Thứ Bẩy, 27/04/2024 05:32:47 GMT+7

Tin đăng lúc 05-11-2020

Lượt xem: 732

Sẽ rà soát, siết chặt quản lý, hạn chế tiêu cực của thuỷ điện nhỏ và vừa

Trước các ý kiến đại biểu Quốc hội về việc kiểm tra, rà soát các thuỷ điện nhỏ và vừa tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã cung cấp thêm thông tin, tiếp thu và đưa ra định hướng thực hiện trong thời gian tới.
Sẽ rà soát, siết chặt quản lý, hạn chế tiêu cực của thuỷ điện nhỏ và vừa
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại phiên thảo luận chiều 4/11

Đề xuất rà soát các dự án thủy điện nhỏ và vừa

 

Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng, thiên tai bão lụt ở miền Trung thời gian qua có liên quan đến diện tích rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn bị thu hẹp, đòi hỏi việc trồng rừng tái sinh cần được triển khai ngay, giảm nhẹ thiệt hại do mưa lũ gây ra; bởi có rừng sẽ giữ được nguồn nước, giảm nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất.

 

Bà Nguyễn Thị Xuân cũng đề nghị Chính phủ bố trí vốn cho rừng trồng tái sinh, đồng thời đánh giá lại việc đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ tại các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc; cân nhắc loại bỏ các dự án thủy điện vừa và nhỏ không hiệu quả, thiếu tính khả thi ra khỏi Quy hoạch điện đến năm 2030. Tiếp tục đánh giá hiệu quả của các dự án thủy điện nhỏ và vừa trong cả nước để có quy hoạch phát triển điện hiệu quả bền vững; Quốc hội cũng cần có chuyên đề giám sát việc trồng rừng thay thế của các dự án xây dựng hồ đập và thủy điện trong những năm qua.

 

Cùng quan điểm này, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề nghị Chính phủ rà soát lại toàn bộ hệ thống hồ đập, các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên cả nước, đánh giá tác động của các dự án này như thế nào đến môi trường. Từ đó có giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập và có thông tin rộng rãi để nhân dân yên tâm.

 

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, thủy điện không làm tăng lũ nhưng thủy điện làm mất rừng là tác nhân khiến lũ dữ dội hơn và tàn phá nặng nề hơn. Do đó, Chính phủ cần kiên quyết chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá đầy đủ trực trạng rừng hiện nay, đặc biệt chất lượng rừng; tình hình thực hiện các dự án thủy điện nhỏ, nhất là ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên để có giải pháp căn cơ và lâu dài. Đồng thời đề nghị Quốc hội tăng cường các cuộc giám sát tối cao để có các quyết sách mạnh mẽ về mục tiêu, giải pháp, nhất là kiên quyết dừng, loại bỏ các dự án không hiệu quả, không đảm bảo an toàn, làm ảnh hưởng đến rừng, đặc biệt là diện tích rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên, tác động đến chế độ dòng chảy, dòng chảy tự nhiên, môi trường và đời sống người dân.

 

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) đề nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ xem xét đầu tư các công cụ quan sát, đo đếm các chỉ báo cần thiết để vận hành hiệu quả, an toàn hồ đập. Các bộ, địa phương liên quan và chủ đập cũng cần xây dựng hoàn chỉnh bản đồ ngập lụt vùng hạ du, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cắm chỉ giới quản lý để xác định mức độ ngập lụt.

 

Để đảm bảo an toàn hồ đập trong thời gian tới, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập chứa nước. Hàng năm, Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung các Nghị định, Thông tư liên quan đến các luật, như Luật tài nguyên, Luật Thủy lợi, Luật Đê điều, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai…, tạo hành lang pháp lý để tổ chức, cá nhân vận hành và các địa phương triển khai thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến đáp ứng yêu cầu thực tế trong quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi, quy hoạch hồ chưa nước và phải coi nguồn nước ngọt là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, cần được bảo vệ và tích trữ an toàn và chất lượng.

 

 

Sẽ rà soát, siết chặt quản lý, hạn chế tiêu cực của thuỷ điện nhỏ và vừa (Ảnh minh hoạ)


Siết chặt quản lý thuỷ điện nhỏ và vừa

 

 

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ những thiệt hại, tổn thất mà nhân dân các địa phương, chiến sĩ quân đội đã phải gánh chịu trọng thời gian vừa qua do bão, lũ, thiên tai gây ra.

 

Liên quan đến vấn đề thuỷ điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện cả nước có 429 đập thủy điện và các công trình thủy điện ở các mô khác nhau với dung tích trữ nước khoảng 56 tỷ m3 và công suất khoảng 20.000 MW, chiếm 37 % công suất toàn hệ thống. Đây là một nguồn năng lượng rất quan trọng phục vụ cho nhu cầu về năng lượng của đất nước trong phát triển kinh tế xã hội cũng như sinh hoạt của nhân dân.

 

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện nay chúng ta đang phụ thuộc rất nhiều năng lượng nhập khẩu, năng lượng sơ cấp của chúng ta đã gần hết, tức là từ nguồn thủy điện là một nguồn năng lượng tái tạo rất quan trọng và có mức độ ô nhiễm ít và độ phát thải gần như không có. Chính vì vậy việc quản lý và khai thác được nguồn năng lượng tái tạo này như thế nào để đảm bảo giảm thiểu những tác động đến môi trường và phát huy tối đa hiệu quả là một nhiệm vụ rất quan trọng của đất nước.

 

Bộ trưởng nhận định, bên cạnh những mặt tích cực cũng có cả những mặt hạn chế, điều này tùy thuộc vào chính sách và quản lý.

 

Phân tích rõ hơn, Bộ trưởng khẳng định: Nguồn thủy điện vẫn có cơ cấu và đóng góp quan trọng cho đất nước. Cụ thể, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đóng góp về sản lượng điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, giảm thiểu tác động đến môi trường.

 

Đặc biệt, ngoài chức năng phát điện, các hồ chứa thuỷ điện còn có tác dụng tích nước và tùy thuộc vào công suất nó có thể cắt giảm và điều tiết lũ cũng như phục vụ cho nhu cầu phát triển khác. Tuy nhiên, không phủ nhận những tác động tiêu cực do thủy điện gây ra và tùy thuộc vào cách thức của con người trong khai thác những nguồn tài nguyên thiên nhiên.

 

“Vì vậy, từ lâu thủy điện đã được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, của Chính phủ trong hàng loạt các cuộc giám sát cũng như các yêu cầu cụ thể, đặc biệt là từ sau Nghị quyết 62 của Quốc hội ban hành vào cuối năm 2013 và sau đó ra Nghị quyết 11 của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 62 của Quốc hội. Công tác về phát triển thủy điện nói chung cũng như là quản lý về an toàn của đập, hồ thủy điện và sự vận hành của các công trình thủy điện đã được đảm bảo” – Bộ trưởng nói và cho biết, trong giai đoạn này, hàng năm đều có các cuộc kiểm tra, giám sát và báo cáo đầy đủ theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội về (1) An toàn của đập, hồ thủy điện; (2) Công tác vận hành, phòng chống lụt bão, thiên tai của hệ thống thủy điện tại địa phương; (3) Thực hiện chức năng quản lý, kiểm soát thuỷ điện, không cho phép xâm dụng vào rừng tự nhiên.

 

Từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành là tuyệt đối không bổ sung bất kỳ một dự án thủy điện có sử dụng đến các diện tích đất rừng. Diện tích chiếm đất (tất cả các loại) các dự án được bổ sung quy hoạch đã giảm đạt khoảng 1,9ha/1MW so với quy định tại Thông tư 43 là dưới 10h/1MW. Điều đó chứng tỏ chúng ta đã thực thi một chính sách một cách rất chặt chẽ và nghiêm túc, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, Nghị quyết.

 

Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội trong việc xem xét, đánh giá hiệu quả của các dự án thuỷ điện, nhất là thủy điện nhỏ và vừa, trong giai đoạn vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành đã đưa ra khỏi quy hoạch 479 dự án; gần 8 dự án thủy điện bậc thang; loại bỏ 213 điểm tiềm năng cho phát triển thủy điện.

 

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí


Liên quan đến vận hành của các đập thủy điện và an toàn hồ, đập, hiện có hàng loạt các công cụ pháp lý từ Luật Xây dựng, Luật bảo vệ tài nguyên nước, Luật Môi trường, Luật Điện lực và Luật Phòng, chống thiên tai, bão lũ để điều chỉnh các hoạt động của thủy điện gắn với bảo vệ và phòng, chống thiên tai cũng như đảm bảo an toàn của hồ đập thủy điện và hàng loạt văn bản hướng dẫn khác.

 

Đơn cử như triển khai Nghị định 24 của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Thông tư 47 hướng dẫn và yêu cầu các chủ đập phối hợp với chính quyền địa phương phải sử dụng các hệ thống giám sát, quan trắc tự động về khí tượng thủy văn và giám sát hệ thống vận hành của các nhà máy thủy điện. Căn cứ trên lượng nước về nhà máy, lưu lượng xả từ đập, lượng xả từ đập xuống hạ du với nguyên tắc để đảm bảo là lượng nước xả ra không bao giờ vượt quá lượng nước về hồ.

 

Bên cạnh đó, các chủ hồ đập cần phải có phương án phòng, chống mưa bão cũng như kế hoạch vận hành điều tiết nước, báo cáo địa phương để làm căn cứ chỉ đạo, thực hiện.

 

Bộ trưởng cho rằng, các công cụ, cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ tuy nhiên trong thực tế vẫn không tránh khỏi những vụ việc xảy ra như thuỷ điện Hố Hô năm 2016 đã xả lũ vượt quá mức. Với vi phạm này, các cơ quan chức năng đã xử lý rất kiên quyết và thu giấy phép hoạt động điện lực, sau khi khắc phục xong mới tiếp tục cho phép tham gia thị trường điện.

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, thời tiết ngày càng có tính dị thường, cực đoan. Ví dụ như lượng mưa tại nhiều tỉnh miền Trung lên tới hàng nghìn mm. Đơn cử như ở Trà My, lượng mưa lên tới 2.500 mm, thời gian lưu bão số 9 kéo dài đã tạo ra tác động đến cấu tạo địa chất cũng như các điều kiện đất đai, thổ nhưỡng địa phương và gây ra sạt lở rất nghiêm trọng.

 

“Chúng ta phải xác định đối phó với thiên tai bão lũ là một câu chuyện mới và phải căn cứ công tác nghiên cứu khoa học để đưa ra những dự báo, cảnh báo cụ thể hơn nữa nhằm làm tốt công tác phòng, chống thiên tai cũng như về phát triển kinh tế xã hội” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu ý kiến.

 

Với tinh thần cầu thị, tiếp thu, Bộ Công Thương nhấn mạnh sẽ tiếp tục làm việc các địa phương và các bộ, ngành nhằm rà soát, đánh giá về những mặt hạn chế, những mặt tích cực để từ đó có căn cứ chính xác, báo cáo Chính phủ, tiếp tục siết chặt quản lý trong phát triển, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực nếu có, đồng thời tiếp tục khai thác nguồn tài nguyên này một cách hiệu quả.

 

Theo Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang