Thứ Hai, 29/04/2024 07:40:23 GMT+7

Tin đăng lúc 10-11-2023

Lượt xem: 348

Sử dụng AI an toàn và có trách nhiệm

Những triển vọng về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như quan ngại về rủi ro từ công nghệ này, đã trở thành chủ đề nóng trong thế giới công nghệ kể từ khi “bom tấn” ChatGPT ra mắt cách đây một năm.
Sử dụng AI an toàn và có trách nhiệm

Phát biểu tại hội nghị các nhà phát triển tại thành phố San Francisco, bang California (Mỹ) mới đây, Giám đốc điều hành (CEO) OpenAI - ông Sam Altman khẳng định: “Chúng ta sẽ có thể làm được nhiều hơn, sáng tạo hơn và có được nhiều thành quả hơn nữa. Khi trí tuệ nhân tạo được kết nối ở mọi nơi, tất cả chúng ta sẽ có được siêu năng lực theo yêu cầu”.

 

Tuy nhiên, để bảo đảm AI phục vụ hữu hiệu cho đời sống con người, song vẫn hạn chế được những rủi ro từ công nghệ này, cộng đồng quốc tế đang thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ để tăng cường quản lý và sử dụng AI an toàn, có trách nhiệm.

 

Công ty OpenAI, cha đẻ của công cụ trò chuyện ChatGPT, đang nỗ lực thu hút các nhà phát triển với chi phí thấp hơn và có khả năng hiệu chỉnh dễ dàng tính năng của các “trợ lý” AI hỗ trợ xử lý mọi tác vụ.

 

OpenAI đang phát triển các “trợ lý” theo yêu cầu - được gọi là “GPT” - có khả năng xử lý các nhiệm vụ cụ thể, như tư vấn giặt là, đàm phán kinh doanh, trợ giúp làm bài tập về nhà, hỗ trợ các vấn đề kỹ thuật...

 

Trong một bài đăng trên trang cá nhân, OpenAI nêu rõ: “Bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng xây dựng GPT của riêng mình mà không cần mã hóa. Bạn có thể tạo chúng cho chính mình, chỉ để sử dụng trong nội bộ công ty hoặc cho tất cả mọi người”.

 

Theo kế hoạch, OpenAI sẽ ra mắt một “cửa hàng GPT” vào cuối tháng này - giống như mô hình cửa hàng ứng dụng App Store của Apple hiện nay - và tạo điều kiện để các nhà phát triển có thể kiếm doanh thu dựa trên số lượng người sử dụng GPT của họ.

 

Những động thái mới nhất của OpenAI được đánh giá sẽ giúp tạo giao diện AI đàm thoại trong ứng dụng hoặc tại trang web trở nên dễ dàng hơn, mở ra cơ hội lựa chọn cho nhiều công ty hơn. Đây là một trong những bước tiến trong ứng dụng AI vào đời sống và cho thấy tiềm năng lớn của AI.

 

Những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực AI đang đem lại những lợi ích, song bên cạnh đó, ngày càng có nhiều lo ngại chung quanh công nghệ mới nổi này, như tình trạng mất việc làm, các cuộc tấn công mạng, đến khả năng con người duy trì quyền kiểm soát các hệ thống sử dụng AI trong tương lai.

 

Việc AI phát triển nhanh chóng có thể gây ra những hậu quả lâu dài trong mọi lĩnh vực (việc làm, văn hóa...) trong khi việc tập trung vào một số quốc gia và công ty có thể làm gia tăng căng thẳng địa chính trị.

 

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo, thực trạng này có thể làm trầm trọng thêm bất bình đẳng đang diễn ra trên thế giới. Theo báo cáo được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 6/11, ngày càng có nhiều người lo ngại về những nguy cơ đạo đức do các ứng dụng AI đang nở rộ gây ra nhưng các chủ sử dụng lao động lại dành rất ít sự quan tâm cho vấn đề này trong khâu tuyển dụng.

 

Ở phần lớn các quốc gia, chưa đến 1% các vị trí việc làm cần tuyển dụng có đề cập tới các từ khóa liên quan đạo đức AI. CEO của SpaceX và Tesla, tỷ phú Elon Musk thừa nhận lĩnh vực AI đang phát triển nhanh chóng là một trong những rủi ro hiện hữu mà thế giới phải đối mặt.

 

Ông Musk cảnh báo, AI có thể thực hiện những điều ước của con người, nhưng sẽ đến lúc “robot giống con người” này sẽ khiến con người khó tìm thấy ý nghĩa cuộc sống khi chúng làm thay mọi việc trong mọi lúc, ở mọi nơi.

 

Nhấn mạnh thế giới cần đi trước làn sóng AI, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới phản ứng thống nhất, bền vững, toàn cầu trước các nguy cơ từ AI. Hội nghị thượng đỉnh về AI diễn ra tại Anh vừa qua đã ra tuyên bố chung về an toàn AI, theo đó Liên minh châu Âu (EU) và 28 quốc gia tham gia hội nghị đã thống nhất thúc đẩy nỗ lực toàn cầu mới để bảo đảm AI được sử dụng an toàn.

 

Hội nghị nhất trí rằng, cố ý lạm dụng AI với những năng lực đặc biệt hoặc vô ý quản lý AI chưa chặt chẽ có thể dẫn đến những nguy cơ tiềm tàng, thậm chí là thảm kịch, trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, đặc biệt phải kể đến như an ninh mạng, công nghệ sinh học, tin giả.

 

Tuyên bố nêu rõ, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào tạo ra những năng lực AI có sức mạnh đặc biệt và tiềm ẩn nguy cơ phải chịu trách nhiệm đặc biệt trong bảo đảm mức độ an toàn của những hệ thống này. Hiểu rằng AI có nhiều tiềm năng và nguy cơ mà ngay cả người phát triển cũng không nắm hết, các nước nhất trí tiếp tục phối hợp để thúc đẩy nghiên cứu khoa học về an toàn AI.

 

Theo Nhandan


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang