2.703 km đường chính tuyến, 612 km đường ga và đường nhánh, bao gồm 7 tuyến chính gồm: Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh (1.726 km), Gia Lâm - Hải Phòng (102 km), Hà Nội - Đồng Đăng (167 km), Yên Viên - Lào Cai (296 km), Đông Anh - Quán Triều (55 km), Kép - Lưu Xá (56 km, không hoạt động), Kép - Hạ Long - Cái Lân (128 km) và một số tuyến nhánh, nhánh kết nối đến các đô thị, cơ sở sản xuất.

 

Mạng lưới đường sắt kết nối với nhau tại khu đầu mối Hà Nội, hiện đi qua địa bàn của 34 tỉnh, thành phố, gồm 4/6 vùng kinh tế của cả nước. Hiện có 02 tuyến kết nối với Trung Quốc tại Đồng Đăng (tuyến liên vận Hà Nội - Đồng Đăng) và tại Lào Cai (tuyến Hà Nội - Lào Cai).

 

Năng lực khai thác trên hầu hết các tuyến đường sắt chính hiện đạt khoảng 17-25 đôi tàu/ngày đêm, tốc độ khai thác tàu khách, tàu hàng trung bình 50-70 km/h. Sản lượng hành khách đường sắt tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm 2023 và doanh thu vận tải tăng 138,92% so cùng kỳ 2022.

 

Đới với đường thủy nội địa, năng lực kết cấu hạ tầng đã được nâng cao nhờ việc tập trung đầu tư nâng cấp cải tạo một số tuyến tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời, với việc đưa vào sử dụng một số công trình chỉnh trị cửa sông, kênh, âu tàu lớn, hiện đại và một số cảng đầu mối container kết hợp cảng cạn ở phía Nam và phía Bắc.

 

Tổng chiều dài đường thủy nội địa toàn quốc đang quản lý khai thác 17.026 km. Trên mạng lưới đã quy hoạch 45 tuyến vận tải thủy chính: Miền Bắc có 17 tuyến, miền Trung có 10 tuyến, miền Nam có 18 tuyến. Ngoài ra, đã quy hoạch 21 tuyến vận tải sông biển (khu vực miền Bắc có 6 tuyến, miền Trung có 4 tuyến, miền Nam có 11 tuyến và một số tuyến đi chung luồng hàng hải). Toàn quốc có 292 cảng thủy nội địa: 217 cảng hàng hóa, 12 cảng hành khách, 2 cảng tổng hợp và 63 cảng chuyên dùng. Ngoài ra còn có khoảng 8.200 bến thủy nội địa và hơn 2.500 bến khách ngang sông.

 

Hiện, Việt Nam đang hoàn thiện Đề án “Nâng cao năng lực vận tải container trên tuyến đường thuỷ nội địa Bắc Ninh - Hải Phòng” với mục tiêu phát triển vận tải container bằng đường thuỷ nội địa theo hướng tăng thị phần vận tải thuỷ nội địa; xây dựng phương án tuyến vận tải container từ cảng biển khu vực Hải Phòng - Hà Nội, Lạch Huyện - Hà Nam, Hưng Yên.

 

Về hệ thống cảng biển Việt Nam, hiện có 286 bến cảng, phân bố theo 5 nhóm cảng biển, tổng chiều dài cầu cảng hơn 96 km. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2022 đạt trên 733 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021.

 

Đặc biệt, đã hình hành các cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế tại phía Bắc và phía Nam; tiếp nhận thành công tàu container đến 132.000 DWT tại khu bến Lạch Huyện (Hải Phòng), đến 214.000 DWT tại khu bến Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu).

 

Việt Nam đã thiết lập được 32 tuyến, trong đó 25 tuyến vận tải quốc tế và 7 tuyến vận tải nội địa, trong đó ngoài các tuyến nội Á, khu vực phía Bắc đã khai thác 2 tuyến đi Bắc Mỹ; phía Nam đã hình thành được 16 tuyến tàu xa đi Bắc Mỹ và châu Âu vượt trội hơn các nước khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Malaysia và Singapore).

 

Hầu hết các cảng gắn liền với các trung tâm, các vùng kinh tế lớn của cả nước, đã hình thành các cảng biển lớn với vai trò là đầu mối phục vụ xuất nhập khẩu hàng hoá và tạo động lực phát triển toàn vùng.

 

Trong bảng xếp hạng 100 cảng container năm 2022 có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới theo công bố của Tạp chí Lloyd’s List (Anh), Việt Nam có 3 cảng lọt trong top này gồm: Lạch Huyện (Hải Phòng), Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) và Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu).

 

Bên cạnh đó, hiện ngành giao thông vận tải đang triển khai Đề án phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam; quyết liệt thực hiện việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia đối với 11 thủ tục hành chính lĩnh vực hàng hải tại 22 cảng vụ hàng hải.

 

Về đường hàng không, hiện cả nước có 22 cảng hàng không đang khai thác với tổng diện tích khoảng 11.859 ha; trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không quốc nội. Trong đó 7 cảng hàng không ở miền Bắc. 07 cảng hàng không ở miền Trung và 08 cảng hàng không ở miền Nam.

 

Hiện có 5 hãng hàng không Việt Nam: Vietnam Airlines (bao gồm VASCO), Vietjet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airways và Vietravel Airlines khai thác vận chuyển hàng hoá kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách và chưa có hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng. Trong khi đó, hiện có 29 hãng hàng không nước ngoài khai thác tàu bay chuyên chở hàng hóa từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam.

 

Theo đánh giá của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam hiện đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động vận tải hàng không cơ bản đáp ứng nhu cầu của hành khách.

 

Về trung tâm logistics, hiện cả nước có 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp. Các trung tâm logistics hạng I, hạng II, các trung tâm logistics chuyên dụng theo quy hoạch tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015 của Thủ tướng Chính phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến 2020, định hướng đến năm 2030 đang được các tỉnh, thành phố tập trung triển khai, kêu gọi đầu tư xây dựng.

 

Trong đó, có nhiều trung tâm logistics thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0. Cùng với làn sóng gia tăng của các doanh nghiệp thương mại điện tử với nhu cầu thuê mặt bằng phục vụ lưu giữ, phân loại hàng hóa, hoàn tất đơn hàng..., nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt xu thế, xây dựng và đầu tư hệ thống kho, trung tâm logistics với chức năng cung ứng dịch vụ vận tải, hoàn tất đơn hàng, phân phối... theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại với chất lượng cao.

 

Cơ sở hạ tầng logistics đóng một vai trò rất quan trọng trong việc lưu thông hàng hóa và tác động đến các chuỗi cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp, thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa các vùng, các quốc gia. Vì vậy, đầu tư vào hạ tầng logistics sẽ giúp nâng cao năng lực hệ thống logistics, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ logistics và nâng cao giá trị gia tăng. Từ đó sẽ làm tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 

Năm 2022, sản lượng vận tải hàng hóa đạt khoảng 2.009 triệu tấn, tăng 23,7% so với cùng kỳ; luân chuyển hàng hóa đạt khoảng 441,3 tỷ tấn/km, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung, 9 tháng năm 2023, vận tải hàng hóa ước đạt 1.686,2 triệu tấn hàng hóa, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 359,8 tỷ tấn/km, tăng 12,5%.

 

Theo Congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang