Thứ Sáu, 26/04/2024 16:12:23 GMT+7

Tin đăng lúc 03-01-2021

Lượt xem: 717

Sôi động thị trường đồ khô cận Tết, hàng đặc sản “lên ngôi”

Còn khoảng một tháng rưỡi nữa mới đến Tết Nguyên đán 2021 nhưng thị trường đồ khô thiết yếu phục vụ Tết như: Măng khô, nấm hương, miến, mộc nhĩ… đã rục rịch tăng giá. Đặc biệt, các mặt hàng đặc sản Tây Bắc được người dân săn đón dù giá cao hơn so với các mặt hàng thông thường.
Sôi động thị trường đồ khô cận Tết, hàng đặc sản “lên ngôi”
Cửa hàng đồ khô có khoảng 5-6 loại măng cho khách hàng lựa chọn.

Chưa đến tháng Chạp âm lịch, bà Đỗ Thị Chung (Cầu Giấy, Hà Nội) đã đi chợ mua vài món đồ khô chuẩn bị Tết vì năm nay đồ khô về nhỏ giọt, không mua nhanh tết sẽ “cháy hàng”. Bà nhận thấy giá các mặt hàng thực phẩm khô phục vụ ngày Tết như măng khô, nấm hương, miến, mộc nhĩ, lạc, đỗ xanh... bắt đầu tăng từ 10 - 20.000 đồng so với tháng trước. Ngay cả những loại gia vị như hạt tiêu, hành, tỏi… cũng rục rịch lên giá.

 

Đồ khô nội địa "lên ngôi"

 

Bà Chung cho biết trước Tết măng khô loại ngon mới có giá 250.000 đồng/kg, miến 70.000 đồng/kg, nấm hương 200.000 đồng/kg, mộc nhĩ 150.000 đồng/kg. Thế nhưng nay giá các mặt hàng đã tăng đáng kể. Cụ thể, măng khô tăng lên 300.000 đồng/kg, miến Hà Nội có giá 70.000-80.000 đồng/kg, miến Bắc Kạn, Cao Bằng dao động 90.000-110.000 đồng/kg, nấm hương rừng 300.000 đồng/kg, mộc nhĩ 170.000 đồng/kg.


Theo các tiểu thương, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng đồ khô Trung Quốc không được nhập về nhiều nên giá “chát” hơn mọi năm. Người bán hàng cũng tiết lộ, hàng Trung Quốc thua xa Việt Nam về mùi thơm và hương vị.

 

“Người Hà Nội sành ăn nên họ dễ dàng nhận biết các loại gia vị, đồ khô là hàng chuẩn hay hàng Trung Quốc, hàng mới hay cũ. Vì vậy, tôi cũng không ham rẻ nhập hàng Trung Quốc vì không bán được hoặc bán rất chậm." Bà Chung nói.

 

Vừa nhập vài miến, mộc nhĩ, nấm hương ở Bắc Kạn, Yên Bái, Cao Bằng, Sapa… chị Vy - một tiểu thương chợ Đồng Xuân phấn khởi khi hàng hóa bán “đắt như tôm tươi”, có người mua ăn thử 1-2 lạng ăn thử rồi mua vài cân tích trữ.

 

Năm nay, măng khô vẫn giữ giá ổn định ở mức 300.000 đồng/kg, miến dong thì tăng nhẹ, chỉ có hạt tiêu thì tăng hơn vài giá, khoảng 250.000/kg. Nấm hương ngày thường chỉ bán tầm 270.000 đồng/kg loại ngon nấu canh, loại băm chả nem thì 160.000 đồng. Gần Tết, giá nhập cũng tăng, đẩy giá lên 300.000-320.000 đồng loại ngon, 200.000 đồng/kg loại hai, loại ba”, chị Vy cho biết.

 

Với những lời mời chào hấp dẫn “đắt xắt ra miếng”, “không ngon trả lại tiền” và thói quen thích đồ đặc sản vùng miền, nhiều khách hàng vẫn vui vẻ rút hầu bao dù giá có nhỉnh hơn một chút.

 

Ghi nhận của PV Thời báo Kinh doanh cho thấy, miến dong xuất xứ Bắc Kạn giá xuất đi khoảng 60.000-80.000 đồng/kg, măng khô xuất xứ Sơn La giá bán buôn có giá 200.000-230.000 đồng/kg, măng rối có giá 130.000-150.000 đồng/kg. Như vậy, các tiểu thương gom hàng sớm, bán chênh lệch 30.000-70.000 đồng/kg cũng có thể thu về hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu trong vụ Tết.


Gom hàng bằng nhiều hình thức

 

Ông Quang, chủ cơ sở giò chả trên phố Trần Xuân Soạn cho biết: Nhà ông bán các loại giò, chả, món ăn cổ truyền vào dịp Tết như giò thủ, thịt đông, giò bò, giò lụa… Hàng hóa làm ra không đủ bán, năm nào cũng cháy hàng đến lúc giao thừa nên ông thường xuyên mua nấm hương, mộc nhĩ, tiêu, hành... với khối lượng lớn, lên tới vài tạ về tích trữ, làm hàng bán dần.

 

“Từng bị tiểu thương ép giá những ngày giáp Tết, làm hàng chẳng có lãi nên nhiều năm nay tôi luôn chuẩn bị đồ khô trước 1-2 tháng. Nhà tôi làm hàng số lượng lớn nên mua thời điểm này giá dù có tăng nhưng vẫn ổn, chưa kể sẽ chọn được hàng ngon. Đặc biệt, đồ khô chỉ cần bảo quản chỗ khô ráo có thể dùng đến hết tháng giêng”, ông Quang lý giải.

 

Trước đây, một tuần ông chỉ đi chợ đầu mối 1 lần mua 10 kg đồ khô đủ dùng cho cả tháng. Riêng lần này, số lượng hàng hóa tăng chọn mua số lượng gấp 10 lần để dùng thoải mái trong 2 tháng Tết.

 

Những đồ khô bình ổn quanh năm, chỉ cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch bắt đầu nhỉnh lên do nhu cầu mua sắm Tết của người dân tăng. Dù bạn hàng thân thiết cũng chỉ bớt được cho 1-2 giá. Lúc đi chợ mang cả chục triệu mà lúc về còn mỗi vài chục ngàn tiền lẻ, ông Quang cho hay.

 

Theo ghi nhận của PV, thị trường "chợ mạng" cũng bắt đầu sôi động, chị em văn phòng tranh thủ mua sớm chuẩn bị Tết. Các chương trình giảm giá 10%, 20% miễn phí ship khiến số lượng hàng hóa bán ra tăng vọt.

 

Ban ngày đi làm, tối về phải chăm con nhỏ nên những ngày cận Tết luôn là nỗi ám ảnh với chị Chi, nhân viên văn phòng tại Thanh Xuân, Hà Nội. “Mình không muốn những ngày giáp Tết "tay xách nách mang", chen chúc tại siêu thị nên đã liệt kê các mặt hàng, đồ khô cần mua cho 3 ngày Tết. Chỉ cần tranh thủ 1 tiếng ngủ trưa, trong nhà bây giờ đã có đủ 3kg miến dong, 1kg măng, mộc nhĩ, nấm, trà, bánh kẹo…”, chị Chi khoe.

 

Khi được hỏi về làm sao để đảm bảo mua được hàng chuẩn, hàng ngon, chị Chi tiết lộ dù mua online cũng hên xui nhưng kinh nghiệm là chọn các shop có nhiều lượt đánh giá, phản hồi, tỷ lệ hàng chuẩn cũng lên tới 70%, giá cả cũng hợp lý, miến 80.000-100.000 đồng/kg, măng 250.000-280.000 đồng/kg không chênh lệch quá nhiều so với siêu thị.

 

Theo Thời báo kinh doanh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang