Thứ Bẩy, 11/05/2024 17:16:11 GMT+7

Tin đăng lúc 07-05-2019

Lượt xem: 1389

Tăng cường kết nối doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo Việt Nam - Trung Quốc

Trung Quốc là thị trường có nhu cầu tiêu thụ gạo lớn nhưng việc xuất khẩu vào nước này của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang gặp nhiều rào cản về chất lượng và các quy định liên tục thay đổi. Chính vì vậy, tăng cường kết nối giao thương với phía Trung Quốc thông qua các tọa đàm, khảo sát thực tế sẽ giúp DN gạo Việt nắm bắt nhu cầu thị trường và có hoạch định sản xuất phù hợp.
Tăng cường kết nối doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo Việt Nam - Trung Quốc
Doanh nghiệp hai nước tham dự tọa đàm sáng ngày 6/5

Tại Tọa đàm giao thương xuất nhập khẩu gạo Việt Nam - Trung Quốc diễn ra ngày 6/5/2019, tại TP. Hồ Chí Minh do Bộ Công Thương phối hợp cùng Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Hiệp hội Lương thực Trung Quốc tổ chức, ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết: Xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm 2019 ước đạt 2,03 triệu tấn, trị giá đạt 866 triệu USD, giảm 7,9% về lượng và giảm 21,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Giá gạo xuất khẩu trung bình cũng giảm khoảng 72,7 USD/tấn và ở mức 430,1 USD/tấn.

 

Theo thống kê của liên Bộ, trong các thị trường xuất khẩu chỉ có Philippines và châu Phi tăng trưởng mạnh, hai thị trường truyền thống là Trung Quốc, Indonesia đã sụt giảm đáng kể. Trong đó Trung Quốc vốn là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam nhưng các tháng qua chỉ đạt 43,3 nghìn tấn (giảm 89,5%) với trị giá 20,8 triệu USD (giảm 90,4% so với cùng kỳ).

 

Để giúp DN Việt Nam tiếp cận nhà nhập khẩu Trung Quốc, chúng tôi đã tổ chức buổi tọa đàm ngày hôm nay nhằm kết nối cho DN hai bên tìm hiểu và nắm được nhu cầu của nhau, giúp DN Việt cung cấp sản phẩm gạo trực tiếp cho thương nhân Trung Quốc, giảm các khâu trung gian; qua đó thúc đẩy xuất khẩu gạo vào Trung Quốc ổn định trong thời gian tới”, ông Toản cho biết.

 

 

Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá kết quả xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm 2019


Trên thực tế, mặc dù là thị trường lớn, có nhu cầu tiêu thụ lúa gạo cao nhưng việc tiếp cận thị trường Trung Quốc của nhiều DN lúa gạo Việt Nam trong thời gian qua vẫn gặp không ít rào cản. Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - chia sẻ: Trung Quốc là thị trường quan trọng của ngành hàng lúa gạo Việt Nam với mức xuất khẩu lúc cao nhất trên 3 triệu tấn. Tuy nhiên từ năm 2018, xuất khẩu sang nước này đã giảm mạnh và chỉ còn 1,3 triệu tấn.

 

Theo ông Đỗ Hà Nam, trước đây, việc xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu qua biên mậu, nay Trung Quốc có thay đổi trong chính sách nhập khẩu nên chỉ những DN được nước này cấp phép mới đủ điều kiện xuất khẩu. Việc này đã tạo rào cản với hai bên, nhất là DN sản xuất không đạt chuẩn mà phía Trung Quốc đưa ra.

 

"Để tăng cường xuất khẩu vào Trung Quốc, chúng tôi cần kênh thông tin thường xuyên cung cấp 2 chiều về thị trường lúa gạo của Việt Nam cũng như Trung Quốc, có thể là hàng tuần hoặc hàng tháng do Cục Xuất nhập khẩu, Tham tán thương mại và Hiệp hội Lương thực Trung Quốc cập nhật. Chúng tôi cũng mong muốn tăng cường tiếp xúc DN 2 bên như chuyến đi khảo sát lần này của phái đoàn thương nhân Trung Quốc đồng thời có sự gắn bó chặt chẽ hơn giữa hai Hiệp hội qua việc ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Ngoài 22 DN xuất khẩu gạo đã được cấp phép chúng tôi mong muốn Chính phủ Trung Quốc mở rộng thêm cho các DN khác có đủ tiêu chuẩn” - ông Đỗ Hà Nam đề xuất.

 

 

Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Hiệp hội Lương thực Trung Quốc bắt tay hợp tác


Đại diện DN Việt Nam, ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) - khẳng định: Tính đến nay, 22 DN Việt được cấp chứng nhận xuất khẩu vào Trung Quốc đều có cánh đồng sản xuất theo chuỗi và có nhà máy chế biến hiện đại nên nhà nhập khẩu có thể yên tâm sản phẩm gạo xuất đi đều đạt chất lượng cao. Vì vậy, DN Việt Nam mong phía thương nhân Trung Quốc cung cấp cụ thể hơn về sản lượng nhập khẩu, loại gạo cần nhập khẩu để có hướng sản xuất phù hợp.

 

 

Ông Lưu Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Trung Quốc, Trưởng đoàn DN Trung Quốc chia sẻ về nhu cầu nhập khẩu của nước này trong năm 2019


Tham gia buổi tọa đàm, ông Lưu Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Trung Quốc, Trưởng đoàn DN Trung Quốc - cho hay, Trung Quốc đang có nhu cầu về các chủng loại khác nhau của mặt hàng gạo. Đoàn Trung Quốc đến Việt Nam lần này có 14 DN từ 6 tỉnh như Thâm Quyến, Tô Giang, Nam Ninh… và tất cả đều đã được phân bổ hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2019. “Nếu có cơ hội, tôi thực sự hy vọng Hiệp hội lương thực Trung Quốc và Hiệp hội lương thực Việt Nam có thể ký kết bản ghi nhớ hợp tác để tăng cường hỗ trợ DN hai bên”, ông Lưu Anh nhấn mạnh.

 

Theo Cục Xuất nhập khẩu, năm 2019, lượng hạn ngạch nhập khẩu gạo của Trung Quốc vẫn ở mức 5,32 triệu tấn, trong đó 2,66 triệu tấn gạo hạt dài, 2,66 triệu tấn gạo hạt tròn. Nguồn cung cấp từ các nước trong đó chủ yếu là Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Myanmar; 50% phân bổ cho các DN quốc doanh và 50% còn lại phân bổ cho các DN ngoài quốc doanh. Đến cuối tháng 2/2019, các DN Trung Quốc đã nhận được hạn ngạch được phân bổ. Chính vì thế, việc đoàn DN Trung Quốc đến Việt Nam lần này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh cho DN xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường nước này.

 

Tọa đàm Giao thương xuất nhập khẩu gạo Việt Nam – Trung Quốc nằm trong chuỗi hoạt động kết nối giao thương giữa DN gạo hai nước, diễn ra từ ngày 6 – 9/5. Chương trình do Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh và các đơn vị: Sở Công Thương tỉnh An Giang, Long An, Đồng Tháp, Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Lương thực Trung Quốc tổ chức.

 

Theo congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang