Thứ Sáu, 26/04/2024 16:08:38 GMT+7

Tin đăng lúc 03-01-2023

Lượt xem: 690

Siết chặt quản lý, xử lý hành vi kinh doanh thực phẩm "bẩn"

Nhiều vụ kinh doanh thực phẩm "bẩn" đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, không ít đối tượng vẫn bất chấp tiếp tay cho hành vi này.
Siết chặt quản lý, xử lý hành vi kinh doanh thực phẩm "bẩn"
Quản lý thị trường Cần Thơ phát hiện lượng lớn chả cá dương tính với hàn the qua test nhanh

Vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp

 

Pháp luật hiện hành đã có đầy đủ chế tài đối với tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm "bẩn". Về xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định rõ một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có thể bị xử phạt hành chính đến 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức, cùng các hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 1 đến 6 tháng, đình chỉ hoạt động có thời hạn... Nếu vi phạm nghiêm trọng còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 317, Bộ luật Hình sự.

 

Dù vậy, trên thực tế, tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, không ít doanh nghiệp sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính vẫn tái diễn hành vi buôn bán, kinh doanh thực phẩm "bẩn". Theo số liệu thống kê của lực lượng Quản lý thị trường, trong 10 tháng năm 2022, lực lượng đã kiểm tra 4.331 vụ, xử lý 3.321 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 12,63 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 16,45 tỷ đồng.

 

Điển hình, triển khai thực hiện kế hoạch, Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát các tháng cuối năm 2022; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 đối với các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết Nguyên đán như bánh kẹo, đường cát, hoa quả, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm qua chế biến, bao gói sẵn... vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường thành phố Cần Thơ phối hợp với Công an thành phố kiểm tra đột xuất Cơ sở kinh doanh chả cá K.A, trên đường Nguyễn Khuyến, phường An Cư, quận Ninh Kiều. Đoàn kiểm tra phát hiện có 02 loại chả cá mè, không có ghi nhãn hàng hóa: 01 loại có số lượng 147 kg, giá bán 50.000 đồng/ký; 01 loại có số lượng 60 kg, giá bán 50.000đồng/ký.

 

Cụ thể, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra nhanh Hàn the (BK04 của Viện khoa học và Công nghệ, Bộ Công an) đối với 02 mẫu chả cá mè, Đoàn Kiểm tra phát hiện, loại số lượng 147 kg có kết quả âm tính, còn loại có số lượng 60 kg có kết quả dương tính. Ngay sau đó, Đoàn kiểm tra đã lấy 02 mẫu chả cá để gửi đơn vị kiểm nghiệm xác định chất phụ gia thực phẩm và liều lượng sử dụng của chất phụ gia nhằm làm căn cứ xử lý theo quy định.

 

Hồi đầu tháng 12, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với công an thành phố kiểm tra, tạm giữ gần 1,2 tấn thực phẩm là ức vịt và cánh gà đông lạnh không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại một hộ kinh doanh tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm.

 

Trước đó, vào đầu tháng 10/2022, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) triệt phá một kho hàng thực phẩm đông lạnh với quy mô cực lớn tại địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong các thùng hàng chủ yếu chứa các sản phẩm thực phẩm đã qua sơ chế, gồm có: chân gà, móng lợn, dê muối và nhiều đùi lợn muối Tây Ban Nha… Tất cả sản phẩm đều có xuất xứ ở nước ngoài và đều là lô hàng 3 không: không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch và không được cấp phép nhập khẩu theo quy định. Đáng chú ý, bằng mắt thường rất khó phát hiện ra số hàng này là thực phẩm bẩn nhưng trên tem mác cho thấy nhiều thực phẩm đã hết hạn từ 1 năm, thậm chí là gần 2 năm.

 

Càng gần Tết, thực phẩm không rõ nguồn gốc, quá hạn nhập vào Việt Nam càng nhiều vì nhu cầu tiêu thụ cuối năm thường tăng cao. Thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được tuồn vào nội địa nhiều nhất qua đường bộ. Từ các tỉnh giáp biên giới, hàng lậu được đưa vào tiêu thụ sâu trong nội địa nếu không được ngăn chặn kịp thời.

 

Xử lý nghiêm vi phạm

 

Ðể góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán sắp đến, các cơ quan chức năng, ban ngành liên quan tập trung kiểm tra thường xuyên những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp cuối năm như thịt, các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, bánh, mứt...

 

Theo bà Chu Thị Thu Hương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, an toàn thực phẩm là lĩnh vực trọng tâm trong quá trình kiểm tra, giám sát thị trường đối với lực lượng. Trong suốt thời gian qua, Tổng cục đã thường xuyên chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường quản lý địa bàn, chủ động phát hiện, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, kém chất lượng để không sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm và kịp thời cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực có dấu hiệu vi phạm đến các cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Để góp phần bảo vệ sức khỏe người dân an tâm vui xuân đón Tết, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-TCQLTT ngày 07/11/2022 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quỹ Mão năm 2023. Đồng thời, lãnh đạo Tổng cục yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và thực phẩm nói riêng.

 

Cùng với đó, đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm online, Tổng cục Quản lý thị trường cũng như những cơ quan chức năng liên quan đã có kế hoạch kiểm tra, hậu kiểm đối với sản phẩm thực phẩm được bán ra thị trường nhất là trên môi trường số rất cụ thể, chi tiết. Để hạn chế các hành vi vi phạm, cần nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cao hơn nữa để tạo tính răn đe, bảo đảm tính tuân thủ pháp luật. Đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm đối với thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm ngăn chặn vấn nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn thường có chiều hướng gia tăng trong dịp cuối năm, lễ, tết.

 

Bên cạnh đó, Tổng cục Quản lý thị trường cũng khuyến cáo người tiêu dùng khi mua thực phẩm nên chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, không ham rẻ mà dễ bị mua phải những thực phẩm bẩn trà trộn, có nguy cơ gây hại cho bản thân và gia đình.

 

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 394/TB-VPCP ngày 30/12/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm. Theo kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm theo đúng quy định, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2023 sắp tới. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ, ngành địa phương kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp, đề ra chỉ tiêu, vận động các đoàn thể vào cuộc để xử lý có hiệu quả việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong hoạt động giết mổ, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ; Tiếp tục chấn chỉnh, siết chặt hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội...

 

Theo Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang