Thứ Hai, 29/04/2024 10:27:48 GMT+7

Tin đăng lúc 29-07-2017

Lượt xem: 3153

Sẽ “chốt” mức tăng lương tối thiểu vùng 2018 vào ngày 7/8

Dù đã có sự nhượng bộ nhất định nhưng vẫn có khoảng cách khác biệt giữa các đề xuất, do đó, phương án mức tăng lương tối thiểu vùng 2018 đã không thể đạt được điểm chung trong buổi sáng ngày 28/7. Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết sẽ họp bàn phiên tiếp theo vào ngày 7/8 tới đây.
Sẽ “chốt” mức tăng lương tối thiểu vùng 2018 vào ngày 7/8
Phiên họp sáng ngày 28/7 của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã không đi đến thống nhất giữa các bên.

Sáng ngày 28/7, Hội đồng tiền lương quốc gia họp bàn về lương tối thiểu vùng năm 2018, tại Hà Nội. Đây là phiên họp thứ 2 về việc này vì trước đó các phương án chưa được đồng thuận. Trước phiên họp, Phòng thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) đưa ra đề xuất tăng dưới 5% còn phía Tổng liên đoàn lao động VN đưa ra đề xuất mức tăng 13,3%.

 

Trong suốt phiên họp diễn ra sáng nay, các bên đã có động thái “xuống nước”, tuy nhiên vẫn không đi đến được thống nhất cuối cùng. Cụ thể, Tổng liên đoàn lao động VN hạ mức đề xuất từ 13,3% xuống mức 8%, đã giảm 5%. Trong khi đó VCCI giữ mức đề xuất 5%. Như vậy, khoảng cách giữa các bên đã giảm xuống 3% thay vì 8% như phiên họp trước.

 

Ông Doãn Mậu Diệp – Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, các bên chưa đạt được đồng thuận về mức tăng lương tối thiểu vùng 2018. Do đó, sẽ có thêm phiên họp thứ 3 vào ngày 7/8 tới đây.

 

"Các bên sẽ tiếp tục thương lượng để đạt được sự đồng thuận. Nếu không đồng thuận, các bên sẽ tiếp tục thương lượng phiên tiếp theo và bỏ phiếu mức tăng lương tối thiểu vùng trên cơ sở đề xuất của Chủ tịch Hội đồng tiền lương trước khi trình Thủ tướng ra quyết định tăng lương tối thiểu vùng 2018” – ông Diệp cho biết. 

 

Trao đổi với phóng viên sau cuộc họp, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho biết, giới sử dụng lao động giữ mức đề xuất 5% như ban đầu. Trong khi đó, phía người lao động mà đại diện là Tổng liên đoàn đã hạ mức đề xuất xuống ở khoảng 8%. 

 

“Quan điểm của các bên liên quan trong phiên họp lần 1 cho đến lần này đã có sự điều chỉnh phù hợp hơn với mỗi bên. Phía đại diện các DN, Hiệp hội DN bảo vệ mức tăng lương tối thiểu bởi trong 5 năm vừa qua mức tăng lương tối thiểu đã ở mức 13,25 % trong khi năng suất lao động chỉ ở mức 3-5%. Do đó, cần phải có sự điều chỉnh phù hợp để DN có khả năng phục hồi và có điều kiện để tăng năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực chi trả” – Phó Chủ tịch VCCI cho biết.

 

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội da giầy và túi sách Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi ủng hộ tăng lương tối thiểu vùng, tuy nhiên nên tăng ở mức hợp lý, cân bằng với tình hình sản xuất. Thực tế tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 ở mức 7% và các chi phí khác, trong đó có tăng mức đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn khiến tổng chi phí của các doanh nghiệp trong hiệp hội tăng khoảng 10%. Do đó, nếu tiếp tục tăng lương tối vùng quá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp".

 

Trước đó, cách phiên họp này 1 tháng (ngày 27/6) Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên đầu tiên bàn mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 tại Hải Phòng. Nhiều phương án tăng lương khác nhau được đưa ra để các bên cùng thảo luận. 

 

Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết mức tăng sẽ được hội đồng điều chỉnh dần qua các phiên họp tiếp theo. Theo quy định, mỗi bên sẽ có quyền dừng phiên họp 1 lần. Khi đã hết quyền dừng cuộc họp, nếu các bên vẫn chưa thống nhất được phương án chung, Chủ tịch hội đồng tiền lương quốc gia sẽ trình phương án đề xuất tăng lương tối thiểu để bỏ phiếu và trình Chính phủ.

 

Năm 2016, sau hai phiên họp lương tối thiểu vùng năm 2017 được chốt tăng 7,3% (180.000 - 250.000 đồng). Theo tính toán của bộ phận kỹ thuật, mức tăng này đáp ứng được khoảng 93% mức sống tối thiểu của người lao động.

 

4 phương án mới của Hội đồng Tiền lương quốc gia

Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia đề xuất 4 phương án mới với mức điều chỉnh năm 2018 thấp nhất là 5% và cao nhất là 8%.

Phương án 1, tăng mức lương tối thiểu từ 130.000 – 180.000 đồng, tương đương 4,8 - 5,2% (bình quân 5%).

Phương án 2, tăng mức lương tối thiểu tăng từ 160.000 – 220.000 đồng, tương đương 5,9 - 6,2% (bình quân 6%).

Phương án 3, tăng mức lương tối thiểu tăng từ 180.000 – 250.000 đồng, tương đương 6,6 - 7,0% (bình quân 6,8%, bằng mức điều chỉnh phương án 1 và cải thiện thêm 1,8% theo mức đóng góp tối đa của lao động vào GDP).

Phương án 4, tăng mức lương tối thiểu tăng từ 220.000 – 280.000 đồng, tương đương 7,5 - 8,5% (bình quân 8,0%).

 

 

Nguồn Enternews.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang